MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở Công thương Hà Nội đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí

Để tháo gỡ khó khăn, triển khai các cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và ứng phó với dịch Covid-19, Sở Công thương Hà Nội đã đề xuất giải pháp giảm các loại phí, lệ phí.

Đáng chú ý, Sở đã đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Công thương. Trong đó đề xuất 6 loại phí, lệ phí giảm 66,7%; 1 loại giảm 57%; 27 loại giảm 50%; 1 loại giảm 30%; 2 loại giảm 20%.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp trình UBND thành phố xem xét quyết định thành lập mới 24 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp được thành lập từ năm 2018 đến hiện tại là 43 cụm.

Đồng thời, Sở cũng đã tổ chức khảo sát các đơn vị sản xuất trang thiết bị cho ngành y tế, phục vụ phòng, chống dịch, đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ tìm đối tác cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang.

Sở Công thương Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thương mại, các đơn vị kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn thành phố phối hợp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản của các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư nguồn cung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Sở đã chỉ đạo, phối hợp thực hiện được mục tiêu 100% các thủ tục hành chính được rà soát nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tiết kiệm chi phí.

Thêm vào đó, Sở đã tổ chức hoạt động kết nối cung, cầu, cung cấp thông tin về nông sản, sản phẩm của các tỉnh, đặc biệt hàng hoá gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (thuỷ hải sản ở Quảng Ninh, cá nước lạnh Lào Cai,...) đến các doanh nghiệp tại Hà Nội.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh từ sớm, xây dựng và triển khai 4 phương án đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá ứng phó với các thay đổi của dịch bệnh.

Cụ thể, thành phố đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố đảm bảo dự trữ 17 nhóm hàng hóa thiết yếu trong 3 tháng của quý III với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng, xây dựng phương án dự trữ phục vụ các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng Bắc bộ với trị giá hàng hóa khoảng 21.500 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên