MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu Ủy ban 100 tỷ USD: Để chấm dứt những chuyện “bố bổ nhiệm con”…?

Việc tiếp tục cho các địa phương được giữ lại các doanh nghiệp con cưng là phù hợp để Ủy ban đại diện chủ sở hữu tập trung quản lý khối lượng đồ sộ lên tới 30 Tập đoàn, Tổng công ty.

Đó là quan điểm được ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cấp cao, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát hoạt động của DNNN.

Theo ông Doanh, với 30 Tập đoàn và Tổng công ty sẽ do Ủy ban quản lý, đây là hệ thống các DNNN có quy mô lớn và đồ sộ. Trong khi đó, DN địa phương thì nhỏ và phân tán, từ kinh nghiệm quản lý của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho thấy, cũng không thể nào bao quát hết được các doanh nghiệp ở địa phương.

Có khắc phục được tình trạng lợi ích nhóm?

“ Việc quản lý những Tập đoàn, Tổng Công ty ở Bộ đã quá là rườm rà và hợp lý nên không cần phải đưa cả hệ thống DN nhỏ vào. Tuy nhiên, cũng cần tăng cường giám sát và đề ra yêu cầu như tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu, hiệu quả bao nhiêu để nâng cao hiệu quả của các DN thuộc các địa phương” – TS. Lê Đăng Doanh đề nghị.

Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ủy ban chủ sở hữu vốn và tài sản Nhà nước tại các DNNN nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt ra dấu hỏi lớn về tính khả thi và hiệu quả của siêu Ủy ban này trong việc quản lý với 30 DNNN.

Theo thống kê, với 9 tập đoàn kinh tế và 21 tổng công ty thuộc sự quản lý của các Bộ gồm: Công Thương, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế… thì tổng tài sản của 30 DN này khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, tức là gần 100 tỷ USD.

Với quy mô lớn như vậy, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng sẽ có nhiều thách thức rất lớn đặt ra trong việc thành lập nên Ủy ban này. Cũng bởi, không đơn giản để có thể tách các DNNN ra khỏi các Bộ chủ quản, khi đây là “nồi cơm” lớn của các Bộ chuyên ngành.

Do đó, TS. Doanh cho rằng cùng với việc xây dựng và thành lập Ủy ban theo chủ trương, cách tốt nhất vẫn phải là thực hiện việc cổ phần hóa DNNN một cách thực chất thì mới mang lại hiệu quả thực chất cho hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty này.

“Có như vậy thì mới khắc phục lợi ích nhóm. Khi Thủ tướng đã có quyết tâm trong việc này thì hy vọng là sẽ khắc phục và cải thiện được tình trạng lợi ích nhóm cũng như chấm dứt được việc bố làm Bộ trưởng mà bổ nhiệm con” – TS. Doanh nói.

Bộ dù muốn giữ, cũng phải làm theo chủ trương

Cùng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cho rằng cần rút bớt vai trò của Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng Công ty trên cơ sở giảm bớt phần vốn thông qua việc cổ phần hóa, thoái vốn. Việc sở hữu vốn quá nhiều trong DNNN sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan chuyên trách trong việc tách chức năng sở hữu.

Tuy nhiên, một đại diện của Bộ Công Thương lại cho rằng việc xây dựng và thành lập Ủy ban cần phải cân nhắc thời điểm hình thành. Cũng bởi, nếu làm ngay thì có thể làm chững lại quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Dẫn chứng là để có thể chuyển giao một DNNN về SCIC thì Bộ Công Thương phải mất ít nhất 6 tháng, trong trường hợp tài sản minh bạch mới thực hiện được.

30 Tập đoàn, Tổng công ty có trong danh sách trên, chiếm hơn 80% tổng tài sản và vốn Nhà nước. Việc thành lập Ủy ban này là thực hiện theo Nghị quyết 12 của Đảng trong việc quản lý, giám sát vốn tại các DNNN.

Việc xây dựng đề án này sẽ định vị lại việc quản lý DNNN, do đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cho rằng các DNNN muốn cơ quan chuyên trách quản lý những gì cho tập đoàn, tổng công ty, cần có ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng.

“Đề án này thực hiện chức năng quản lý DNNN, có chức năng điều tiết nền kinh tế của Chính phủ. Xử lý những vấn đề đặt ra trong từng thời kỳ của nền kinh tế. Và định hướng phát triển của nền kinh tế nên rất quan trọng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên