MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu cường châu Á chờ đợi bước tiến quan trọng từ dự án 67,3 tỷ USD của Việt Nam trong tháng này

Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế của quốc gia châu Á này cho biết đang chờ chủ trương của Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao.

 JICA đang chờ chủ trương của Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao 

Mới đây, Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trụ sở Việt Nam đã tổ chức Họp báo giữa kỳ thông tin về tình hình hoạt động.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Sugano Yuichi - trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam phát biểu tại họp báo rằng được biết Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đang xây dựng kế hoạch cụ thể để trình Quốc hội. Các cuộc làm việc của JICA với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thời gian qua cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan. Cơ quan này đang mong chờ kết quả thảo luận tại Quốc hội về dự án. Dựa trên kết quả đó, JICA sẽ có những đề xuất cụ thể với dự án này.

Đại diện JICA gợi ý Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ Nhật Bản. Theo đó, trước khi nước này có tuyến đường sắt cao tốc thương mại đầu tiên trên thế giới - Shinkansen, đường sắt truyền thống đã trải dài khắp lãnh thổ để vận chuyển hàng hóa. 

Siêu cường châu Á chờ đợi bước tiến quan trọng từ dự án 67,3 tỷ USD của Việt Nam trong tháng này- Ảnh 1.

Tàu cao tốc Shinkansen chạy trên đường sắt trên cao ở trung tâm Tokyo, Nhật Bản, tháng 5/2024. Ảnh: Getty Images

"Việt Nam có nhiều lựa chọn, có thể phát triển đường sắt tốc độ cao vận chuyển hàng khách, còn hàng hóa tận dụng tuyến đường hiện hữu. Điều này phụ thuộc vào định hướng từ Chính phủ, lợi ích kinh tế cũng như mục tiêu trung hòa CO2, hướng tới Net Zero", VnExpress trích lời ông Sugano Yuichi chia sẻ.

Theo thông báo, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày mai 21/10 sẽ đưa nội dung về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD ra bàn thảo. 

 Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tập trung ODA cho dự án đường sắt tốc độ cao 

Trước đó, tại cuộc tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Nhật cấp khoản vay ODA mới cho dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Đáp lời, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ nhất trí cao đối với các đề xuất của Thủ tướng Việt Nam về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, cam kết sẽ phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hai nước.

Hồi tháng 12/2023, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko và các lãnh đạo của JICA.

Siêu cường châu Á chờ đợi bước tiến quan trọng từ dự án 67,3 tỷ USD của Việt Nam trong tháng này- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch JICA Tanaka Akihiko - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị JICA - đối tác cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam - phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản.

JICA là cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản. JICA đã phối hợp với phía Việt Nam triển khai hiệu quả thủ tục về khoản vay ODA thế hệ mới 50 tỷ yen và các dự án ODA thời gian qua, đưa kim ngạch ODA giữa hai nước năm 2023 lần đầu tiên vượt 100 tỷ yen kể từ năm 2017.

Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc cung cấp ODA thế hệ mới ưu đãi hơn về lãi suất và thời gian, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn và đặc biệt là tập trung vào các dự án mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái trong 5 lĩnh vực trọng tâm.

Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, bến cảng, sân bay, đường bộ cao tốc); Các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng mới, chíp bán dẫn; Đào tạo nhân lực, hợp tác lao động ; Y tế và giáo dục; Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

JICA từng hỗ trợ cho những dự án giao thông nào ở Việt Nam?

Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trên 2.700 tỷ Yen (khoảng 440 nghìn tỷ đồng) vốn vay ODA, gần 100 tỷ Yen viện trợ không hoàn lại và gần 180 tỷ Yen hỗ trợ kỹ thuật. Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. 

Năm 2023, tổng vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đạt hơn 100 tỷ Yen (khoảng 16,3 nghìn tỷ đồng), mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Việt Nam cũng là là nước đứng đầu trong số các nước mà JICA đang triển khai hợp tác với 36 dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển bền vững (SDG) và 24 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở (Chương trình đối tác phát triển).

Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới với 9 dự án thuộc chương trình "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân" của JICA.

JICA - đối tác cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam đã và đang hỗ trợ xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân thông qua tăng trưởng kinh tế và điều này đã minh chứng cho các thành quả ODA Nhật Bản trong hàng chục năm qua.

Các dự án được vay vốn ưu đãi của Nhật Bản trải dài trên toàn quốc. Tại Hà Nội có các dự án như cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân… và mạng lưới quốc lộ nối các thành phố chính ở khu vực miền Bắc như Hà Nội và Hải Phòng đã được hoàn thiện, góp phần cải thiện môi trường đầu tư ở Hà Nội và khu vực phía Bắc.

Với nhiều cây cầu trên Quốc lộ 1 và tuyến đường sắt thống nhất Bắc Nam được xây dựng và nâng cấp cùng với hầm đường bộ Hải Vân ở miền Trung, cầu Cần Thơ ở khu vực sông Mekong, giao thông của Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng khu vực.

Ngoài ra, JICA còn hỗ trợ xây dựng 3 cảng quốc tế quan trọng là cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), cảng Đà Nẵng ở miền Trung, cùng với nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ vậy, cửa ngõ hàng không và cảng biển của Việt Nam cũng đã được hoàn thiện.

Theo Thái Hà

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên