MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở Du lịch Đà Nẵng nói về hướng dẫn viên Trung Quốc

Chiều ngày 18-8, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Xuân Bình (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) cho biết vào đầu tuần sau, bắt đầu vận động các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và ký cam kết lắp đặt camera trên xe du lịch.

"Hiện tai anh em đã vận động được mấy chục đơn vị rồi và tiếp tục vận động để tiến hành lắp đặt camera trên xe du lịch. Ban đầu là thí điểm sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện", ông Bình nói.

11 HDV bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết hiện tại là vận động lắp đặt camera trên xe sau đó là tiến tới thực hiện truyền tải, kết nối về trung tâm. Sở đang làm việc với Sở TT&TT để tiến tới thực hiện việc kết nối về trung tâm.

Sở Du lịch Đà Nẵng nói về hướng dẫn viên Trung Quốc - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên Trung Quốc (áo đỏ) đang dẫn tour tại Đà Nẵng. Ảnh: TA

Ông Nguyễn Xuân Bình (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) cũng đã trả lời phỏng vấn PLO về hướng dẫn viên Trung Quốc (HDV TQ) hoạt động chui, doanh nghiệp (DN) Việt cho người TQ núp bóng.

. PV: Theo ông Trần Trà (Chi hội trưởng Chi hội HDV) thì tại Đà Nẵng hiện có khoảng 10/45 DN có người nước ngoài đứng sau. Sở có nắm được thực trạng này không, thưa ông?

+ Chúng tôi đã liên hệ với ông Trà để nắm thông tin cụ thể. Hiện nay, Sở Du lịch đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan để xác minh và xử lý.

. Vậy việc để cho người nước ngoài đứng sau DN sẽ có hệ lụy gì đối với ngành du lịch TP?

+ Việc để cho người nước ngoài đứng đằng sau DN tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan phong tục, văn hóa Việt Nam, tiềm ẩn rủi ro mất tự chủ về kinh tế, lệ thuộc điều hành quản lý DN. Bản thân DN tiềm ẩn rủi ro trách nhiệm pháp lý khi có các hoạt động vi phạm pháp luật kinh doanh của người nước ngoài ảnh hưởng đến DN, rủi ro về kinh tế nợ tiền, quỵt tiền...

. Đang có những giải pháp cụ thể gì để xử lý tình trạng này? Vì sao chúng ta không thể giải quyết được tình trạng này, thưa ông?

+ Trong sáu tháng đầu năm 2018, Sở Du lịch đã chủ động tham mưu UBND TP chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện tập trung các giải pháp quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch và kinh doanh tour giá rẻ thị trường khách TQ, Hàn Quốc.

Trong sáu tháng đầu năm 2018, đã ban hành 28 quyết định xử phạt với tổng số tiền 197,2 triệu đồng. Trong đó xử phạt hai trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh lữ hành với số tiền 17,5 triệu đồng; xử phạt 18 trường hợp vi phạm hoạt động hướng dẫn tại khu, điểm du lịch với số tiền 66,2 triệu đồng; đã kiểm tra, phát hiện sáu người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép, xử phạt số tiền là 107,5 triệu đồng.

Công an TP đã chủ trì phối hợp với công an các địa phương và Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra, phát hiện 23 người nước ngoài (20 người Trung Quốc, ba người Hàn Quốc ) có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch. Đã xử phạt vi phạm hành chính 20 người với tổng mức phạt 322,5 triệu đồng, hủy thị thực buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam và đưa vào diện chưa cho nhập cảnh 11 trường hợp.

Hiện Công an TP đang phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, triển khai kiểm tra đăng ký tạm trú của người nước ngoài, tập trung kiểm tra, rà soát người nước ngoài tại khu chung cư, căn hộ cho thuê, hộ dân tại các DN trên địa bàn TP.

Sở LĐ-TB&XH thường xuyên hướng dẫn các DN trong lĩnh vực du lịch thực hiện các quy định về xin giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài...

Siết chặt quản lý

. Đà Nẵng có những biện pháp sắp tới để hạn chế sự bùng nổ của các tour du lịch giá rẻ cũng như tình trạng HDV hoạt động trái phép tại TP, thưa ông?

Sở Du lịch Đà Nẵng nói về hướng dẫn viên Trung Quốc - Ảnh 2.

Một hướng dẫn viên Trung Quốc (áo trắng) đang tự dẫn đoàn, thuyết trình tại Đà Nẵng. Ảnh: TA


+ Thị trường Hàn Quốc và TQ vẫn là thị trường nguồn gửi khách lớn và khả năng chi tiêu cao. Việc hoạt động của các tour giá rẻ là xu hướng cạnh tranh của kinh tế thị trường. Biện pháp trước mắt là cần thanh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh du lịch và các chuỗi dịch vụ, chống thất thu thuế, kiểm soát các hoạt động thanh toán; tăng cường quản lý hoạt động người nước ngoài.

Đồng thời về dài hạn cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa thị trường, hướng đến loại khách có khả năng chi tiêu cao.

Sở Du lịch phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, HDV vào mùa cao điểm tháng 7 và 8-2018, chú trọng kiểm tra, giám sát các DN lữ hành đón khách TQ, Hàn Quốc trong việc thực hiện các hợp đồng tour với đối tác.

Phối hợp với Sở GTVT vận động các DN lắp đặt camera trên xe vận chuyển để tăng cường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách và giám sát người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép trên xe vận chuyển. Phối hợp Sở Công Thương vận động các cơ sở mua sắm lập thủ tục xét công nhận cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Tổ chức đào tạo bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ HDV giai đoạn 2018-2020.

Xây dựng nội dung thuyết minh chuẩn về TP và các điểm đến dịch sang các ngôn ngữ TQ, Hàn Quốc phát cho các công ty lữ hành, đối tác và hướng dẫn viên để tránh tình trạng xuyên tạc văn hóa, lịch sử.

Sở Công Thương, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng thực hiện kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch về niêm yết giá, xuất xứ hàng hóa, giao dịch ngoại tệ và thực hiện nghĩa vụ về thuế, sử dụng hóa đơn tài chính.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng triển khai các biện pháp quản lý và kiểm soát hoạt động giao dịch ngoại hối, thanh toán bằng máy POS hoặc các ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động (Alipay, Wechat pay...) tại các cơ sở mua sắm.

Theo Tâm An - Lê Phi

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên