Sợ bị trộm giữa đêm, người dân Hà Nội dựng lều, trùm chăn canh đào quất trên phố
Để tránh tình trạng trộm cắp hay phá hoại, các thương nhân bán đào, quất hai bên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) dựng lều, lán trông coi, canh gác. Nhiệt độ về đêm giảm mạnh, họ co ro, trùm chăn hoặc thậm chí mở loa hát hò để xua tan nỗi buồn.
Chỉ còn 3 tuần nữa, chúng ta chính thức bước sang năm mới Kỷ Hợi 2019. Cuối năm, Hà Nội đẹp xao xuyến, nhờ những tuyến đường rộn ràng đào quất. Con đường Lạc Long Quân ven Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) tấp nập "người mua kẻ bán". Sáng chiều, người dân kéo tới ngắm cây, chụp ảnh. Không khí náo nức, đầy vui tươi.
Họ dựng tạm vài ba chiếc lều và lán nhỏ, đặt ngay trong khuôn viên trưng bày cây. Mọi sinh hoạt trong ngày hầu như diễn ra tại đây, vừa chăm sóc, trông coi cây cảnh, vừa sống qua những ngày buôn bán cuối năm.
Dây xích được dùng để cột chặt 2 gốc đào với nhau. Giá trị của từng chậu cây rơi vào khoảng chục triệu tới trăm triệu, thương nhân cố gắng túc trực, canh gác bất kể ngày đêm.
Đêm 21/1, nhiệt độ Hà Nội giảm mạnh, trời rét buốt. Các hộ dân có điều kiện thường thuê thêm nhân công trông coi. Những người trông đào, quất ngồi co ro hàng tiếng đồng hồ, với mức thu nhập khá.
Họ chuẩn bị bộ ấm chén uống trà nóng giữa đêm lạnh.
Người dân mặc nhiều lớp áo nhằm tránh sự "hành hạ" của thời tiết.
Mỗi lán như này có diện tích rất bé, chỉ vừa một chiếc giường, chăn gối và một vài nhu yếu phẩm. Có nhiều nhà vườn cẩn thận, dựng 2 lều 2 hướng để tăng cường an ninh, tránh tình trạng mất trộm hay phá hoại.
Khu vực từ đường Lạc Long Quân ra hồ Tây, các lều lán được dựng lên khắp nơi. Người dân tranh thủ chợp mắt trước ca thay phiên.
Một vườn bưởi có giá hàng trăm triệu đồng. Tại đây, họ "mở tiệc", hát hò để xua tan nỗi buồn, cũng là để thời gian trôi nhanh hơn.
Nửa đêm, một cây bưởi lớn cũng được giao dịch thành công. Người dân hớn hở và đầy ắp niềm tin vào vụ mùa năm nay.
Trí Thức trẻ