Smartphone Trung Quốc đang chia làm 2 phe để cắn xé lẫn nhau một cách gay gắt chưa từng thấy
Đây là cuộc chiến tranh thương mại nhắm vào cả một quốc gia, chứ không phải là một hãng smartphone duy nhất.
Đứng trước lệnh cấm chưa từng có tiền lệ của Mỹ, Huawei vẫn đang tỏ ra kiên cường. Trong tuyên bố được gửi đi ngày 16/10, hãng smartphone Trung Quốc khẳng định số lượng smartphone xuất xưởng trong 9 tháng đầu năm đã lên tới 185 triệu đơn vị, tăng 26% so với cùng kỳ 2018. Không hiểu vì lý do gì Huawei không tính riêng và cũng không công bố sản lượng quý 3, nhưng dựa vào tuyên bố nửa đầu năm thì trong quý vừa rồi smartphone Huawei/Honor xuất xưởng cũng đã lên tới 67 triệu chiếc.
Chiến thắng giòn giã của người Trung Quốc trước đòn trừng phạt của nước Mỹ? Không hẳn.
Trong trường hợp những con số Huawei công bố là chính xác, việc hãng này tăng trưởng bùng nổ cũng là hoàn toàn dễ hiểu: việc bị tổng thống Trump đưa vào "danh sách đen" đã phản tác dụng tại Trung Quốc – Trump càng cấm, người Trung Quốc càng yêu Huawei . Nếu như năm 2018 doanh thu từ Trung Quốc đã chiếm quá nửa tổng doanh thu của Huawei, năm nay chắc chắn tỷ lệ này còn phải gia tăng hơn nữa.
Quả thật, trong quý 3 vừa qua Huawei đã bán được 41,5 triệu smartphone tại quê nhà. Con số này tương đương khoảng 61% tổng doanh số smartphone của Huawei trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của hãng này tại Trung Quốc lên tới 66%, trong khi toàn cảnh thị trường nước này lại suy giảm 3%.
Hãy để ý đến điều bất thường ở đây: thị trường Trung Quốc suy giảm mà Huawei lại tăng mạnh – chắc chắn, phải có kẻ đang điêu đứng vì người Trung Quốc quá yêu Huawei. Apple ư? Không hẳn: doanh số iPhone tại Trung Quốc giảm chỉ 1 triệu chiếc trong khi doanh số Huawei lại tăng tới 17.5 triệu chiếc. Và, mặc dù doanh số iPhone giảm, báo cáo tài chính cho thấy doanh thu của Apple tại Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong gần như không giảm. Tức là, người Trung Quốc có thể đang mua iPhone ít hơn, nhưng họ lại bạo chi hơn mỗi lần bỏ hầu bao cho Tim Cook.
Vậy ai mới là nạn nhân khi Huawei tăng trưởng?
Đọc đến đây, có lẽ bạn đã đoán ra được ai là kẻ trả giá cho chiến thắng của Huawei. Trừ Apple, thị trường smartphone Trung Quốc vốn gần như là của riêng các hãng Trung Quốc. Khi Huawei trỗi dậy, Vivo, OPPO, Xiaomi đang là những kẻ chịu thiệt lớn nhất.
Những con số thống kê cho thấy điều này: cả 3 ông lớn Trung Quốc đều đang chứng kiến mức độ suy giảm trên 20% (Canalys). Trong quý 3, doanh số Vivo giảm 5 triệu chiếc, doanh số OPPO giảm 4 triệu chiếc, Xiaomi giảm 5 triệu chiếc. Tổng cộng, 3 hãng này giảm 14 triệu chiếc, và Huawei tăng 17 triệu chiếc. Apple chỉ giảm vỏn vẹn 2 triệu iPhone bán ra tại Trung Quốc mà thôi.
Tương tự, trong cùng kỳ quý 2, khi Huawei tăng doanh số 9 triệu máy thì Apple chỉ giảm có 1 triệu máy mà thôi. Có thể con số giảm này là hệ lụy của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, của những lời chỉ trích mà một công ty Mỹ phải chịu đựng khi Mỹ "đánh" công ty lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng có ghét Apple đến đâu thì người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đã khiến các hãng Trung Quốc khác phải trả giá: trong cùng quý 2, tốc độ tăng trưởng của Huawei khi đó đạt 31% trong khi OPPO, Vivo và Xiaomi đều suy giảm xấp xỉ 20%.
Bằng cách tăng trưởng mạnh tại quê nhà, Huawei có thể tạo ra ấn tượng rằng lệnh cấm của ông Trump không ảnh hưởng đến hãng. Nhưng thực tế là, đến cuối cùng người Trung Quốc vẫn chịu thiệt - "nạn nhân" không phải là Huawei mà là Xiaomi, OPPO và Vivo.
Kết quả là smartphone Trung Quốc quay ra cạnh tranh nhau gay gắt. Giám đốc Huawei lên tiếng chê bai Mi Mix Alpha, Xiaomi ngay lập tức đem Mate 30 RS ra dè bỉu. Huawei chê OPPO/Vivo là hãng nhỏ chỉ biết copy, hai hãng con BBK này liền quay ra bắt tay với Xiaomi để tạo thành nền tảng giống AirDrop của Apple – Huawei bị cho ra rìa.
Và dĩ nhiên là Huawei cũng chẳng thể tự coi mình là kẻ chiến thắng: dù có thể tiếp tục khoe những con số ấn tượng, hãng này coi như đã mất trắng các thị trường chuộng Google. Tại Ấn Độ - thị trường đóng góp phần tăng trưởng quan trọng cho ngành công nghiệp smartphone, vừa đặt mục tiêu nâng thị phần cho hãng con Honor lên 10% trong tháng 4 thì đến quý 3 cả Huawei/Honor đã "bốc hơi" còn 1%. Tại châu Âu, phần tăng trưởng của Xiaomi gần như vừa vặn với phần Huawei bị mất – khoảng 1,5 triệu máy.
Tại khu vực Đông Nam Á, trong quý 2/2019 Xiaomi và Realme (hãng con của OPPO) đánh bật Huawei ra khỏi top 5. Tại Việt Nam, Huawei/Honor vốn đang trên đà tăng trưởng với 6,8% thị phần offline và 3,4% thị phần online thì đến tháng 6 chỉ còn lại vỏn vẹn 1% mỗi kênh. Lý do khiến người dùng hoang mang dĩ nhiên là việc Google rút phép sử dụng Android – điều hoàn toàn không ảnh hưởng tới các thương hiệu Trung Quốc còn lại.
Vì ông Trump, Huawei phải chấp nhận mất trắng các thị trường quốc tế chuộng Google, nhưng bù lại đã bùng nổ ở "quê nhà". Ở phía ngược lại, nhờ có ông Trump, Xiaomi, OPPO và Vivo đã bớt được một đối thủ hùng mạnh ở phạm vi toàn cầu, nhưng lại phải trả giá bằng thị phần tại Trung Quốc. Cuộc nội chiến smartphone tại Trung Quốc đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.
Liệu người Trung Quốc có tiếp tục ủng hộ Huawei mạnh mẽ đến thế? Liệu Xiaomi, OPPO và Vivo có cách nào "lái" được người Trung Quốc về phía mình? Khó có thể đoán định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng rõ ràng là chỉ có smartphone Trung Quốc đang cắn xé lẫn nhau mà thôi. Theo báo cáo tài chính mới đây, Apple lại vừa có một quý 3 kỷ lục, Samsung vừa chứng kiến cả doanh thu lẫn lợi nhuận mảng di động tăng trưởng ở mức 2 chữ số. Mặc cho smartphone Trung Quốc "đánh" nhau, 2 ông lớn Mỹ/Hàn đều đang ung dung tại vị...
Trí thức trẻ