Sợ bố mẹ ở nhà cũ, mùa mưa bão nguy hiểm, con dâu góp sức xây nhà báo hiếu
Sợ ngôi nhà cũ mục nát, không chịu nổi mưa bão nắng gió miền Trung, chị Nguyên đã bàn bạc cùng hai anh chị chồng xây nhà mới cho bố mẹ.
- 06-10-2022Chi 1,7 tỷ đồng xây nhà, tiết kiệm hơn nhờ tự thiết kế
- 30-09-2022Vợ chồng bỏ phố mua 2.000m2 đất ngoại thành Hà Nội, chi 2 tỷ xây nhà vườn có bể bơi
- 30-09-2022Tích lũy 15 năm để xây nhà, tính toán chi tiêu từng bữa cơm
- 23-09-2022Cách kiếm tiền và chi tiêu để xây được nhà tặng bố mẹ khi còn trẻ
- 21-09-2022Người phụ nữ bỏ phố về cao nguyên Mộc Châu xây nhà trồng rau
Đem 420 triệu xây nhà mới tặng ba mẹ
Do tình hình dịch bệnh, chị Lê Thị Nguyên (32 tuổi) chuyển từ TP.HCM về TP. Quy Nhơn sinh sống đã gần một năm nay. Thi thoảng có dịp, chị lại cùng chồng con về thăm gia đình bố mẹ chồng ở An Lão, Bình Định.
Căn nhà cũ của bố mẹ chồng chị Nguyên xây trên mảnh đất cằn cỗi ở nơi nắng gió miền Trung. Mùa mưa dễ ngập, mùa bão lũ nguy hiểm. Căn nhà xây đã nhiều năm nên có phần cũ kỹ, mục nát. Các con từng nhiều lần đề nghị bố mẹ chuyển vào thành phố sống để tiện bề chăm sóc nhưng hai ông bà từ chối vì muốn ở quê để gần hàng xóm láng giềng.
Nhận thấy căn nhà có vị trí địa hình khá đẹp, phía sau là hồ sen, trước mặt nhìn thấy núi, chị Nguyên đã lên kế hoạch cùng hai anh chị nhà chồng, góp tiền xây nhà mới tặng ba mẹ.
"Gia đình bên chồng mình có ba người con gồm chị cả, anh giữa và chồng mình là con út. Khi nghe kế hoạch góp tiền xây nhà cho ba má ở, cả nhà ai cũng vui vẻ với kế hoạch này. Căn nhà của ba má chồng mình là nơi quây quần mỗi dịp lễ Tết, các con cháu được thỏa thuê ngắm hồ, ngắm núi, cho cá ăn, coi cây cảnh, nghe chim hót", chị Nguyên nói.
Tầm nhìn của tất cả các phòng đều hướng được ra nơi có gió và ánh sáng
Hiện trạng căn nhà ban đầu là một khối nhà 2 tầng và một khối nhà cấp 4 đã xuống cấp, cùng một khoảng đất trống lớn phía sau. Ba chị em chị Lê Nguyên đã họp bàn giữ lại nhà 2 tầng để bán hàng, phá bỏ nhà cấp 4, khoảng đất trống phía sau nhà xây thêm phòng ngủ, phòng khách, bếp, toilet, vườn, hồ cá cho ông bà có chỗ ngắm cảnh.
Chị Nguyên cho biết, tất cả giai đoạn từ triển khai ý tưởng, lên kế hoạch mua vật liệu xây dựng, tham khảo giá vật liệu, tìm nhân công,... mất tầm 3 tháng. Trong đó, chồng chị Nguyên đảm nhận hết vai trò làm thiết kế, thi công và giám sát.
"Sau khi phân tích hiện trạng của căn nhà như thời tiết, hướng nắng Tây chiếu, chồng mình đã bố trí góc nghiêng 45 độ so với nhà 2 tầng, vừa tránh được nắng, vừa tạo được phần đất trống để làm vườn, tăng độ phủ xanh cho nhà thêm mát mẻ. Tầm nhìn của tất cả các phòng đều hướng được ra nơi có phong cảnh đẹp, có gió lùa, không khí dễ chịu", chị Nguyên bày tỏ.
Khu vườn rợp bóng cây, nhìn ra xa là đồi núi
Muốn xây nhà ở quê, đừng bỏ qua bản vẽ chi tiết
Vì nhà chồng chị Nguyên ở khu vực miền núi, thợ xây chưa có tay nghề cao, chỉ làm được những phần cơ bản như xây gạch, làm mái...; lúc quyết định xây cũng là thời điểm chuẩn bị vào mùa mưa bão nên họ phải tìm cách tăng tiến độ thi công.
"Chồng mình đưa ra phương án cho công nhân xây tường và đặt hệ khung sắt tại xưởng mang về lắp ráp. 2 việc này có thể thực hiện đồng thời, không gián đoạn gì để đẩy thật nhanh tiến độ xây dựng", chị Nguyên cho hay.
Việc triển khai không gặp nhiều khó khăn vì chồng chị Nguyên đã có kinh nghiệm cũng như bản vẽ thi công đầy đủ. 2 yếu tố trên giúp kiểm soát tốt tiến độ thi công cũng như chi phí gần như theo sát kế hoạch đã dự tính.
Nàng dâu Bình Định cũng đưa ra lời khuyên dành cho những ai muốn xây nhà ở quê: "Xây nhà phải để ý, phải có bản vẽ chi tiết thi công thì lúc đó hãy xây, tránh tình trạng chi phí đội lên quá cao so với dự tính ban đầu khi đang xây dựng thì khổ lắm luôn. Do chuẩn bị kỹ nên đến giai đoạn nào cần bao nhiêu ba chị em nhà mình luôn chủ động được tiền để thi công liên tục".
Tổng số tiền xây dựng nhà hết 420 triệu
Ba người có nhiều lúc bất đồng ý kiến. Ví dụ như, chị Nguyên muốn để hồ cá ở khu vực lối dẫn từ nhà 2 tầng qua, hai người còn lại thì muốn để ở góc phải khu nhà để tạo sự mát mẻ.
Song may mắn, các bất đồng này đều được giải quyết lúc lên bản vẽ chi tiết nên khi thi công không bị gián đoạn thêm lần nào.
"Khó khăn nhất là phần công nhân xây dựng thích xây theo kiểu 4 bức tường ngăn phòng nên lúc xây chồng mình phải chỉ từng chút một theo bản vẽ, giải thích sao phải xây thế này, phải sửa thế kia", chị Nguyên cho hay.
Sau khi ngôi nhà 80m2 hoàn thành, cả ba chị em đều vui vẻ, hạnh phúc. Tuy căn nhà không phải biệt thự xa hoa, lộng lẫy nhưng là cả quá trình cố gắng, dồn tâm huyết của ba người con.
"Nói chung mệt có, stress có. Nhưng khi nhà làm xong thì niềm vui thật khó diễn tả. Ba mẹ mình vui lắm", chị Nguyên tự hào chia sẻ.
Ảnh: NVCC
Phụ nữ Việt Nam