MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Showrooming: Từ chuyện cốc mò cò xơi đến ý nghĩa tồn tại của các cửa hàng bán lẻ truyền thống

Kênh digital đang rất ưu việt dẫn đến câu hỏi: Chuỗi bán lẻ truyền thống sẽ tiếp tục tồn tại hay là chết?

Từ việc cốc mò cò xơi...

Khách hàng vào xem rồi về mua hàng trên mạng, đó là cách hiểu của thuật ngữ “showrooming”.

Thuật ngữ này được phổ biến từ trước năm 2013 với nỗi sợ của những ông chủ cửa hàng bán lẻ khi khách chỉ coi cửa hàng là showroom – nơi trưng bày sản phẩm. Họ đến cửa hàng bán lẻ, xem đồ, thử đồ, nhận sự tư vấn của nhân viên bán hàng, sau đó trở về nhà và mua đồ từ các chuỗi bán hàng trực tuyến, hoặc gửi người mua xách tay từ nước ngoài về.

Hàng hoá qua con đường này thường rẻ hơn vì không mất những chi phí như trưng bày, tiền trả cho nhân viên tư vấn. Bên cạnh đó, những đơn hàng mua qua mạng còn được nhận những chiết khấu lớn từ phía đơn vị cung cấp hàng hoá, vốn đang tích cực lôi kéo người dùng.

Cốc mò cò xơi, trong khi những người bán lẻ truyền thống đang tiêu tốn một khoản lớn tiền để duy trì mặt bằng trưng bay và đội ngũ bán hàng tư vấn thì những người bán trên mạng lại được hưởng lợi.

Thậm chí, năm 2013, một cửa hàng rau quả ở ở Brisbane, Úc đã thu của khách 5 AUD mỗi lần vào xem hàng mà không mua.

Đến ý nghĩa cứu cánh để chuỗi bán lẻ truyền thống được tồn tại

Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh và Thương mại điện tử, FPT Digital Retail nhận xét tại sự kiện bán lẻ của Forbes mới đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đa kênh (omni channel) trong cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ.

Đối với các cửa hàng truyền thống, sử dụng 1 plafom duy nhất, ông nhận định rằng nó sẽ bị mất đi các cơ hội. Trong thời đại công nghệ số, tương tác khách hàng là cực kỳ quan trọng, đặc biệt, với sự xuất hiện của thế hệ Gen Z (sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến đầu những năm 2000).

Thế hệ này có khoảng 14,4 triệu người, lớn lên trong thời đại chín muồi của công nghệ, cách tiêu dùng và mua sắm khác hẳn các thế hệ trước. Nếu không sử dụng các kênh phương tiện khác, chỉ dựa vào kênh bán lẻ truyền thống, chắc chắn không thể tác động đến hành vi mua sắm của những người này, theo ông Bảo.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào bán hàng online thì doanh nghiệp cũng sẽ thất bại. Hành vi của người tiêu dùng vẫn muốn sờ, cảm nhận, trải nghiệm trước khi mua. Nghĩa là nếu chỉ dựa vào một nền tảng: hoặc cửa hàng thực hoặc mua bán online, doanh nghiệp sẽ tự tạo giới hạn cho mình. Ông Bảo nhấn mạnh, xu hướng phải là đa kênh.

Đó cũng như câu trả lời cho việc các cửa hàng bán lẻ vật lý hay truyền thống có tồn tại hay là chết.

“Ngay cả trong thời đại Digital thì vẫn có hiện tượng showrooming. Khách hàng dù mua online thì họ vẫn mong muốn được trải nghiệm. Nhiều cửa hàng luxury đã mọc lên nhằm thoả mãn được nhu cầu này. Ví dụ người ta đi mua cái áo hiệu, họ sẽ đến cửa hàng để mặc thử, tìm size rồi mới quyết đặt mua. Dù online có phát triển đến đâu thì thói quen này vẫn khó thay đổi”, ông Bảo nói.

Ông cũng thống kê, có 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục mua hàng online, trong khi đó, có 51% tìm hiểu online, trải nghiệm rồi mua tại các cửa hàng, cao hơn 17 điểm phần trăm.

Thế hệ Z, dù được sinh trưởng trong thời đại số, vẫn có đến 69% mua sắm ở các cửa hàng truyền thống, 98% chọn đến cửa hàng truyền thống để trải nghiệm, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghệ.

“Cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn có đất sống”, ông Bảo nói. Trên thực tế, trong năm 2016, 92,2% doanh thu bán lẻ đến từ cửa hàng vật lý, chỉ 7,8% đến từ thương mại điện tử. Riêng FPT Shop tỷ lệ này là 15% (e-commerce).

Tất nhiên, như đã nói ở trên, để tồn tại, các cửa hàng truyền thống cũng phải đi theo “đa kênh”. Nghĩa là, như ông Bảo phân tích, nó không chỉ là showroom đơn thuần mà còn là nơi trung chuyển hàng hoá. Hiện FPT Shop có 430 cửa hàng, mỗi cửa hàng là một điểm đến, cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ, đồng thời cũng là nơi trung chuyển, lưu chuyển hàng hoá. Đồng thời, cũng cần phải phát triển thêm các kênh bán hàng online.

2 năm trước, ông Bảo từng đưa ra chiến lược của mình tại cuộc họp với lãnh đạo FPT. Đó là “bầy kiến vây quanh con voi”. Dùng những cửa hàng nhỏ với mục đích chính là giúp khách hàng “touch and feel” (chạm và cảm nhận). Cửa hàng không bán sản phẩm mà chỉ để cho khách hàng được trải nghiệm, tư vấn. Về sau, kế hoạch này không được thông qua.

Tuy nhiên, có thể thấy, các cửa hàng truyền thống, với cơ sở vật lý và người tư vấn sẽ không biến mất, nó chỉ tồn tại với ý nghĩa khác, trong chuỗi đa kênh của bán lẻ.

Thứ 6 tuần trước, hãng bán lẻ trực tuyến Amazon đã thực hiện thương vụ mua chuỗi siêu thị Whole Foods. Đây là một cơn địa chấn đối với ngành bán lẻ thế giới. Như nhiều diễn giả trong hội thảo của Forbes nhận định, đó có thể là câu chuyện của việc mua hàng online và offline.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên