MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

So găng lợi nhuận hai “ông lớn” ngành bia Sabeco và Habeco năm 2021

So găng lợi nhuận hai “ông lớn” ngành bia Sabeco và Habeco năm 2021

Trong khi Sabeco ghi nhận mức lãi thấp nhất trong vòng 6 năm qua thì Habeco báo lãi thấp nhất trong lịch sử hoạt động.

Chớp thời cơ các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại, Sabeco lãi bật tăng trong quý 4

Trong quý 4/2021, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã SAB) ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 9.004 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế đạt 1.400 tỷ đồng giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo SAB, hoạt động kinh doanh đã phục hồi trong quý 4/2021 sau khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại bình thường sau thời gian tạm dừng vì Covid-19, nhờ vậy doanh thu và lợi nhuận của công ty cao hơn so với quý 3/2021 lần lượt là 110% và 197%.

So găng lợi nhuận hai “ông lớn” ngành bia Sabeco và Habeco năm 2021 - Ảnh 1.

Trong khi đó, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – mã BHN) lại công bố KQKD quý 4 kém khả quan.

Mặc dù doanh thu thuần đạt 1.956 tỷ đồng tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn tăng cao và hụt nguồn thu từ hoạt động khác khiến Habeco chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng. Cổ đông không kiểm soát chịu lỗ 8,3 tỷ đồng nên công ty mẹ nhận lãi ròng 9,7 tỷ đồng – giảm mạnh so với con số 254 tỷ đồng của quý 4/2020.

Khép lại năm 2021, hai ông lớn ngành bia cùng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận sụt giảm

Trong đó SAB ghi nhận doanh thu đạt 26.374 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.929 tỷ đồng, lần lượt bằng 94% và 80% so với thực hiện trong năm 2020 – Ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây.

Đối với Habeco, kết thúc năm 2021 doanh thu giảm 6,6% xuống còn 6.963 tỷ đồng; lãi ròng công ty mẹ cả năm 2021 chỉ đạt 317 tỷ đồng, giảm tới 52,3% so với năm 2020 – Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong lịch sử niêm yết của Habeco.

So găng lợi nhuận hai “ông lớn” ngành bia Sabeco và Habeco năm 2021 - Ảnh 2.

Được biết, trong năm 2021, SAB dự kiến doanh thu là 33.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 5.289 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 7% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Sabeco chỉ thực hiện được 74% kế hoạch.

Khác với Sabeco, Habeco chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 vỏn vẹn 255 tỷ đồng. Theo đó kết thúc năm BHN đã hoàn thành đến 124% kế hoạch. Trước đó cổ đông Habeco từng chất vấn về kế hoạch kinh doanh năm 2021 quá thấp của doanh nghiệp. Lãnh đạo công ty giải thích kế hoạch này được xây dựng để đảm bảo tính khả thi, dự phòng trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam.

Khoảng cách thị phần của Habeco ngày càng cách xa so với Sabeco

Tại Việt Nam, Habeco hiện là nhà sản xuất bia nội địa lớn thứ 2, chỉ sau Sabeco. Trong báo cáo phân tích triển vọng ngành bia trước đây của Chứng khoán FPTS từng cho biết Habeco là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc (chiếm 35% lượng tiêu thụ bia cả nước) với thương hiệu Bia Hà Nội và Bia hơi Hà Nội.

Tuy nhiên, phân khúc bia của Habeco chủ yếu là trung bình và giá rẻ với các loại bia vỉa hè, trong khi những năm gần đây người tiêu dùng có xu hướng chọn các loại bia cao cấp hơn. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới thị phần của Habeco.

Theo đó khoảng cách về doanh thu giữa Sabeco và Habeco đang ngày càng lớn hơn.

So găng lợi nhuận hai “ông lớn” ngành bia Sabeco và Habeco năm 2021 - Ảnh 3.

SSI Research đưa ra một trong những cổ phiếu F&B ưa thích trong năm 2022 là SAB

Trong một báo cáo mới đây, SSI Research nhận thấy nhiều công ty bia tăng giá bán trong nửa cuối năm 2021, và một số công ty khác có kế hoạch tăng trong thời gian tới. Việc tăng giá có thể được người tiêu dùng chấp nhận và tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp trong 2022.

Sang năm 2022 trong một báo cáo của SSI Research, SSI cho rằng nhu cầu dần hồi phục từ việc mở cửa trở lại các cửa hàng tiêu thụ trực tiếp sẽ giúp Sabeco tăng trưởng mạnh nhất vào nửa cuối năm 2022 (từ mức so sánh thấp trong Q3/2021). Ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt mức 18,5% trong năm 2022.

Ngoài ra, mặc dù áp lực chi phí tăng, song SAB vẫn có khả năng tăng biên lợi nhuận trong trung hạn nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí. Đặc biệt, định giá cổ phiếu giảm gần đây có thể là điểm mua vào hấp dẫn cùng câu chuyện thoái vốn Nhà nước 36% cổ phần có thể là yếu tố hỗ trợ cho thị giá cổ phiếu. Báo cáo này bỏ qua đánh giá đối với triển vọng của Habeco.

https://cafef.vn/so-gang-loi-nhuan-hai-ong-lon-nganh-bia-sabeco-va-habeco-nam-2021-20220210163151906.chn

Tú Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên