MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết chuyển nhượng dự án

17-10-2018 - 09:19 AM | Bất động sản

Ngày 4.10 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành văn bản số 4473/UBND-ĐT, siết chặt việc chuyển nhượng dự án nhằm mục đích trục lợi - hiện tượng nhức nhối đã và đang gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây.

Đơn cử tại Cty cổ phần Kim khí TPHCM, việc chuyển nhượng dự án bất động sản cho doanh nghiệp tư nhân, trên khu đất 9.125m2, ở phường Phú Thuận, quận 7, gây nhiều tranh cãi. Cty này cho rằng: Sau khi đóng 87 tỉ đồng tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án bất động sản, doanh nghiệp có quyền chuyển nhượng dự án bất động sản (kèm theo quyền sử dụng đất), với giá 102 tỉ đồng. Thực chất, dự án bất động sản mới trên giấy (vốn dự toán 734 tỉ đồng), còn giao dịch chuyển nhượng thật, chính là khu đất 9.125m2. Đây là khu đất công, doanh nghiệp được nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm. Việc chuyển nhượng khu đất công, nếu đấu giá, số tiền chuyển nhượng chắc chắn không phải 102 tỉ đồng, mà hơn thế rất nhiều.

Tại Cty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM), doanh nghiệp này chuyển nhượng 32ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Cty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, với giá “bèo” chỉ 1,29 triệu đồng/m2(chỉ bằng khoảng hơn 10% so với giá thị trường thời điểm đó).

Hay khu đất 5.000m2 ở số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, việc 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước chuyển nhượng quyền đầu tư dự án cho doanh nghiệp tư nhân chỉ với giá 200 tỉ đồng đã gây bức xúc dư luận. Trên thực tế, giá trị khu đất hơn nghìn tỉ đồng, nhưng nó đã được chuyển quyền sử dụng cho tư nhân chỉ với giá 200 tỉ đồng (dưới hình thức chuyển nhượng quyền đầu tư).

Thanh tra Chính phủ cho rằng, khu đất có lợi thế đặc biệt về thương mại, nếu đấu giá thành công sẽ thu về ngân sách hơn 2.000 tỉ đồng. Việc chuyển nhượng quyền đầu tư không đấu giá lô đất, khiến ngân sách thất thu cả nghìn tỉ đồng.

Việc UBND TPHCM siết chặt chuyển nhượng dự án cho thấy có sự chuyển dịch tích cực từ chính quyền. UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan đề xuất giải pháp tốt nhất, nhằm kiểm soát chặt việc chuyển nhượng dự án, phòng tránh tiêu cực… Việc siết chặt chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào nhằm ý đồ trục lợi giữa các tổ chức, cũng góp phần giúp nhà nước không bị thất thu ngân sách.

Hơn thế, còn giúp cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát mọi công đoạn trong các vụ chuyển nhượng dự án và minh bạch hoá quy trình đấu giá, đấu thầu đất đai, công sản ngày càng tốt hơn từ góc độ tài chính cho đến góc độ công tác quản lý nhà nước.

Theo Cao Hùng

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên