Vingroup đã tất toán hơn 900 triệu USD trái phiếu quốc tế có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VIC, VHM, VFS
Theo Chứng khoán Vietcap, ngoài VinFast, hầu hết các công ty con của Vingroup đều có khả năng tự duy trì để thực hiện các nghĩa vụ nợ và hoạt động kinh doanh.
- 27-08-2024Cổ phiếu Vingroup tăng trần, nhiều chứng quyền liên quan bật tăng phi mã 30%-80% trong ngày
- 22-08-2024Vingroup tìm hiểu dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng hơn 6 tỷ USD tại Hậu Giang
- 07-08-2024Cổ phiếu 'họ Vingroup' tăng kịch trần sau khi Vinhomes công bố chi khoảng 13.000 tỷ mua lại cổ phiếu VHM
Theo thông tin từ Chứng khoán Vietcap, trong 8 tháng đầu năm 2024, Vingroup đã tất toán nhiều lô trái phiếu quốc tế có quyền chuyển đổi thành cổ phần tại VIC, VinFast (Nasdaq: VFS) và Vinhomes (HoSE: VHM) với tổng số tiền 906,5 triệu USD.
Cụ thể, vào cuối tháng 4, Vingroup đã sử dụng tiền mặt để mua lại 50% của khoản tiền gốc 500 triệu USD, lãi suất cố định 3% của lô trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VHM. Sau đó, Vingroup dùng khoản tiền thu được từ việc phát hành lô trái phiếu 250 triệu USD, với lãi suất 10%, để tất toán 50% còn lại.
Đối với trái phiếu 625 triệu USD có quyền chuyển đổi sang cổ phần VinFast, Vingroup đã mua lại 312,5 triệu USD vào tháng 4 và 60 triệu USD vào tháng 7 . Tập đoàn đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc thanh toán 252,5 triệu USD còn lại vào năm 2027.
Vào tháng 8/2024, Vinpearl đã mua lại 284 triệu USD của khoản tiền gốc 425 triệu USD , đáo hạn năm 2026, với lãi suất 3,25% và quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VIC. Gần đây, Vinpearl đã phát hành thành công 150 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, đáo hạn năm 2029.
Vietcap kỳ vọng giá trị lưu hành còn lại (tương đương 141 triệu USD) của lô TPHĐ 425 triệu USD của Vinpearl đáo hạn năm 2026 sẽ được mua lại vào tháng 9/2024.
Cũng theo Chứng khoán Vietcap, ngoài VinFast, hầu hết các công ty con của Vingroup đều có khả năng tự duy trì để thực hiện các nghĩa vụ nợ và hoạt động kinh doanh.
Tại thời điểm cuối quý 2/2024, Vinhomes có doanh số bán hàng chưa ghi nhận là 118.700 tỷ đồng. Công ty sở hữu quỹ đất nhà ở rộng 185,4 triệu m², với doanh số dự kiến từ các dự án mới trong giai đoạn 2024 - 2026 đạt mức 89 - 96 nghìn tỷ đồng/năm.
Kết quả kinh doanh của Vinpearl, Vinmec và Vinschool dự kiến sẽ dần cải thiện, được hỗ trợ bởi các động lực dài hạn từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và biên lợi nhuận. Riêng Vinpearl đang trong quá trình chuẩn bị và đặt mục tiêu niêm yết trong vòng 12 - 18 tháng tới (theo ban lãnh đạo).
VinFast thì được được tài trợ bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tính đến cuối quý 2/2024, ông Vượng đã hoàn tất giải ngân cho VinFast 1 tỷ USD (bao gồm khoản tài trợ 3.300 tỷ đồng trong quý 2/2024 và 20.600 tỷ đồng trong năm 2023).
Vietcap nhận định, ông Vượng sẽ tiếp tục cung cấp các khoản tài trợ mới trong giai đoạn 2025 - 2026, theo tuyên bố tại ĐHCĐ thường niên 2024 rằng ông sẽ tài trợ ít nhất 1 tỷ USD cho VinFast từ tài sản cá nhân.
Nhịp Sống Thị Trường