MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Số hoá' ngành logistics để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường

21-05-2023 - 09:45 AM | Kinh tế số

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững.

'Số hoá' ngành logistics để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường - Ảnh 1.

Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN.

Mới có 40% doanh nghiệp logistics sử dụng công nghệ 

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh, Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, chi phí dịch vụ logistics còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu. Đặc biệt, hiện nay chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

Theo ông Chinh, một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do ứng dụng công nghệ số trong logistics chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ.

Trong đó, chủ yếu là các dịch vụ như khai báo hải quan (100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...

Theo ông Trung, việc chuyển đổi số ngành logistics còn rất nhiều rào cản. Rào cản đó đến từ tư duy nhận thức, tập quán trong giao dịch với các chủ thể cùng với đó là vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, việc chuyển đổi, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng ngành hàng trong điều kiện hiện tại là điều không dễ.

Đặc biệt, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân sự, tài chính và hiện nay hành lang chính sách cho chuyển đổi số vẫn chưa đồng bộ, hệ thống dữ liệu chưa thống nhất, hạ tầng chưa hoàn thiện.

“Số hoá” để thích nghi bối cảnh thị trường mới

Theo các chuyên gia, logistics là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân đòi hỏi cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Nếu chuyển đổi số thành công thì có thể rút ngắn thời gian chờ tại cảng lên tới 70%.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, công ty đã triển khai đồng loạt cảng điện tử ePort, lệnh giao hàng và hệ thống kho hàng điện tử cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng.

Chỉ riêng việc ứng dụng cảng điện tử đã cho phép khách hàng khai báo trực tuyến thông tin container, thông tin hàng hóa, khai báo tờ khai, thanh toán, cho đến khai báo lệnh giao hàng điện tử… Hay như việc phát triển thêm tính năng check-in online, áp dụng tại cảng Cát Lái, giúp giảm thời gian chờ của phương tiện trước cổng cảng, tiến đến phát triển cảng tự động. Kết quả, thời gian xe chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container.

“Chúng tôi cũng tiết kiệm khoảng 30.000- 50.000 tờ giấy/ngày in ấn chứng từ, giảm 3.000-5.000 lượt xe/ngày di chuyển từ trung tâm thành phố và khu vực văn phòng hãng tàu đến cảng. Sản lượng giao nhận từ 11.000 lượt xe/ngày lên 19.000-20.000 lượt xe/ ngày”, ông Trương Tấn Lộc nói.

Từ thực tế hoạt động, ông Trương Tấn Lộc cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần xây dựng hệ thống dữ liệu chung, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng hiệu suất khai thác, sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan.

Ông Lộc cũng kiến nghị Nhà nước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức giao thông; tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi, hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.

Còn ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam nhận định, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành, phát triển logistics xanh bền vững

Tuy nhiên, bà Cao Cẩm Linh, chuyên gia chuyển đổi số, Công ty cổ phần Tư vấn và dịch vụ Viettel cho rằng, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp nên biết khi nào cần chuyển đổi số và chuyển đổi số như thế nào. Theo bà Linh, doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp vận hành giao nhận khối lượng hàng hóa lớn bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số sâu. Bởi có khối lượng hàng hóa lớn đồng nghĩa doanh nghiệp có dữ liệu lớn để thu thập và phân tích, qua đó xử lý luồng hàng bảo đảm chính xác và nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp nhỏ chưa có nhiều khách hàng, quan hệ, hãy xử lý giao nhận hàng hóa bằng nhân lực, chưa cần lãng phí đầu tư máy móc, công nghệ”, bà Linh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, chuyển đổi số là việc của từng cá nhân, từng cơ quan, từng đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số cần có sự đồng hành, phối hợp, hỗ trợ, liên kết của tất cả các đơn vị liên quan. Điều này sẽ tạo ra sự lan tỏa, sự thúc đẩy giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

Theo Thu Trang

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên