MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk

19-10-2019 - 23:32 PM | Sống

“Nếu không đi làm ở Tenamyd mà theo đuổi con đường siêu mẫu chuyên nghiệp hoặc học cao lên để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, tôi nghĩ mình sẽ vẫn kiếm được 500 USD. Nhưng tôi phải làm công việc này bởi tôi đã cố gắng 12 năm ăn học, sau đó nỗ lực rất nhiều để đỗ đại học. Giờ tốt nghiệp xong đi làm người mẫu thì mục đích lớn nhất trong 16 năm đó đã mất sao?” – Vũ Cẩm Nhung chia sẻ.

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 1.
Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 2.

- Ở tuổi 22, khi vừa tốt nghiệp đại học, chị nhận được lời mời về làm quản lý, giám đốc kinh doanh cho công ty dược phẩm. Lúc bấy giờ, cảm xúc của chị thế nào?

- Tôi thấy vô cùng hào hứng. Lời đề nghị này còn giá trị hơn cả giải thưởng danh giá về sắc đẹp trước đó. Cơ hội đến đúng thời điểm, khớp tròn trịa vào lúc tôi mới tốt nghiệp đại học, vừa bảo vệ luận văn, thậm chí chưa cầm trên tay tấm bằng cử nhân.

Kinh doanh là ngành tôi học, tức là đúng với thứ được đào tạo và mong muốn ra trường sẽ làm. Lại về mỹ phẩm thì còn gì hợp với tôi hơn? Lúc ấy nếu bảo làm về ô tô, phân bón hay sắt thép, cảm xúc sẽ không dễ dàng tới với mình tròn đầy như thế. Kinh doanh mỹ phẩm là thứ dành cho mình. Khi đã là của mình, lại vào thời điểm đẹp nhất như thế thì có gì phải sợ hãi?

Cũng giống như một đứa trẻ đang thèm kẹo mút vị dâu mà mẹ đi chợ về lại mở ra nguyên một túi to vậy. Tôi lúc ấy cũng giống như "điếc mà không sợ súng". Sau này khi biết súng ống ra sao thì lại lỡ yêu mất rồi.

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 3.

- Tức là chị đã nhận lời luôn mà không một chút do dự?

- Không, cũng phải mất khoảng 2 tháng sau, tôi mới "chốt". Hai bên cần bàn bạc, gặp lại nhau để thỏa thuận về công việc, mức lương. Còn cả việc tiếp xúc để xem có hợp hay không rồi mới vào làm. Bản thân tôi cũng phải có thời gian để thuyết phục gia đình, đặc biệt là mẹ, để có được công việc này.

Bố mẹ tôi đều có cá tính đặc biệt là không bị tiền bạc hay chức danh làm cho sao nhãng. Mẹ tôi lúc ấy muốn con gái thi vào Bộ Ngoại Giao hoặc tiếp tục đi học lên thạc sĩ. Ở khu Bách Khoa nhà tôi thời đó, bạn nào cũng như vậy.

Nhưng tôi thấy món quà lớn quá. Dứt khoát vụ này là không nghe theo mẹ được. Tôi bảo với bà: "Con còn trẻ, nếu không thành công, sau này vẫn còn có thể đi học. Còn giờ, mẹ hãy cho con cơ hội". Đôi bên tranh luận nhiều ngày không dứt.

Cuối cùng, tôi phải nhờ bạn của mẹ là tiến sĩ tâm lý thuyết phục bà. Hai người họ nói chuyện với nhau tầm khoảng 2 -3 ngày nữa, mẹ tôi mới đồng ý.

- Ngày ấy, Tenamyd mời chị về làm quản lý với mức lương bao nhiêu?

- 500 đô la Mỹ. Một mức lương gần như không có người bạn nào của tôi nhận được ở thời điểm đó, kể cả người nổi tiếng hay các bạn học lên và trở thành giảng viên đại học. 500 đô la Mỹ là đỉnh cao lúc bấy giờ.

- Đó là con số ngay từ đầu phía công ty nước ngoài đưa ra sao?

- Không. Tôi đã mất gần một tuần để thương lượng lên mức lương này, trực tiếp với bà Khánh tổng giám đốc và con gái. Tôi nói với bác Khánh – người sau này là mẹ chồng của mình - rằng, tôi sẽ phải dừng nghiệp diễn, phải hy sinh. Coi như công ty đã ký độc quyền một người mẫu. Nếu vậy, tiền lương của tôi cần cộng thêm khoản tiền độc quyền người mẫu. Cát-xê siêu mẫu của tôi cũng ở mức trung bình 500 đến 1 triệu đồng/show diễn rồi. Sau nhiều lần thương thảo, bà chỉ bảo tôi nói chuyện như luật sư thế này thì bà chịu. Số tiền sau đó đã tăng lên hơn gấp đôi so với ban đầu.

