Sinh viên Việt kể chuyện du học ở Na Uy: Đi ngủ cũng phải mang bịt mắt vì mặt trời "không bao giờ lặn", thu nhập bao nhiêu cả nước biết
Có rất nhiều thú vị ở Na Uy, cả về văn hóa và học tập.
- 31-07-2021Nam VĐV đẹp trai như tượng tạc đang gây bão tại Olympic: Hoá ra là sinh viên đại học top đầu ở Việt Nam, học một khoa cực chất
- 02-04-20215 ngôi trường ĐH vừa danh giá hàng đầu vừa có nhiều hoa hậu, người đẹp nhất Việt Nam: Điểm đầu vào luôn ở top đầu, sinh viên ra trường thành đạt có tiếng
Na Uy là một trong những quốc gia phát triển trên thế giới. Đất nước này lọt top 4 quốc gia đi đầu thế giới về nguồn ngân sách cho giáo dục. Năm 2014 là 6,2% dành cho giáo dục tiểu học đến đại học. Chính vì thế, Chính phủ trợ cấp gần như toàn bộ chi phí cho các cấp học. Ngoài ra, vẫn có những chương trình đào tạo, các trường đại học tư nhân và thu phí.
Những năm qua, Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu thu hút sinh viên quốc tế đến học tập nhất. Bởi chất lượng giáo dục, chất lượng sống đã được các bảng xếp hạng nổi tiếng công nhận từ rất lâu.
Na Uy nổi tiếng về chất lượng giáo dục.
Vậy đi du học ở quốc gia này có những điều gì thú vị về cả văn hóa và giáo dục? Một sinh viên Việt ở Na Uy đã chia sẻ những điều thú vị mình biết được trong group săn học bổng nổi tiếng Scholarship Hunter. Được sự đồng ý của bạn, chúng tôi xin chia sẻ lại bài viết như sau:
I - VĂN HOÁ NA UY
- Thiên đường cực quang
Na Uy là 1 trong những nơi ngắm cực quang đẹp nhất trên thế giới. Thực ra mọi người có thể ngắm cực quang ở Thuỵ Điển, Phần Lan, nhưng không hiểu sao mình thích Na Uy hơn. Cảm giác ngắm cực quang giống như mình lạc vào phim khoa học viễn tưởng, cảm giác khoái khoái vô cùng.
- Vùng đất mặt trời không bao giờ lặn
Đây là tên mà người ta "nói quá", gọi cho vui thôi, chứ ở Na Uy vẫn có đêm. Từ tháng 5 đến cuối tháng 7, bạn sẽ được ngắm mặt trời ngay lúc nửa đêm ở một số vùng của Na Uy. Trong những ngày này, ánh nắng rực rỡ tràn ngập khắp nơi 20 giờ/ngày. Đặc biệt, ở vùng Svalbard, mặt trời chiếu sáng liên tiếp từ ngày 10/4 đến ngày 23/8. Đi ngủ phải mang bịt mắt.
- Vùng đất của những môn thể thao mùa đông
Người Na Uy đã sáng tạo ra môn trượt tuyết (cả phiên bản quá khứ và phiên bản hiện đại), và họ rất giỏi chơi những môn thể thao mùa đông. Phần là vì đất nước nhiều tuyết, phần là người Viking thích thể thao, phần là do lạnh quá nên chơi cho ấm. Bạn mình, người Na Uy, bảo vậy. Chính vì thế, các vận động viên Na Uy chính là những ông hoàng, bà chúa trong các kỳ thế vận hội mùa đông.
- Phong cách ăn mặc
Mình thấy người Na Uy ăn mặc rất giản dị, nhưng trông khỏe khoắn, năng động. Màu quần áo thường là gam màu lạnh: Đen, xám, nâu nhạt, nâu đậm, xanh dương,... Màu sắc trông giản dị thôi chứ giá cả thì không "giản dị" tí nào. Bạn nào ở Việt Nam mà muốn sang Na Uy thì chuẩn bị nhiều quần áo mùa đông 1 chút.
Ảnh minh họa.
- Na Uy đã giới thiệu cá hồi cho người Nhật
Trước kia, người Nhật làm ra món sushi, sashimi với các nguyên liệu khác nhau, nhưng họ không dùng cá hồi. Đến những năm 1980, khi người Na Uy giới thiệu món cá hồi sống cho người Nhật, lúc đó chúng ta mới có món "sushi cá hồi" hoặc "sashimi cá hồi".
Tại Na Uy, nuôi trồng thuỷ hải sản nói chung và cá hồi nói riêng là 1 trong những ngành công nghiệp có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế.
- Pháp luật đề cao nhân quyền
Na Uy là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ tham gia bầu cử vào năm 1913. Là quốc gia thứ 2 trên thế giới thông qua luật hôn nhân đồng tính, sau Hà Lan. Mô hình cải tạo tù nhân của Na Uy cũng là 1 trong những minh chứng rõ nhất cho chế độ đề cao nhân quyền, Tù nhân ở Na Uy chỉ bị hạn chế đi lại, còn các điều kiện sống thì vẫn như người bình thường: xem tivi, nghe nhạc, giải trí, dùng máy tính, truy cập Internet,..
- Tiếng Na Uy có 2 phiên bản
Bokmål được sử dụng bởi phần lớn người dân, trong khi Nynorsk thường được sử dụng ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt là vùng ven biển phía Tây. Trẻ em phải học cả 2 phiên bản ngôn ngữ. Đài truyền hình quốc gia và các chính quyền địa phương cũng phải sử dụng cả 2 phiên bản khi đưa tin hoặc ra thông báo.
