Việt Nam vượt nước ASEAN, thống lĩnh mặt hàng mà Trung Quốc mua nhiều hơn cả "vua trái cây" sầu riêng
Hiệp hội những người trồng và xuất khẩu chuối Philippines đã viện dẫn căng thẳng với Trung Quốc là yếu tố quan trọng làm giảm lượng chuối xuất khẩu vào thị trường tỷ dân.
- 27-10-2024Mỹ yêu cầu G7 bổ sung lệnh trừng phạt lên mặt hàng Nga xuất khẩu nhiều nhất thế giới: Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
- 19-10-2024Tung ra hàng nghìn lệnh trừng phạt nhưng phương Tây vẫn loay hoay với một mặt hàng Nga ‘nắm thóp’: EU như đang đi trên dây vì nguy cơ lợi bất cập hại
- 01-10-2024Quyết chặn đứng ‘cơn lũ’ giá rẻ Trung Quốc, một mặt hàng ‘đắt xắt ra miếng’ của Nhật Bản thành công rực rỡ, sản xuất không kịp bán
- Chuối nhập khẩu từ Philippines vào Trung Quốc giảm 49%;
- Việt Nam vượt Philippines trở thành nhà cung cấp chuối số 1 tại Trung Quốc;
- Philippines lên kế hoạch phục hồi ngành chuối.
Chuối Philippines bị "soán ngôi" tại Trung Quốc
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tính đến cuối tháng 7/2024, lượng chuối nhập khẩu từ Philippines vào Trung Quốc đã giảm 49% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 255.636 tấn.
Sự sụt giảm này cũng có nghĩa là thị phần chuối của Philippines tại Trung Quốc giảm xuống còn 24,53% so với 37,49% trong cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2023.
Do đó, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành nhà cung cấp chuối số 1 tại Trung Quốc. Theo ITC, lượng chuối xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 19% so với cùng kỳ năm trước lên 438.573 tấn và hiện nắm giữ 42% thị phần, tăng từ mức 33% trong giai đoạn từ tháng 1 đến 7/2023.
Hiệp hội những người trồng và xuất khẩu chuối Philippines (PBGEA) đã viện dẫn căng thẳng với Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông là một yếu tố quan trọng làm giảm lượng chuối xuất khẩu của nước này.
Giám đốc điều hành PBGEA Stephen Antig cho biết: "Các chính sách địa chính trị chắc chắn đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách kinh tế."
Dựa trên kinh nghiệm của Antig, ngành công nghiệp này luôn phải chịu thiệt hại liên đới bất cứ khi nào có căng thẳng ở Biển Đông.
Antig nói thêm rằng, cơ chế định giá giao ngay "biến động" của thị trường chuối Trung Quốc cũng khiến người trồng chuối Philippines không muốn xuất khẩu sang đây vì họ ưa thích hợp đồng dài hạn để có lợi nhuận được đảm bảo hơn.
Giám đốc điều hành của Trung tâm Kinh doanh Nông nghiệp và Thực phẩm thuộc Đại học Châu Á và Thái Bình Dương (Philippines) Marie Annette Dacul cũng đồng ý với quan điểm này.
“Quan hệ chính trị cũng tác động đến quan hệ thương mại”, Dacul nói với tờ Philippine Daily. “Bất cứ điều gì dẫn đến mất thị phần đều đáng lo ngại.”
Sự sụt giảm trong xuất khẩu làm trầm trọng thêm những thách thức về sản xuất mà những người trồng chuối Philippines đang phải đối mặt, bao gồm chi phí sản xuất cao, sâu bệnh, vấn đề hậu cần và thời tiết bất thường.
Theo báo Philippine Star, Philippines cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các quốc gia xuất khẩu chuối lân cận là Việt Nam, Campuchia và cả Lào.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Cheryl Marie Natividad-Caballero cho biết: “Những quốc gia này đã tăng cường năng lực sản xuất và có thể đưa ra mức giá thấp hơn, giúp chuối của họ hấp dẫn hơn ở các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Nhật Bản”.
Việt Nam có lợi thế lớn để xuất khẩu chuối sang Trung Quốc
Kể từ khi Việt Nam ký kết nghị định thư xuất khẩu chuối tươi với Trung Quốc vào ngày 1/11/2022, hoạt động xuất khẩu chuối tươi Việt Nam sang thị trường tỷ dân đã liên tục khởi sắc.
Theo Hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, lượng chuối Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam cao gần gấp đôi so với nước xếp sau là Philippinnes (222 nghìn tấn) và vượt xa các nguồn cung khác như Ecuador (123 nghìn tấn), Campuchia (131 nghìn tấn), Lào (49 nghìn tấn), Mexico (7 nghìn tấn), Thái Lan (hơn 2 nghìn tấn), Myanmar (hơn 2 nghìn tấn), Indonesia (1 nghìn tấn).