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 4.

- Rồi cấp trên lúc ấy đưa ra yêu cầu cho chị thế nào?

- Thứ nhất, tôi phải tập trung vào công việc. Thứ hai là phải mang sản phẩm này đi tới khắp thị trường Việt Nam. Ba tháng sau đó là công ty bắt đầu khoán doanh số cho tôi. Khi tôi vào thì chỉ có một bạn làm kế toán bằng tuổi, cũng vừa học Bách Khoa ra, ngoài ra không có gì hết. Coi như mình làm tất còn gì.

Nhận công việc này, trong đầu tôi luôn suy nghĩ về vấn đề marketing. Còn hướng kinh doanh, công ty định hướng sơ bộ là sử dụng kênh phân phối của ngành dược. Thị trường lúc đó rất rộng và không có quá nhiều cạnh tranh. Tôi quyết định, thứ nhất là tìm hiểu những hãng khác đang làm gì. Thứ hai là tìm những cộng sự từng làm cho hãng mỹ phẩm thành công khác. Nghĩ là làm, sau thời gian ba tháng chuẩn bị về hàng, tôi bắt đầu tuyển nhân sự. Và may mắn, người đầu tiên tôi nghĩ sẽ sát cánh cùng mình để làm đã đồng ý. Sau này, cô ấy trở thành bạn tri kỷ của tôi ở công ty.

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 5.

- Ở thời điểm ấy, yếu tố nào đã giúp chị thu hút được những nhân sự cấp cao của công ty khác?

- Tất cả chỉ là cái duyên bởi những người đó vốn là bạn với tôi rồi. Và cũng đúng vào thời điểm họ và công ty có những dịch chuyển, họ muốn tìm việc. Đó là sự may mắn. Những người bạn đó, ngay khi gặp đã chung định hướng với mình, họ chung tình, chung thủy, hợp với nhau trên một cái thuyền. Có những người rất giỏi nhưng chỉ muốn làm 2 – 3 năm là rời công ty. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đó không phải là quan điểm mà mình muốn cộng tác.

- Vai trò siêu mẫu trước đó đã tạo bệ phóng và hỗ trợ chị thế nào trong công việc?

- Rất nhiều. Việc đứng trên sân khấu trình diễn thời trang đã đào luyện cho tôi sự tự tin. Và tôi nghĩ, bất cứ ai có sự thành công trong lĩnh vực nào, dù nhỏ bé nhất thì họ cũng có tính kỷ luật và biết cách sắp xếp công việc khoa học. Hơn thế nữa, khi làm người mẫu, tôi có gu thẩm mỹ nhất định vì được tiếp xúc với cái đẹp, được học qua bạn bè là những nhà tạo mẫu, thiết kế, nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim...

Khi tôi tới giới thiệu mỹ phẩm tới từng khách hàng, họ thấy cô này nhìn hình thức, nhìn da đẹp thì mới muốn nghe mình giới thiệu tiếp về sản phẩm. Chính vì vậy, là người nổi tiếng nên tôi làm gì, sống như thế nào cũng phải giữ được tên tuổi, hình ảnh. Dù 20 năm qua tôi đã rời xa ánh đèn sân khấu nhưng tôi vẫn luôn giữ gìn những giá trị đó. Nó là điều tốt nhưng đương nhiên, cũng như cái vòng kim cô trên đầu vậy (cười).

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 6.

- Và chị đã dùng hình ảnh và danh tiếng của mình trước đó để PR cho sản phẩm dược mỹ phẩm?

- Thực ra thời điểm đó, việc quảng cáo vẫn có. Nhưng trên quan điểm của công ty Tenamyd và quan điểm riêng của gia đình Tenamyd thì họ vẫn thích hình thức vết dầu loang hơn là đánh bóng tên tuổi. Không phải vì sự tiết kiệm mà phong cách, quan điểm của công ty là như vậy. Bạn cũng thấy đấy, gần 20 năm, tôi đâu có PR hình ảnh hay chạy quảng cáo nhiều. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là chất lượng hàng hoá, sau đó là kênh phân phối uy tín. Ngoài ra, người này, người kia dùng thấy tốt và sẽ giới thiệu. Người mua được trải nghiệm, cảm nhận, sau đó sẽ muốn chia sẻ thông tin cho gia đình, bạn bè...

