Siêu bão Mangkhut làm tê liệt phía nam Trung Quốc
Siêu bão Mangkhut đã làm tê liệt hệ thống giao thông ở Hong Kong, khiến hầu hết các chuyến bay phải hủy, xe buýt và tàu điện buộc phải ngừng hoạt động. Mặc dù đã có lo ngại về sự an toàn của hai nhà máy điện hạt nhân ở Quảng Đông nhưng cho đến cuối giờ chiều qua, chưa có báo cáo nào về sự cố.
- 16-09-2018Video: Sức tàn phá kinh hoàng của siêu bão Mangkhut khi đổ bộ vào Trung Quốc
- 16-09-2018Trung Quốc kêu gọi ngư dân và tàu cá trở lại bờ trước khi bão Mangkhut đổ bộ
- 16-09-2018Số người chết vì bão Mangkhut ở Philippines tăng chóng mặt
Không chỉ đặc khu Hong KongHong Kong, mọi thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Châu Giang, phía nam Trung Quốc chiều qua đã ở trong tình trạng khẩn cấp. Kể từ trưa qua, mọi cây cầu, con đường chính kết nối các thành phố ở Quảng Đông đã bị tê liệt. Cửa hàng, quán ăn, các dịch vụ thương mại ngừng hoạt động.
Thành phố Chu Hải, sát với đặc khu Macau cho thực hiện chính sách “không có người trên phố, không có ô tô trên đường”, theo tường thuật của SCMP. Người dân được yêu cầu ở trong nhà hoàn toàn khi bão quét qua.
Một khách sạn lớn ven biển bị buộc phải di tản khách thuê phòng tới một tòa nhà ở sâu trong đất liền hơn.
Cảnh tan hoang trên một đoạn phố ở Hong KongHong Kong. Ảnh: SCMP
Ở thành phố Thâm Quyến, sát với Hong Kong, mọi hoạt động của tàu điện bị đình chỉ và chưa biết khi nào hoạt động trở lại.
Mọi chuyến bay đến và đi từ Thâm Quyến bị hủy bỏ, trong khi sân bay Quảng Châu ngừng hoạt động từ trưa Chủ nhật tới ít nhất là 8h sáng thứ Hai.
Mặc dù bão rất mạnh nhưng cho đến 5h chiều qua (theo giờ địa phương), chưa có báo cáo về thương vong nào do Mangkhut gây ra tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, 73 người đã thoát nạn đầy may mắn khi một con tàu bị đứt neo trên sông ở thành phố Huệ Châu. Cơ quan An toàn đường thủy Thâm Quyến nói đã cứu được số người này khi tàu của họ trôi dạt trên sông trong lúc đang có bão lớn.
Và cũng chưa có báo cáo về thiệt hại đối với hai nhà máy điện hạt nhân là Thái Sơn và Dương Giang, đều ở tỉnh Quảng Đông, đều nằm trên lộ trình của cơn bão mạnh.
Ngay cả những người dân địa phương vốn đã quen với bão cũng bị sốc bởi sức mạnh của siêu bão. “Tôi cảm thấy rõ là tòa nhà rung lắc và tôi nghe tiếng gió hú dữ dội”, Deborah Dai, một người sống ở quận Phúc Điền, Thâm Quyến nói. “Một số hàng xóm của tôi phải rời căn hộ trên cao, tạm trú ở tầng hầm của tòa nhà”.
Hơn 1.500 chỗ tạm trú đã được thiết lập ở thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến, với số người phải rời nhà đến ở lên đến hơn 51.000 người. Cây đổ, cửa kính các tòa cao ốc bị gió mạnh làm vỡ khắp nơi.
Sau khi tràn qua Hong Kong, bão Mangkhut đổ bộ vào phía tây tỉnh Quảng Đông chiều qua.
Trước khi đổ bộ vào phía nam Trung Quốc, bão gia tăng sức mạnh khi đi qua biển Đông sau khilàm thiệt mạng ít nhất 25 người tại Philippines, theo Reuters.Mangkhut được xem là cơn bão mạnh nhất tấn công khu vực bắc biển Đông và phía nam Trung Quốc trong năm nay, với sức gió hơn 200 km/h. Chính quyền Philippines nói ít nhất 25 người thiệt mạng, chủ yếu là do lở đất ở vùng núi. Vẫn còn 13 người mất tích.
Mangkhut (tiếng Thái Lan nghĩa là quả măng cụt) đã khiến chính quyền Hong Kong phải nâng cấp độ cảnh báo lên mức 10 (cao nhất) vào giữa buổi sáng hôm qua, khi các cơn sóng dữ dội ập vào các vùng đất thấp, nhiều tòa nhà chọc trời rung lắc giữa trời bão gió.
Hàng chục ngàn người mắc kẹt sau khi sân bay quốc tế Hong Kong hủy bỏ hầu hết các chuyến bay.
Năm ngoái, cơn bão Hato, một trong những cơn bão lớn nhất trong những năm gần đây đã đổ bộ vào Hong Kong, làm thiệt mạng 9 người, tàn phá Macau khiến chính quyền bị chỉ trích là đã không chuẩn bị kỹ lưỡng.
Lần này, Macau đã cho đóng cửa hoạt động cờ bạc bắt đầu từ đêm thứ Bảy, quân đội được lệnh trực chiến.
“Nhà máy điện hạt nhân”
Trước khi bão Mangkhut đổ bộ vào phía nam Trung Quốc, đã có những người lo lắng và lý do hoàn toàn dễ hiểu: lộ trình của siêu bão Mangkhut trùng với địa điểm đặt hai nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Quảng Đông.
Nhà máy điện Thái Sơn, cách Hong Kong 135km, trong khi nhà máy điện Dương Giang cách Hong Kong 230km về phía tây, theo SCMP. Lãnh đạo cả hai nhà máy nói đã họp bàn và triển khai các biện pháp phòng chống bão từ trước khi nó đổ bộ.
Năm 2011, trong thảm họa sóng thần và động đất ở Nhật Bản, nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã gặp sự cố…
Cùng thời gian cơn bão Mangkhut vào biển Đông, một cơn bão mạnh khác có tên là Florence đã tàn phá một số bang bờ biển miền nam nước Mỹ. Các biện pháp tăng cường bên cạnh những quy định về an toàn hằng ngày đã được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho sáu nhà máy điện hạt nhân trong vùng, theo CNN.
Một người dân sống gần nhà máy Dương Giang nói bà rất e ngại khi có tin bão dữ đang vào và đã tích trữ thực phẩm phòng bất trắc. “Tôi sợ lắm”, bà nói. “Mặc dù ở vùng này năm nào cũng có bão, nhưng đây là cơn bão rất mạnh”.
Tiền phong