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên cho biết, so với các nước xuất khẩu chuối khác, khi xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế rất lớn về logistics do có đường biên giới liền kề, nên có thể xuất khẩu qua đường bộ. Hệ thống đường cao tốc xuyên Việt đang được đầu tư xây dựng trong thời gian qua càng làm giúp ngắn thời gian vận chuyển chuối tới các cửa khẩu với Trung Quốc. Chính vì vậy, thời gian và chi phí vận chuyển chuối Việt Nam tới Trung Quốc hiện đang thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Trung Quốc hiện đang là một trong những thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Thực phẩm, Sản phẩm bản địa và Phụ phẩm động vật Trung Quốc, năm 2023, nước này đã nhập khẩu 1,77 triệu tấn chuối, trị giá 1,08 tỷ USD. Trong đó, chuối nhập khẩu từ Philippines là 686 nghìn tấn, Việt Nam 506 nghìn tấn, Ecuado 266 nghìn tấn, Campuchia 263 nghìn tấn. 4 nước này chiếm tới 97% tổng lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc.
Tính về lượng, chuối là loại trái cây mà thị trường Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, đứng trên sầu riêng (1,43 triệu tấn) - vốn được mệnh danh "vua trái cây", dừa (1,18 triệu tấn)… Còn tính về kim ngạch, chuối đứng thứ 4 sau sầu riêng tươi (6,72 tỷ USD), anh đào (2,65 tỷ USD) và sầu riêng đông lạnh (hơn 1 tỷ USD).
Về phía Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, chuối nằm trong nhóm 3 mặt hàng trái cây xuất khẩu có giá trị cao nhất (sau sầu riêng, thanh long) khi đạt 220 triệu USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Kế hoạch phục hồi ngành chuối Philippines
Philippine Star đưa tin, chính phủ Philippines và các bên liên quan trong ngành chuối đang xem xét việc ban hành luật cho một kế hoạch không chỉ phục hồi ngành chuối đang gặp khó khăn của nước này mà còn cứu vãn thị phần đang bị xói mòn ở nước ngoài.
PBGEA và Bộ Nông nghiệp Philippines đang soạn thảo một kế hoạch phục hồi ngành chuối để giải quyết ngay lập tức những lo ngại của nông dân địa phương, từ chi phí sản xuất, sâu bệnh đến cạnh tranh trên thị trường.
Giám đốc điều hành PBGEA Antig cho biết kế hoạch này tương tự như kế hoạch phát triển ngành muối đã được ban hành thành luật vào đầu năm nay; kế hoạch này sẽ sử dụng nguồn kinh phí theo luật định để tài trợ cho nhiều chương trình và dự án khác nhau nhằm phục hồi ngành chuối.
Kế hoạch phục hồi ngành chuối sẽ được chuyển thành dự luật mà cả chính phủ Philippines và khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy để ban hành thành luật.
Trước đây đã có những nỗ lực ban hành luật tài trợ cho một số chương trình cải thiện ngành công nghiệp chuối tại Philippines, đặc biệt là khi bệnh Panama (bệnh héo rũ vàng lá chuối) đang ngày càng ảnh hưởng xấu đến các đồn điền trồng chuối ở nước này.
Theo Philippine Star, việc xây dựng kế hoạch phục hồi ngành chuối diễn ra vào thời điểm Philippines đang mất đi đáng kể thị phần tại các thị trường chính ở châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc.
Dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy Philippines đã mất gần 11% thị phần chuối tại Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến 8/2024. Philippines cũng đã mất gần 13% thị phần tại Trung Quốc từ tháng 1 đến 7/2024 so với cùng kỳ 7 tháng năm ngoái.
Theo số liệu mới nhất của ITC, thị phần của chuối Philippines trên thị trường Hàn Quốc hiện đã giảm xuống còn 60%; trong khi đó tại Trung Quốc, chuối Philippines hiện chiếm gần 25%.
Trung tâm Kinh doanh Thực phẩm và Nông nghiệp thuộc Đại học Châu Á và Thái Bình Dương khuyến nghị rằng chính phủ Philippines nên "làm việc chặt chẽ" với các bên liên quan trong ngành chuối để "xây dựng chiến lược" và "ưu tiên" các biện pháp cần thiết để hỗ trợ ngành.
"Điều quan trọng là chính phủ [Philippines] phải lắng nghe nhu cầu của ngành thay vì chỉ dựa trên những gì họ nghĩ là ngành cần, sau đó hành động khẩn trương", nhóm nghiên cứu của trung tâm cho biết trong một email gửi cho Philippine Star.
Phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Philippines cũng ủng hộ kế hoạch phục hồi ngành chuối và lập luận rằng cần phải phân bổ ngân sách nhiều hơn cho ngành này.
Đời sống & pháp luật