Bản thân tôi những năm tháng đầu, đã rong ruổi khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, từ Bắc chí Nam để đi quảng bá sản phẩm. Suốt những năm tháng ấy, tôi đã đi không biết bao chuyến xe đò lộc xộc, chuyến tàu hỏa đêm chật như nêm…

Nhân sự ngày ấy khiêm tốn nên chúng tôi ai cũng phải đảm đương nhiều vị trí. Tôi vừa là người tổ chức các sự kiện, vừa lên kế hoạch kinh doanh, mở rộng đại lý… Tới mức có lần tôi một mình lủi thủi trong đêm mưa muộn ở hội chợ mỹ phẩm để chuẩn bị cho sáng sớm hôm sau, người chủ một hãng mỹ phẩm nổi danh vô tình gặp đã tròn mắt hỏi tôi: "Sao em là người nổi tiếng mà giờ bỏ hết để làm vất vả thế này?". Thú thật, lúc ấy tận sâu trong trái tim mình, tôi gần như quên mất mình từng là siêu mẫu. Chỉ có một khát khao duy nhất là dù ở bất cứ nơi đâu, người dùng cũng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm của mình.

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 7.

- Điều gì đã thôi thúc chị vượt qua nhiều khó khăn để tiến lên như vậy?

- Tôi cũng không biết nó đến từ đâu. Có lẽ chỉ có thể đến từ khát vọng, khát khao thôi. Khát khao thành công, khát khao khác biệt.

Bản thân tôi là người luôn tiến lên và không bằng lòng với bản thân. Càng nhiều sự hồ nghi tôi càng muốn chứng minh bản lĩnh. Càng nhiều thử thách, tôi càng tôi luyện bản thân để vượt qua. Nhưng đôi khi cũng có cái dở là mình hơi kiêu căng, cũng may là không quá mức đến nỗi để cho mất hết bạn bè. Có lẽ là một kiểu hiếu thắng của tuổi trẻ.

Ví dụ như ngày trẻ, đi thi mà không được giải thì có thể tôi sẽ ném quà hoặc đập đầu vào tường vì tôi tin, tôi khát khao điều đấy quá mà không được. Nhưng đến tuổi này, tôi có thể chấp nhận thất bại rồi và chỉ cần là mình nỗ lực cao nhất mà thôi. Dẫu vậy, tôi sẽ không vì sợ hãi, hay vì khát khao mà tìm những con đường tắt. Tiếng nói trong tôi luôn tự nhắc nhở mình nhiều lần như thế.

- Còn mức lương khủng như đã chia sẻ, ở thời điểm đó, tác động như thế nào tới sự nỗ lực và quyết tâm của chị?

- Tôi không tính về 500 USD và những cái đã mất đi dâu. Con số ấy lúc đó là cao, là một mức hấp dẫn nhưng tôi nghĩ về một thành quả khác. Tôi muốn đưa những mỹ phẩm chất lượng quốc tế này tới với toàn phụ nữ Việt Nam và muốn tạo nên dấu ấn là mình có thể làm được điều đó ngoạn mục. Cái đích đó là điều lớn hơn rất nhiều mức lương 500 USD.

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 8.

- Trong quá trình đó có bao giờ chị hoài nghi hay hối hận về quyết định của bản thân không?

- Có chứ. Sau một năm rưỡi làm việc ở Hà Nội thì tôi vào Sài Gòn. Mẹ tôi cũng không thể ngờ là con gái sẽ vào miền Nam sinh sống. Sau này bà bảo rằng, nếu biết tôi ở hẳn như thế, sẽ không cho đi đâu. Bố mẹ lúc ấy chỉ nghĩ rằng tôi đi công tác, đi vài tháng rồi về vì tôi xách vali và đi vậy thôi.

Bấy giờ, công ty bắt đầu mở rộng thị trường và cần một người quản lý Nam tiến. Sự lựa chọn có tôi và một cộng sự thân thiết. Chị ấy nói với tôi rằng "Chị không đi đâu Nhung ạ. Ở đây chị có gia đình và chị không phải một con ngựa chiến như thế". Tôi chỉ đáp rằng "Em lại muốn vào, em thấy đây là cơ hội mới tốt cho em. Em sẵn sàng vào Nam".

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 9.

- Lần này, lại vì hiếu thắng của tuổi trẻ mà chị sẵn sàng đến vậy sao?

- Thú thật, trước chuyến đi đó, TP.HCM chỉ là nơi tôi đi ra, đi vào để diễn thôi. Lúc bấy giờ, tôi nghe để hiểu mọi người nói tiếng Nam còn khó, cũng khó ăn được đồ có nhiều vị đường. Tôi thấy Sài Gòn thật xa cách, trong khi mình lại quá gắn bó với mảnh đất sinh ra và lớn lên. Hà Nội với tôi thân thương lắm. Tại sao một nơi thân thuộc, thương mến đến như thế mà mình lại bỏ đi, đi lại còn hào hứng? Bởi vì khát vọng lúc đó quá lớn, chứ chẳng vì một cái gì cả.

