SMBC sau 16 năm đầu tư vào Việt Nam
SMBC chủ yếu đầu tư vào ngành tài chính với nhiều cái tên đình đám như FE Credit, VPBank, Eximbank, Chứng khoán PSI hay tập đoàn Bảo Việt.
- 15-10-2023Cần xác định "chủ nợ" trước khi mở thủ tục phá sản
- 15-10-2023Cùng khởi nghiệp từ gỗ và trở nên giàu có với cơ đồ nghìn tỷ, 3 đại gia Gia Lai ngày nay: Hào quang phố núi vụt tắt!
- 15-10-2023Phát lệnh cưỡng chế nợ thuế với Tập đoàn FLC
Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), SMBC Nikko Securities Inc. (Nhật Bản) đã bán toàn bộ hơn 8,91 triệu cổ phiếu PSI (tương đương tỷ lệ 14,9%) và không còn là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Dầu khí từ ngày 6/10.
Sau giao dịch, SMBC Nikko Securities Inc chính thức không còn là cổ đông tại Chứng khoán Dầu khí. Cùng phiên giao dịch của tổ chức này, cổ phiếu PSI ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 9 triệu đơn vị, thị giá đóng cửa đạt 9.900 đồng/cp. Ước tính nhà đầu tư Nhật Bản đã thu về khoảng 88 tỷ đồng sau khi thoái vốn khỏi Chứng khoán Dầu khí.
Vào tháng 2/2011, SMBC Nikko Securities đã chi 133,7 tỷ đồng (gần 6,9 triệu USD) để mua 14,9% cổ phần PSI với giá 15.000 đồng/cp, trở thành cổ đông lớn nhất khoảng một thập kỷ. Hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của CTCK tăng từ 509 tỷ đồng lên 598,4 tỷ đồng và giữ nguyên cho tới hiện tại.
Trong suốt gần 12 năm đầu tư vào PSI, SMBC Nikko Securities chưa năm nào được chi trả cổ tức. Như vậy, ước tính khoản đầu tư của công ty Nhật Bản này lỗ hơn 34% sau hơn một thập kỷ.
SMBC Nikko Securities Inc (tên cũ là Nikko Cordial) được thành lập từ năm 1918, do Sumitomo Mitsui Financial Group sở hữu 100% vốn. Còn Sumitomo Mitsui Financial Group (SMBC) là tập đoàn lớn thứ 2 Nhật Bản về tổng tài sản với hơn 2.100 tỷ USD - mang theo kinh nghiệm và chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Tại Việt Nam, SMBC được biết đến khi thực hiện nhiều thương vụ M&A lớn trong ngành tài chính.
Thương vụ mới nhất: SMBC chi hàng tỷ USD để mua cổ phần của VPBank và FE Credit
Trong thương vụ gần đây nhất, tháng 7/2023 SMBC công bố sẽ chi 35.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD để mua 15% của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB). Theo đó, VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho SMBC với giá dự kiến 30.159 đồng/cổ phiếu.
Toàn bộ số cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm kể từ ngày đăng ký bổ sung số cổ phiếu này tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Theo VPBank, khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho ngân hàng 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Qua đó, đưa ngân hàng này trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank. Điều này cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc chiến lược.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng cho biết, vào ngày 17/4 VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỷ.
Trước khi mua cổ phần của VPBank, năm 2021 SMBC đã chi 1,4 tỷ USD, tương đương khoảng 33.000 tỷ đồng để mua lại 49% vốn của FE Credit - một đơn vị thành viên của VPBank.
FE Credit trước giai khi được SMBC rót vốn vào được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Những năm gần đây, công ty này mang về 45 - 50% tổng lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng…
Hiện FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần với mạng lưới trải dài trên toàn quốc tại hơn 21.000 điểm bán hàng cùng hơn 16.000 nhân viên. Với hơn 12 triệu người dân Việt Nam được giải quyết khó khăn tài chính, trong đó có 30% hợp đồng vay mới mỗi năm.
Thương vụ đầu tiên: SMBC đầu tư vào Eximbank
Khoản đầu tư đầu tiên vào Việt Nam của SMBC đã diễn ra vào năm 2007 và ngân hàng được "chọn mặt gửi vàng" lúc đó là Eximbank (mã chứng khoán: EIB). Năm 2007, SMBC đã chi ra 225 triệu USD (khoảng 3.650 tỷ đồng vào thời điểm đó) để sở hữu 15% vốn điều lệ của ngân hàng này.
SMBC đã từng đánh giá cao thương vụ nói trên. Đích thân Chủ tịch tập đoàn này, ông Masayuki Oku, thông báo buổi lễ ký kết chính thức thỏa thuận liên minh kinh doanh với Eximbank đã diễn ra tại Tokyo. SMBC cho rằng Eximbank là "một trong các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam".
Trong giai đoạn đầu hợp tác, SMBC hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ trung và dài hạn, biệt phái chuyên gia sang Việt Nam để triển khai các dự án mới, phát triển hoạt động kinh doanh thẻ, cho vay. Ngân hàng Nhật Bản cũng tư vấn, lập kế hoạch cho hoạt động quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân sự.
Tuy nhiên, cuộc chiến "vương quyền" xảy ra giữa các nhóm cổ đông của Eximbank hơn một thập kỷ qua khiến những kế hoạch của SMBC chệch hướng. Sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC đã quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này.
Trong giai đoạn từ tháng 22/12/2022 đến giữa 1/2023, cổ phiếu EIB đã chứng kiến hàng loạt giao dịch thỏa thuận đến từ khối ngoại. Giao dịch cuối cùng được kết thúc vào ngày 13/1 với hơn 132 triệu cổ phiếu, tương gần 10% vốn điều lệ của ngân hàng này được sang tay thông qua giao dịch thỏa thuận từ khối ngoại. Đó có thể là các giao dịch thoái vốn SMBC.
Theo báo cáo quản trị của Eximbank, trước thời điểm thoái vốn vốn SMBC vẫn sở hữu 15% vốn của ngân hàng này, tương đương hơn 185 triệu cổ phiếu. Nếu lấy theo mức giá trung bình của cổ phiếu EIB trong khoảng thời gian từ 22/12/2022 đến 13/1/2023, ước tính tập đoàn Nhật Bản đã thu về khoảng trên dưới 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2009 - 2013, SMBC đã nhận về xấp xỉ 1.050 tỷ đồng cổ tức tiền mặt từ Eximbank. Kể từ 2014 đến nay, Eximbank đã có nhiều năm liên tiếp không trả cổ tức tiền mặt.
Như vậy, SMBC đã thu về khoảng 6.000 tỷ đồng khi đầu tư và thoái vốn khỏi Sacombank, tương ứng với khoảng 255 triệu USD tại thời điểm thoái vốn. Có thể nói, tỷ suất lợi nhuận SMBC khi đầu tư vào Eximbank là không cao.
Tạm lỗ với khoản đầu tư vào Bảo Việt
Vào tháng 12/2019, SMBC một lần nữa gây chú ý khi Sumitomo Life chi thêm 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm 41.436.330 cổ phần BVH của Tập đoàn Bảo Việt. Nhờ đó, nâng tỷ lệ nắm giữ của Sumitomo Life tại Bảo Việt được nâng lên 22,09%.
Điều đó có nghĩa bình quân giá mỗi cổ phiếu BVH mà Sumitomo Life mua vào lên tới 96.817 đồng. Đáng chú ý, trong tháng 12, giá cổ phiếu BVH dao động từ 66.200 đồng/cổ phiếu tới 73.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá mà SMBC để mua BVH cao hơn thị giá từ 32,6% tới 46,2%.
Kể từ khi sở hữu cổ phiếu của BVH cho đến nay, SMBC đã nhận được gần 200 tỷ đồng tiền cổ tức từ tập đoàn này. Tuy nhiên, hiện nay, thị giá của BVH trên thị trường chỉ còn ở mức 42.000 đồng/cp.
Như vậy, số lượng cổ phiếu BVH mà SMBC nắm giữ có giá thị trường chỉ còn khoảng 1.740 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá mà tập đoàn này đã mua vào.
Không quên bất động sản
Cũng trong năm 2019, SMBC bắt tay với Tập đoàn BRG thành lập liên doanh để triển khai dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD đã chính thức động thổ vào tháng 10/2019 và từ đó đến nay chưa triển khai thêm.
Ngoài ra, cũng vào năm 2019, SMBC đạt được thỏa thuận với tỉnh Hưng Yên về việc phát triển giai đoạn 3 để mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II tại huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào. Vì vậy, Tập đoàn bày tỏ ý muốn rót thêm 3.000 tỷ đồng vào đây.
Tới tháng 10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã trao bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với SMBC và Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II liên quan đến thực hiện mở rộng giai đoạn 3 khu công nghiệp Thăng Long II.
Ngoài ra, SMBC còn đầu tư vào Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (vốn đầu tư 2,58 tỷ USD). SMBC đã theo đuổi dự án này suốt 12 năm.
Nhịp sống thị trường