'Siết' trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Cần cân nhắc để thị trường phát triển
Nhiều ý kiến e ngại những quy định mới có thể thu hẹp thị trường trái phiếu riêng lẻ do cơ hội huy động vốn của DN và sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân cùng giảm.
- 09-09-2024Giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát: Các DN phát hành hàng chục nghìn tỷ trái phiếu sai phạm đang trong tình trạng thế nào?
- 08-09-2024Tập đoàn Danh Khôi: Nợ quá hạn trái phiếu, nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
- 01-09-2024Long Thành Riverside sạch nợ trái phiếu, báo lãi tăng đột biến nửa đầu năm
- 28-08-2024Vingroup đã tất toán hơn 900 triệu USD trái phiếu quốc tế có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VIC, VHM, VFS
Quy mô thị trường trái phiếu nguy cơ giảm
Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có bổ sung quy định về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những quy định chặt chẽ về điều kiện để nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, mặc dù nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhưng lại có thể tạo ra những tác động không tốt như làm giảm tính thanh khoản và hạn chế cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
" Điều này có thể làm giảm quy mô thị trường trái phiếu, giảm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế cần được phục hồi sau đại dịch và thiên tai. Mặt khác, sự phát triển của thị trường trái phiếu bị kìm hãm sẽ làm cho thị trường tài chính thiếu tính đa dạng và khả năng cạnh tranh so với các kênh huy động vốn khác ", ông Tuấn Anh nói.
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, thiên tai bão lũ, doanh nghiệp đang rất cần nguồn lực để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang quá nhỏ, không phát huy được kênh tạo vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng TPDN phát hành xấp xỉ đạt 215 nghìn tỷ đồng, bằng 30% so với cả năm 2020 và 30% so với năm 2021. Số dư nợ TPDN khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 10% GDP năm 2023, quá thấp so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030.
Việc quy mô thị trường trái phiếu giảm sút, không đảm bảo được dòng chảy vốn được cho là có lý do xuất phát từ vướng mắc của nhà đầu tư và việc xin cấp phép chào bán trái phiếu công chúng gặp nhiều khó khăn thời gian qua.
Ông Tuấn Anh phân tích thêm, quy định quá chặt chẽ sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bị hạn chế quyền tiếp cận các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong thị trường TPDN riêng lẻ, từ đó làm giảm tính linh hoạt của thị trường.
“ Theo tôi, để bảo vệ cả nhà đầu tư và thị trường thì có thể áp dụng một số giải pháp thay thế như nâng cao tính minh bạch và công khai thông tin. Khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính, rủi ro và triển vọng của mình để nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa trên thông tin đầy đủ, chính xác.
Yêu cầu đánh giá tín nhiệm độc lập cũng có thể là phương pháp nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Các trái phiếu phát hành có thể yêu cầu được đánh giá bởi tổ chức tín nhiệm độc lập, giúp nhà đầu tư đánh giá đúng mức độ rủi ro của các trái phiếu này.
Thiếu sót lớn nhất của những nhà đầu tư cá nhân chính là thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia mua. Do đó việc cung cấp các chương trình giáo dục và hỗ trợ nhà đầu tư từ Chính phủ, tổ chức tài chính như tổ chức chương trình giáo dục tài chính sẽ giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ hiểu rõ hơn về rủi ro và cơ hội của thị trường TPDN ”, ông đề xuất.
Theo ông Tuấn Anh, những biện pháp này có thể giúp cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư và khuyến khích sự tham gia rộng rãi vào thị trường trái phiếu.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng bày tỏ quan ngại rằng việc siết chặt các quy định về nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thu hẹp. Điều này sẽ làm giảm cơ hội huy động vốn của các doanh nghiệp.
Luật sư nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ, việc giảm bớt các điều kiện để khuyến khích nhà đầu tư tham gia là cần thiết. Thay vì tăng cường các quy định, chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và tăng cường công tác giám sát để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Cần cân nhắc những quy định gây tranh cãi
Các luật sư cho rằng khi dự thảo luật đang gây nhiều ý kiến trái chiều thì các nhà làm luật cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng, việc yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng là không hợp lý. Quy định này được ban hành với mục đích giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động nhưng nếu áp dụng một cách cứng nhắc có thể gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không phải tất cả các doanh nghiệp đều có đủ tài sản đảm bảo để đáp ứng yêu cầu phát hành trái phiếu. Hơn nữa, các ngân hàng có thể không sẵn sàng cung cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc chưa có vị thế tài chính vững mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn thông qua kênh trái phiếu, làm giảm tính đa dạng trong phương thức huy động vốn và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Tuấn Anh cho rằng, không phải tất cả các trái phiếu doanh nghiệp đều có mức độ rủi ro giống nhau và việc áp dụng một quy định chung cho tất cả các loại trái phiếu có thể không hợp lý. Các doanh nghiệp có uy tín cao, tình hình tài chính ổn định và lịch sử phát hành trái phiếu tốt không nhất thiết phải bị buộc phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng.
“Việc áp dụng quy định này nên được điều chỉnh tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại trái phiếu và tình trạng của doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp lớn, có khả năng tự đảm bảo khả năng thanh toán, có thể được miễn yêu cầu này” , ông nói.
Một quy định nữa là giới hạn đầu tư của các quỹ và nhà đầu tư tổ chức vào trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô và thanh khoản của thị trường trái phiếu, đặc biệt khi những tổ chức này thường là các nhà đầu tư có quy mô lớn và nguồn lực mạnh.
Xét về mặt lợi ích, việc nới lỏng các giới hạn đầu tư của các quỹ và nhà đầu tư tổ chức vào trái phiếu doanh nghiệp có thể giúp tăng tính thanh khoản của thị trường. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn, đồng thời nhà đầu tư cũng có thể mua bán trái phiếu một cách linh hoạt hơn. Tính thanh khoản cao hơn cũng giúp giảm rủi ro cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành, bởi khả năng mua bán và chuyển nhượng trái phiếu trở nên dễ dàng hơn. Từ đó giúp đẩy mạnh quy mô thị trường trái phiếu.
Luật sư Trương Đức nhấn mạnh: Trong điều kiện hiện nay khi thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn nhỏ thì nên giảm bớt các điều kiện để khuyến khích nhà đầu tư tham gia. " Nếu chưa xem xét giảm các điều kiện được thì chỉ nên giữ nguyên theo quy định hiện hành. Xác suất vi phạm là có nhưng đó vẫn là thiểu số và không nên vì vậy mà lại tăng điều kiện để hạn chế thị trường phát triển ", ông Đức nêu quan điểm.
VTCNews