Dẫu vậy, khi bắt đầu vào và ở đó vài tuần, sự cô đơn tăng dần lên theo cấp số nhân: Không gia đình, người thân, thậm chí không cả bạn bè, chiến hữu. Trong khi trước đó, tôi là cô con gái được bố mẹ nhất mực cưng chiều. Con gái ngoan lắm nhưng cũng có cái hư riêng là hay làm nũng bố mẹ. Bạn tưởng tượng là tôi gắn bó với mẹ lắm. Bà là một người bạn tri kỷ rồi hai mẹ con ngủ cùng, tỉ tê câu chuyện nhỏ to. Đến mức không có mẹ, không có hơi của mẹ là tôi không ngủ được. Vậy mà đến lúc tôi dời hết. Vào Sài Gòn rồi mới thấy trơ trọi khủng khiếp thế này!

- Rồi chị đã làm thế nào để vượt qua giai đoạn khó khăn đó?

- Những lúc cô đơn, tôi phải dùng từ cô đơn chứ không phải là khó khăn công việc bởi vì khát vọng nên đâu có thấy mệt mỏi gì, cô đơn vì cuộc sống ngoài công việc tôi không có gì... nên chỉ có một việc là khóc thôi. Khóc xong rửa mặt rồi lại chiến đấu tiếp. Khi đó tôi chỉ nói với bản thân là càng chông gai như này, mình càng phải làm cho tới. Làm khi nào thật thành công thì thôi, chứ không thể bỏ cuộc giữa chừng như này được.

Nhưng đến giờ này, tôi vẫn chưa thấy bản thân thành công. Thành công thực sự là vô chừng lắm, là thứ không sờ, không nắm được...nên tôi vẫn đang làm tiếp đây (cười lớn)

- Từ cô nhân viên đi làm thuê cho công ty đến khi trở thành người nhà và giờ là làm việc trong công ty gia đình, suy nghĩ và cảm xúc dành cho Tenamyd đã chuyển biến, thay đổi ra sao?

- Thực ra khi vào Tenamyd, tôi đã coi đó là việc của mình rồi. Tôi có thể làm bất cứ điều gì cho công ty, dù không có trong mô tả công việc của mình. Tôi chưa bao giờ làm với tâm thế là công ty cho khung chi phí bao nhiêu thì mình sài hết tối đa. Hay công ty cho chi phí đi lại thì cứ taxi mà gọi, sao phải gọi xe ôm. Ví dụ là như thế.

Tôi sẽ luôn tiết kiệm. Nếu đó là tiền của bản thân thì tôi sẽ chơi đó vì tôi cũng không phải là đứa tiết kiệm đâu. Nhưng khi làm cho công ty thì tôi lại "căn cơ" hơn cả làm cho mình. Vì tôi cần tính toán và cân đối giữa chi phí và doanh số. Chỉ sau khi lấy chồng, về ở cùng với ông xã và gia đình thì tôi mới càng hiểu sâu hơn về nhiều góc độ.

Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk - Ảnh 10.

- Nhìn lại chặng đường đã qua, chị nghĩ yếu tố nào giúp chị và Tenamyd có được những thành công như hôm nay?

- Ở công ty có một cái bảng tuyên ngôn 7T. Trong đó, chữ T đầu là TÌNH, chữ T cuối cùng là TIỀN. Tình rất rộng lớn. Tình giữa nhân viên trong công ty, ban giám đốc, các đối tác, khách hàng... Hoặc một ví dụ khác, công ty cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng thì mình phải dành cái tình người trong đó, yếu tố chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Giống như giờ bạn thương con bạn không thể nào trao cho con sữa kém chất lượng hay giả được. Cuối cùng là TIỀN. Tiền quan trọng nhưng chẳng biết bao nhiêu cho đủ?

Trong công việc, nhiều khi mọi người nghĩ rằng tôi hơi cầu toàn thái quá, bởi tôi luôn đòi hỏi sự hoàn hảo vì tôi tin rằng, chỉ cần cố gắng thêm một chút, nhích lên thêm một mức, ắt hẳn, kết quả trả về sẽ xứng đáng.

Tôi không nghĩ tôi đã thành công, tôi chỉ đang đi trên con đường tìm hiểu bản thân và nỗ lực liên tục để trở thành người tử tế và có ích.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Hồng Đăng
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Hồng Đăng

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên