"Siết" điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ khiến dự án lớn có nguy cơ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài?
Quy định tỷ lệ hoàn thành, nghiệm thu các hạng mục công trình của dự án tương tự mà doanh nghiệp tham gia đấu thầu thực hiện trước đó phải đạt tối thiểu 80% đang làm dấy lên mối lo sẽ làm sụt giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho một số rất ít các nhà đầu tư rất lớn trong nước, đặc biệt các nhà đầu tư lớn nước ngoài.
Tỷ lệ nghiệm thu 80% "kìm chân" doanh nghiệp có năng lực
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư sử dụng đất, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
Phụ lục I đến Phụ lục IX của dự thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu đấu thầu các dự án sử dụng đất hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương và các bộ, ngành, trong đó quy định tỷ lệ hoàn thành phần lớn dự án tương tự mà nhà đầu tư đã thực hiện trước đó theo 2 phương án:
Phương án 1, quy định "dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng".
Phương án 2 quy định "dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này chưa sát thực tế, sẽ làm hạn chế tính cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp có năng lực tham gia đấu thầu. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, quy định này nếu được thông qua sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đặc biệt tại các dự án có quy mô sử dụng đất lớn.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, quy định tỷ lệ hoàn thành, nghiệm thu các hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công việc của dự án tương tự thực hiện trước đó phải đạt tối thiểu 80% là quá cao cho doanh nghiệp và gây khó khăn trong quá trình xét duyệt.
Ông Hiệp đưa ra dẫn chứng, quy định mới của Luật Đất đai không cho phép phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã; tăng thêm 81 thành phố, thị xã so với quy định hiện hành. Như vậy, phần lớn các dự án nhà đầu tư phải xây thô lên mới được bán, đẩy tổng mức đầu tư của dự án lên rất cao. "Tôi lấy ví dụ, một dự án 50ha với tổng vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Nếu yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành đến 80%, tương đương với 4.800 tỷ đồng, mới đủ điều kiện để đấu thầu dự án tương tự thì quá khó. Con số này quá lớn", ông Hiệp khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, quy định này vô tình đẩy nhà đầu tư trong nước vào thế khó, làm sụt giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, tạo "lợi thế tuyệt đối" cho một số rất ít các nhà đầu tư rất lớn trong nước và các nhà đầu tư lớn nước ngoài. Vì chỉ những đối tượng đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu gắt gao kể trên.
"Theo tôi, chỉ nên quy định tỷ lệ hoàn thành nghiệm thu của dự án tương tự thực hiện trước đó ở mức 30% là nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Đẩy lên mức 80% để làm tiêu chí chấm điểm là không sát thực tế", ông Hiệp khẳng định.
Chỉ nên quy định ở mức 50%
Góp ý vào dự thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, các dự án lớn thường được thiết kế đầu tư phân kỳ, kéo dài nhiều năm. Ví dụ, các dự án khu đô thị thường được thiết kế theo hình thức cuốn chiếu. Nhà đầu tư xây dựng từng phân khu, đưa vào vận hành và sử dụng trong khi vẫn tiếp tục xây dựng tại các phân khu tiếp theo.
Kể cả trong trường hợp thi công và kinh doanh đúng tiến độ, một dự án như vậy cũng có thể kéo dài nhiều, thậm chí hàng chục năm mới có thể hoàn thành. Đó là chưa kể trong trường hợp gặp những biến động bất khả kháng, nằm ngoài dự liệu của nhà đầu tư có thể khiến một số hạng mục, của dự án bị trì hoãn kéo dài.
"Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định tỷ lệ hoàn thành phần lớn mà để từng dự án cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự điều chỉnh tỷ lệ này theo quy mô của dự án tương tự như quy định của Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hoặc điều chỉnh quy định theo hướng giảm mức tối thiểu hạng mục, giá trị dự án đã hoàn thành phần lớn từ 80% xuống còn 50%", Phó Tổng thư ký của VCCI nhấn mạnh trong văn bản góp ý.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng cho rằng: Quy định về con số định lượng tỷ lệ nghiệm thu của "dự án hoàn thành phần lớn" với dự án có cấu phần xây dựng lên đến 80% như dự thảo là quá cao so với quy định hiện hành tại Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16/11/2021.
Ông Châu nhận thấy quy định này cũng sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, tạo "sân chơi" không công bằng vì đa số nhà đầu tư trong nước sẽ "bị loại ngay từ vòng gửi xe", không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Do vậy, Chủ tịch HoREA đề nghị tiếp tục thực hiện quy định của Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư về yêu cầu "dự án hoàn thành phần lớn". Cụ thể, dự án hoàn thành phần lớn là dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành một phần hạng mục công trình được nghiệm thu theo giai đoạn thi công xây dựng có giá trị tương đương, thông thường trong khoảng 50%-70% tổng mức đầu tư của dự án đang xét theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Còn theo đại diện một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, quy định tỷ lệ hoàn thành dự án lên đến 80% sẽ hạn chế tính cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp có năng lực tham gia đấu thầu các dự án sử dụng đất có tổng mức đầu tư lớn hoặc diện tích dự án lớn; tạo ra cơ chế độc quyền cho một vài doanh nghiệp đã từng thực hiện dự án có quy mô lớn tham gia đấu thầu các dự án sử dụng đất. Từ đó dẫn tới các địa phương không có điều kiện phát triển các quần thể đô thị quy mô góp phần mang đến diện mạo đô thị khang trang.
"Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên quy định hoàn thành phần lớn theo Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT, do quy định này đã được áp dụng ổn định trên thực tiễn. Hoặc sửa quy định "hoàn thành phần lớn" là đạt mức từ trên 50% hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công việc dự án. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn các "ứng viên", bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu công bằng tại các dự án sử dụng đất có quy mô lớn...", vị này khẳng định.