MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sơ cứu khi bị đột quỵ, biết cách để tránh nguy cơ tử vong

10-03-2018 - 15:45 PM | Sống

Nếu được sơ cứu đột quỵ đúng cách, bệnh nhân sẽ thoát được cơn tử thần và tránh những biến chứng lâu dài về sau.

Đột quỵ - Căn bệnh thường gặp trong cuộc sống hiện đại

Đột quỵ hiện nay đang được coi là chứng bệnh của cuộc sống hiện đại vô cùng nguy hiểm. Diễn ra trong vòng vài phút, cơn đột quỵ có thể khiến bạn tử vong trong tích tắc. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam), nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ chính là do tăng huyết áp – một chứng bệnh thời hiện đại đang gia tăng cực mạnh cả ở đối tượng thanh thiếu niên.

Sơ cứu khi bị đột quỵ, biết cách để tránh nguy cơ tử vong - Ảnh 1.

Đột quỵ hiện nay đang được coi là chứng bệnh của cuộc sống hiện đại vô cùng nguy hiểm.

Tăng huyết áp, còn được gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà trong đó các mạch máu liên tục tăng áp lực. Khi những áp lực trong mạch máu cao hơn thì trái tim càng gặp khó khăn hơn trong việc phải làm việc để bơm máu. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đột quỵ, đau tim và cuối cùng là suy tim . Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tim mạch có thể giết chết bạn trong tích tắc.

Báo cáo của Hội Tim Mạch Việt Nam cho thấy, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó 9,4 triệu ca tử vong là do biến chứng của tăng huyết áp. Như vậy, tăng huyết áp đang chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch.

Sơ cứu khi bị đột quỵ, biết cách để tránh nguy cơ tử vong - Ảnh 2.

Báo cáo của Hội Tim Mạch Việt Nam cho thấy, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu.

Theo GS Nguyễn Lân Việt, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng huyết áp là do người trẻ còn chủ quan, không hay biết mình đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Bởi lâu nay, trong đầu chúng ta vẫn luôn ấn định chỉ người trung, cao tuổi mới mắc tăng huyết áp, từ đó cũng chỉ nhóm người đó mới bị đột quỵ. Thực tế thì không phải như vậy.

Thêm vào đó, người trẻ còn rất lười đi khám bệnh, kiểm tra sức khỏe theo định kỳ. Nhóm người trong độ tuổi này thường phải chịu nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống nên thường xuyên bị stress. Họ cũng có thói quen ăn uống vô độ, đưa nhiều chất béo không có lợi vào cơ thể, ăn mặn , ăn nhiều thức ăn nhanh, bữa ăn công nghiệp, cơm văn phòng, ăn uống không kiểm soát… làm gia tăng rối loạn chuyển hóa lipid, dẫn đến xơ mỡ động mạch và bệnh tăng huyết áp. Từ đó nguy cơ bị đột quỵ cũng bị đẩy lên nhanh chóng.

Nếu được sơ cứu đột quỵ đúng cách, bệnh nhân sẽ thoát được cơn tử thần và tránh những biến chứng lâu dài về sau. Tuy nhiên, nếu sơ cứu sai cách, bệnh nhân có thể bị tê liệt, mất vận động cơ bắp, khó nói chuyện hoặc khó nuốt, mất trí nhớ hoặc gặp rắc rối với sự hiểu biết, đau đớn kéo dài… Do đó, chuyên gian khẳng định, sơ cứu đột quỵ đúng cách là điều bạn không được chủ quan.

Sơ cứu khi bị đột quỵ, biết cách để tránh nguy cơ tử vong - Ảnh 3.

Nếu được sơ cứu đột quỵ đúng cách, bệnh nhân sẽ thoát được cơn tử thần và tránh những biến chứng lâu dài về sau.

Sơ cứu đột quỵ đúng cách, giúp bệnh nhân sớm phục hồi và tránh biến chứng nguy hiểm

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Việt, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội; hoặc đột ngột nói khó, không nói được, rối loạn tiếng nói, méo mồm, liệt mặt; hoặc đột ngột mất, giảm mạnh thị lực 1-2 phút; hoặc yếu tay chân thì người sơ cứu cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:

- Gọi xe cấp cứu 115 càng nhanh càng tốt.

- Trong trường hợp đội ngũ cấp cứu chưa thể tiếp cận được thì cần chuyển an toàn người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ. Chú ý di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng, tránh va đập, rung lắc mạnh. Không để bệnh nhân tự di chuyển vì có thể ngã.

Sơ cứu khi bị đột quỵ, biết cách để tránh nguy cơ tử vong - Ảnh 4.

Trong trường hợp đội ngũ cấp cứu chưa thể tiếp cận được thì cần chuyển an toàn người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ.

- Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát dấu hiệu bất thường.

- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, đầu kê cao 30-45 độ, trang phục nếu mặc quá nhiều thì cần cởi bớt, đảm bảo mặc quần áo thoáng.

- Nếu người bệnh nôn thì nhanh chóng lau sạch chất nôn hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi.

- Ghi chú những loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.

- Luôn phải cho bệnh nhân nhận được oxy để nuôi dưỡng cơ thể, tránh tình trạng chết não.

- Nghiêm cấm cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.

Theo Tiểu Nguyễn

Helino

Trở lên trên