MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Shipper' - nghề cạnh tranh quyết liệt ở Singapore

17-03-2024 - 16:52 PM | Tài chính quốc tế

Sau khi đại dịch COVID-19 chấm dứt, người dân lại đi ăn nhà hàng, một số nhân viên giao đồ ăn cho biết nhu cầu giao đồ ăn đã giảm gần một nửa, có khi họ chỉ kiếm được 90 SGD (khoảng 170.000VND) sau 11 tiếng làm việc.

Trong nền kinh tế hiện nay, nền tảng công việc giao đồ ăn “làm nhiều hưởng nhiều” đã thu hút rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ xã hội thuộc Đại học Quốc gia Singapore lo ngại rằng, ngay cả khi những người có thu nhập thấp, trong đó có nhân viên giao đồ ăn, dù có tích lũy qua năm suốt tháng, cũng khó có cơ hội thăng tiến và tăng lương, dễ rơi vào tình trạng “In-Work Poverty” (nghèo khi đi làm).

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các nhân viên nền tảng, bao gồm tài xế xe máy giao đồ ăn, làm việc khoảng 55 giờ mỗi tuần, nhiều hơn ít nhất 10 giờ so với các chuyên gia, nhà quản lý, nhân viên hành chính và kỹ thuật viên (PMET). 37 tài xế giao đồ ăn được phỏng vấn tiết lộ rằng họ phải làm việc ít nhất 40 giờ một tuần mới kiếm được 2.000 SGD/tháng (1 SGD tương đương gần 19 ngàn VND).

Shipper là nghề cạnh tranh quyết liệt ở Singapore.

Ông Sun, 57 tuổi, một tài xế xe máy đã làm công việc giao đồ ăn hơn ba năm, nói với các phóng viên rằng, đơn hàng giao đồ ăn hiện nay ít hơn gần 50% so với thời kỳ đang dịch bệnh. “Các đơn hàng đến rất chậm. Tôi làm việc khoảng 11 giờ mỗi ngày và chỉ kiếm được khoảng 90 SGD; công việc rất kém”. Nói cách khác, trung bình ông Sun chỉ kiếm được khoảng 8 SGD mỗi giờ.

Một chàng trai giao đồ ăn khác (ở độ tuổi 30) giấu tên cho biết, làm việc 40 giờ/tuần là rất ít đối với một người giao đồ ăn: “Nhiều người làm việc rất chăm và có thể làm việc hơn 12 giờ/ngày, một số thậm chí còn hăng hái hơn, chạy liên tục không nghỉ trong bảy ngày cả tuần, thu nhập mới cao”.

Feng Li mua một chiếc xe máy vào tháng 1 và định thử làm shipper bán thời gian. Trước khi làm shipper giao đồ ăn , anh đã so sánh ba nền tảng giao đồ lớn ở Singapore là Grab, Foodpanda và Delivero; nhận thấy Delivero là lựa chọn tốt nhất vì đơn giá cao, số lượng shipper ít, không bận rộn và trợ cấp cũng tốt. Tuy nhiên, anh đăng ký và đợi mấy ngày nhưng vẫn không nhận được sự chấp thuận. Sau khi tham khảo ý kiến ​​của các shipper khác, anh mới biết Delivero giới hạn số lượng shipper để đảm bảo công việc cho họ. Khi kỳ nghỉ phép năm của Feng Li sắp kết thúc, anh đăng ký đầu quân cho Foodpanda và mua sắm thiết bị.

Vào ngày đầu tiên, anh bắt đầu giao hàng lúc 3 giờ chiều, làm việc tổng cộng 4,5 giờ, hoàn thành 10 đơn hàng và kiếm được 48 SGD (khoảng 910.000 VND), trung bình được 10 SGD (190.000 VND) mỗi giờ. Vào ngày thứ ba, anh ta chạy 2 tiếng, giao 6 đơn hàng và kiếm được 35 SGD, trong đó gồm cả tiền boa 2 SGD. Hôm đó anh ta kiếm được trung bình 16 SGD/giờ.

Tiến sĩ Mathew, Chủ nhiệm kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu xã hội, Viện Nghiên cứu chính sách Singapore, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, nghiên cứu cho thấy trừ khi những người lái xe giao đồ ăn phải bỏ ra nhiều thời gian, nếu không thu nhập của hầu hết sẽ không cao như trước. Nhu cầu giao đồ ăn tăng cao trong thời kỳ dịch bệnh khiến một số nhân viên bị đình chỉ công việc do dịch đã chuyển sang làm shipper giao đồ ăn. Tuy nhiên, đại đa số shipper này đã từ bỏ việc giao đồ ăn và quay trở lại công việc cũ sau khi các ngành này hoạt động trở lại. Chỉ có khoảng 33% tài xế giao đồ ăn là nhân viên lâu dài, số còn lại coi đó là công việc kiêm chức bán thời gian tăng thêm thu nhập.

Một cuộc khảo sát ngành đa nền tảng của Hiệp hội Công nghiệp Nền tảng Kỹ thuật số do Deliveroo, foodpanda và Grab cùng nhau thành lập cho thấy 65% ​​tài xế giao đồ ăn trên nền tảng chỉ làm việc bán thời gian và không coi công việc này làm nguồn thu nhập chính. Chỉ có khoảng 33% là người giao đồ ăn lâu dài đã làm việc từ ba năm trở lên.

Khi được phỏng vấn, hiệp hội tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp tài nguyên học tập liên quan đến công việc cho các tài xế giao đồ ăn trên mỗi nền tảng. “Chúng tôi hoan nghênh Dự án thay đổi nghề nghiệp của Bộ Nhân lực nhằm cung cấp sự trợ giúp cho những shipper giao đồ ăn muốn chuyển sang các ngành khác”.

Vật giá cao, chi phí lao động cao và tổng khối lượng hàng hóa tương đối nhỏ là những đặc điểm của thị trường giao đồ ăn ở Singapore. Tại Singapore, chi phí R&D, vận hành và tiếp thị đang tăng, phí giao hàng cũng tăng lên và không có tổng số người dùng nhiều như các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia hay Việt Nam.

Tuy nhiên, là một trong những thị trường bán hàng online lớn nhất Đông Nam Á, Singapore vẫn có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu Statista cho thấy, dự kiến đến năm 2027, thị trường mua hàng trực tuyến của Singapore ​​sẽ có 3,69 triệu người dùng.

Báo cáo do Momentum Ventures công bố cho thấy tính đến cuối năm 2023, Grab là nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 55% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường (9,4 tỷ USD); Foodpanda và Gojek lần lượt chiếm 15,8% và 10,5%, tổng lượng hàng hóa trên thị trường, giảm lần lượt 12,9% và 10%. Shopee Food và LINE MAN lần lượt chiếm 8,8% và 8,1%. Do sự cạnh tranh trên thị trường giao đồ ngày càng gay gắt, năm ngoái Foodpanda đã giảm hoạt động ở châu Á và sa thải nhân viên, trong khi Grab cũng giảm bớt hơn 1.000 nhân viên.

Theo Thu Thuỷ

Tiền Phong

Trở lên trên