"Siêu" doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có vốn 525.000 tỷ đồng: Nếu khai khống vốn điều lệ, công ty sẽ bị xử lý ra sao?
Khoản 5 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2014 đã có quy định nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
- 27-05-2021Lần theo tài khoản bán hàng trên mạng xã hội và dịch vụ ship COD để "truy vết" người bán hàng online trốn thuế
- 27-05-2021Thu thuế TNCN từ nghệ sĩ giảm sâu vì Covid-19, từ nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán lại tăng vọt
- 24-05-2021Từ ngày 2/7, người có những dấu hiệu này có nguy cơ bị giám sát trọng điểm về thuế
Tháng 1/2020, một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD) - một con số gần như không tưởng khi là mức vốn điều lệ lớn thứ ba cả nước ở thời điểm đó, chỉ sau các tập đoàn PVN, EVN và tương đương tổng vốn điều lệ của bốn ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cộng lại, thậm chí còn lớn hơn vốn điều lệ của Viettel (đạt xấp xỉ 141.000 tỷ đồng), chiếm tới 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.
Ngay khi cấp phép thành lập doanh nghiệp này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để giám sát. Sau đó, qua thực tế theo dõi, Cục đã chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh của TP. Hà Nội kiểm tra doanh nghiệp này. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh.
Kết quả cho thấy, chủ doanh nghiệp USC Interco đã sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký doanh nghiệp. Ngày 14/4/2020, phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP. Hà Nội đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đã cấp cho USC Interco, chính thức "khai tử" doanh nghiệp này.
Một trong những cổ đông của USC Interco cho biết đây là con số đăng ký nhầm do "say rượu" và công ty này đã biến mất sau đó.
Vậy doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ công ty sẽ bị xử lý ra sao?
Khoản 5 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2014 đã có quy định nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Đồng thời, quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP nêu rõ, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3.
Như vậy, việc công ty khai khống vốn điều lệ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật doanh nghiệp 2014. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra hành vi này, công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra doanh nghiệp sẽ phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã góp.
Sau vụ việc này, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn kết luận, vụ việc "siêu doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng" đăng ký thành lập đã cho thấy những vấn đề phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến bức tranh về tình hình doanh nghiệp.
Do vậy, để hạn chế tình trạng kê khai vốn ảo, cũng như những vụ việc có tính chất tương tự trong thời gian tới, theo ông Tuấn, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, có cơ chế cảnh báo, phát hiện kịp thời vi phạm của doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Tuấn cũng cho rằng cần tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp…
Mới đây, theo thông tin từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, vào ngày 20/5/2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 2 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ lên đến 525.000 tỷ đồng. Số vốn điều lệ này đã vượt qua cả các tập đoàn lớn nhất đất nước như PVN hay EVN hay thậm chí là Vingroup và Vietcombank.