Shark Phú nói về sự nghiệp và gia đình: "Tôi nghĩ cuộc đời là sự công bằng. Ai muốn hài hoà sẽ không có đỉnh cao. Muốn đỉnh cao phải chấp nhận khiếm khuyết!"
Theo ông chủ Sunhouse, trong cuộc sống, muốn vượt trội lĩnh vực này phải hy sinh đâu đó những việc khác. Mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi có những điều kiện mà tại đó nếu đánh đổi sẽ được gì và mất gì. Nếu bạn thấy cái bạn nhận được thật sự có ý nghĩa với cuộc sống của mình thì nên đánh đổi.
- 03-09-2021Shark Phú kể chuyện “chơi” chứng khoán mùa dịch: Lướt sóng biên độ 5 – 10%, VnIndex xuống 1.250 là có thể mua vào!
- 01-09-2021Shark Nguyễn Xuân Phú: Rót vốn hỗ trợ start-up chỉ là một phần, chưa phải ý nghĩa lớn nhất của Shark Tank Việt Nam
- 30-08-2021Shark Phú tiết lộ mức lương hiện tại ở Sunhouse, niềm tin ‘trong nguy có cơ’ và 2 startup sẽ rót vốn khi hết giãn cách
Shark Nguyễn Xuân Phú là vị “cá mập” quen thuộc trên sóng Shark Tank Việt Nam. Ông được khán giả yêu quý một phần bởi những phát ngôn, nhận định về kinh doanh rất “chất” của mình. Khán giả cũng nhận thấy Shark Phú rất ít khi chia sẻ chuyện gia đình, đời tư cá nhân.
Trong một lần hiếm hoi nói về cuộc sống gia đình, ông chủ Sunhouse tâm sự: "Cuộc sống gia đình càng hiện đại thì càng bận rộn. Các dịch vụ phát triển rất nhanh, số lượng người trong gia đình ngày càng ít, và thời gian chúng ta dành cho gia đình cũng cứ thế vơi dần.
Trước đây, tôi rất bận, nhiều lúc có cảm giác bị công việc cuốn đi, không để ý tới gia đình. Hôm thì phải đi tiếp khách, hôm đến lượt khách mời, hôm thì bận họp... những việc ấy cứ cuốn chúng ta đi, khiến tôi nhiều khi tự hỏi, vậy thì ý nghĩa cuộc sống là gì?".
Không chỉ giai đoạn khởi nghiệp, ngay cả khi Sunhouse đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, ông vẫn tiếp tục bị những khía cạnh khác của công việc cuốn đi. Có giai đoạn, cả tuần ông đi tiếp khách, không về ăn cơm với gia đình. Đến hôm không bận việc, được về sớm thì nhà cửa trống trải, thiếu người này người kia. Lúc ấy bản thân mới cảm nhận rõ ràng thấy có gì đó hụt hẫng, cô đơn.
Tuy nhiên, "vua chảo" cho rằng đây không phải vấn đề của riêng mình mà là câu chuyện nhiều người phải trải qua, để đổi lại thành công trong sự nghiệp.
Trong một sự kiện khác, Shark Nguyễn Xuân Phú cũng chia sẻ: "Có một nguyên tắc thế này: bao giờ cạnh núi cao cũng là vực sâu, còn đồng bằng bằng phẳng thì tất cả xung quanh sẽ bằng phẳng. Cuộc sống cũng vậy, muốn vượt trội lĩnh vực này phải hy sinh đâu đó những việc khác. Vì thế những người thành công vang dội trong sự nghiệp phải hy sinh nhiều điều nhất định".
Ông chủ Sunhouse lý giải rằng mỗi người, mỗi ngày đều có 24 giờ giống nhau, chỉ khác nhau cách sử dụng. Ví dụ, nếu một người tiêu dùng kiểu đều đều, 1 tiếng cho gia đình, 1 tiếng chơi thể thao, 1 tiếng học tập,… thì mọi thứ họ có sẽ không nổi bật xuất chúng. Nhưng ngược lại, nếu muốn chơi thể thao giỏi, họ sẽ phải tập trung 10 tiếng/ngày, nghĩa là mất đi 9 tiếng dành cho việc khác.
"Tôi nghĩ cuộc đời là sự công bằng. Ai muốn hài hoà sẽ không có đỉnh cao. Muốn đỉnh cao phải chấp nhận khiếm khuyết. Điều đó là bình thường, do lựa chọn của mỗi người mà thôi".
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Shark Phú nhận định sự đánh đổi của người trẻ có thể khác với giai đoạn của mình do hoàn cảnh xã hội đã thay đổi.
Cụ thể, những năm 1980-1990, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh, cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là về kinh tế, vật chất, thì chuyện đánh đổi là cần thiết. Còn trong giai đoạn hiện nay, thời thế đã thay đổi. Đất nước phát triển đến một mức ổn định nhất định thì điều mọi người cần là một xã hội hài hoà, mọi thứ cân bằng. Như vậy, một người hy sinh để đánh đổi có khi lại thành lạc lõng.
Tại Nhật Bản, người sinh ra ở giai đoạn 1930-1940 là những người thay đổi đất nước. Ở Hàn Quốc, thế hệ sinh năm 1950-1960 là những người làm nên sự bứt phá thần tốc cho quốc gia. Giờ thế hệ sinh sau muốn thay đổi, muốn đột phá cũng khó mà thay đổi được, tức là thời thế tạo anh hùng.
Tại Việt Nam, Shark Phú nhận định thế hệ 7x, 8x hay 9x là thế hệ có khả năng thay đổi vận hội đất nước. Với thế hệ từ 2000 trở đi, "có muốn cũng không được" bởi xuất phát điểm của quốc gia đã khác: cuộc sống tương đối ổn định về vật chất nên không đòi hỏi sự đánh đổi bằng mọi giá như trước đây mà hướng tới sự hài hoà cân bằng.
"Ý tôi muốn nói là mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi có những điều kiện mà tại đó nếu đánh đổi sẽ được gì và mất gì. Nếu bạn thấy cái bạn nhận được thật sự có ý nghĩa với cuộc sống của bạn thì nên đánh đổi, còn đánh đổi mà chả được gì thì đánh đổi làm gì", vị "cá mập" bày tỏ.
Tuy nhiên, Shark Phú nhấn mạnh sự đánh đổi có đáng giá hay không, chỉ chính bản thân người trong cuộc mới biết, không ai biết thay được. Vì thế, không nên bắt chước theo ai mà chỉ nên quan sát, học hỏi.
Shark Hưng từng đuổi việc một giám đốc vì bỏ tiền túi đi công tác: Nếu bạn có thể bỏ tiền túi để chi cho công ty, thì cũng có thể tiêu tiền công ty cho cá nhân!
Doanh nghiệp và tiếp thị