- Công khai thu nhập trên Website
Na Uy rất coi trọng tính minh bạch. Tại Na Uy, thu nhập được công khai trên internet và ai cũng có thể tìm kiếm thông tin thu nhập. Trước năm 2013, người dùng có thể tìm kiếm ẩn danh. Từ năm 2014, bạn có thể nhìn thấy tên những người đã tra cứu thông tin về mình. Ồ, và mình thử tra cứu thu nhập của Thủ tướng luôn.
- Những điều khác:
+ Đường hầm Laerdal là đường hầm dài nhất thế giới.
+ Giải Nobel hòa bình được trao tại thủ đô Oslo.
+ Na Uy là thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc vào năm 1945, Trygve Lie (từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy trong những năm thế chiến thứ II) đã đảm nhiệm vụ Tổng thư ký trong những năm từ 1846 đến 1952.
+ Mỗi năm, Na Uy sẽ gửi tặng vương quốc Anh 1 cây thông Noel để cảm ơn vì đã giúp đỡ họ trong thế chiến thứ 2.
+ Người Na Uy có trình độ học vấn cao và hầu hết mọi người đều nói được tiếng Anh.
II - TRƯỜNG HỌC VÀ CÁC LOẠI PHÍ
- Hệ thống giáo dục
Giáo dục ở Na Uy được "quy hoạch" rất chặt chẽ và số lượng các trường đại học, cao đẳng ít hơn hẳn so với những nước khác. Hệ thống giáo dục của Na Uy bao gồm 6 trường Đại học Công lập, 6 Đại học chuyên ngành, 26 trường Cao đẳng, Viện Nghệ Thuật quốc gia, và 29 trường Tư thục. Cảm giác họ đầu tư vào chất lượng hơn là số lượng.
- Mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên
Tại Na Uy, học sinh sẽ gọi tên của giáo viên thay vì gọi là "thầy, cô", điều này thể hiện sự thân mật và bình đẳng giữa mọi người. Trong giờ học, mọi người tranh luận thoải mái mà không cần để ý đến giáo viên, và nếu giáo viên bị cháy giáo án, học sinh sẽ giơ tay nhắc nhở ngay, thế nên không có chuyện dạy quá giờ.
- Cảm xúc, nhân phẩm và lòng tự trọng của sinh viên được tôn trọng
Ở Na Uy và nhiều nước khác trên thế giới, khi phát kết quả kiểm tra hay thi cử, giáo viên sẽ để sấp xuống mặt bàn để người khác không thấy điểm. Và đi học cũng không ai hỏi điểm mình cả, trừ khi mình tự nói. Mình đã rất shock khi xem một video trên Facebook và thấy giáo viên Việt nam đọc điểm kiểu "Bạn A 1 điểm; bạn B 1,5 điểm,...". Ngoài ra, giáo viên cũng không bắt ai phải trả lời câu hỏi hay làm bất cứ việc gì, trừ khi học sinh tự mình giơ tay và tình nguyện làm.
- Giáo dục bậc dưới đại học
+ Sự bình đẳng:
Ở Na Uy, không có trường chuyên, lớp chọn, và cũng không phân loại học sinh kiểu "giỏi, khá, trung bình, kém". Học sinh cũng học tất cả các môn, chứ không phân biệt môn chính môn phụ. Và khi đã đủ tuổi, học sinh có quyền quyết định theo học môn gì, ngành gì; giáo viên và phụ huynh chỉ đưa ra lời khuyên chứ không có quyền quyết định.
+ Không chấm điểm tiểu học
7 năm tiểu học từ lớp 1 đến lớp 7 (6-13 tuổi), học sinh sẽ không bị chấm điểm. Thay vào đó, giáo viên sẽ đưa ra nhận xét hoặc các loại điểm không chính thức để gửi cho phụ huynh. Học sinh cũng không có kỳ thi nào, thường sẽ thi 1 lần vào cuối năm. Tuy nhiên, điểm số của kỳ thi không nhằm mục đích phân loại học sinh.
+ Các hoạt động ngoài trời
Một điều rất hay là người Na Uy tin rằng trẻ em sẽ học được nhiều thứ từ thế giới bên ngoài hơn là ngồi trong lớp, nên họ khuyến khích các hoạt động ngoài trời. Thế nên, ở Na Uy, việc 1 đứa trẻ nghịch nước mưa và cha mẹ che ô đứng chờ là 1 chuyện hết sức bình thường.
+ Học phí và sinh hoạt phí
Tại 1 số nước châu Âu, các trường đại học công lập sẽ được miễn học phí. Tuy nhiên, để thi vào công lập cũng không hề dễ dàng vì tỉ lệ cạnh tranh cao. Các trường tư lập sẽ rơi vào khoảng 7000 - 20.000 EUR một năm.
Sinh hoạt phí ở Na Uy thuộc hàng top thế giới (nhưng thu nhập cũng thuộc hàng top luôn). Phí sinh hoạt hàng tháng của mình rơi vào 800 - 1000 EUR. Một tip dành cho các bạn là luôn mang theo thẻ sinh viên vì nhiều cửa hàng có gía ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, ở Na Uy và nhiều nước Bắc Âu, thuế thu nhập cá nhân rất cao. Có người phải nộp 40 - 50% thu nhập, nhưng bù lại, các dịch vụ cộng đồng tốt và được miễn học phí trung học phổ thông + đại học công lập.
Pháp luật và bạn đọc