“Số hóa” thưởng Tết ngân hàng
Cận Tết Nguyên đán, dư luận xôn xao trước thông tin các mức thưởng “khủng” từ ngân hàng thương mại cho cán bộ nhân viên. Tâm điểm chú ý ngày 9/1 là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Trao đổi với VnEconomy, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank bất ngờ trước mức thưởng dự kiến khoảng 175 triệu đồng cho mỗi nhân viên, với tổng mức chi có thể lên tới 2.600 tỷ đồng.
“Cá nhân tôi đến lúc này cũng không biết những con số đó lấy từ đâu và tính như thế nào”, ông Thành nói.
Vị lãnh đạo này dẫn thực tế một số chi nhánh, ngay tại địa bàn Hà Nội, Tết năm nay dự kiến sẽ không có thưởng, mà đang xem xét có chế độ động viên nào đó. Hoặc ngay tại một chi nhánh, có người dự kiến được thưởng 50 triệu đồng, nhưng có người chỉ được khoảng 3 triệu đồng mà thôi.
Chủ tịch Vietcombank cũng lưu ý một số điểm khi nhìn về các mức thưởng Tết tại các ngân hàng thương mại hiện nay.
Thứ nhất, theo quy định, ngân hàng chỉ được trích tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện của người lao động vào quỹ phúc lợi và khen thưởng, trong đó quỹ khen thưởng chỉ được 50%. Vì vậy, muốn thưởng lớn còn phải nhìn vào các quy định hiện hành.
Thứ hai, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đã “số hóa” mức độ thưởng Tết, để tạo sự công bằng, rõ ràng, cũng như động lực để cán bộ nhân viên phấn đấu.
Cụ thể, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng chỉ số đo lường hiệu suất cốt yếu (KPI), đo lường hiệu quả và mức độ hoàn thành công việc của mỗi bộ phận, chi nhánh và đến từng người lao động. Thưởng Tết căn theo chỉ số đánh giá này nên không có sự cào bằng.
Mặt khác, thực tế chi trả lương thưởng tại nhiều ngân hàng cũng đang áp dụng cơ chế tạm ứng, tạm trả và truy lĩnh, mà có thể bị hiểu nhầm là thưởng Tết.
Như tại Vietcombank, hàng tháng nhân viên được nhận một phần lương cơ bản. Đến cuối năm, qua đánh giá của chỉ số KPI, mỗi người sẽ được tính đúng mức lương kinh doanh thực nhận, và khi đó mới được truy lĩnh “một cục” hoặc rải ra một vài thời điểm. Thời điểm truy lĩnh này thường sau khi chốt sổ sách năm cũ, rơi vào cận Tết Nguyên đán nên thường bị hiểu nhầm là thưởng Tết.
Với cơ chế trên, cũng đã có ngân hàng thương mại phải bù lại quỹ lương thưởng trong năm mới, do các tháng trong năm cũ có những trường hợp nhận lương cơ bản cao hơn lượng kinh doanh khi tính lại các chỉ tiêu, kết quả công việc.
Trong khi đó, một lãnh đạo ngân hàng thương mại khác lại nêu quan điểm, trong trường hợp có thành viên công bố hoặc thực hiện các mức thưởng Tết cao, thì cũng cần nhìn nhận thêm ở một khía cạnh khác nữa.
“Tôi lấy ví dụ, tại ngân hàng A, mỗi nhân viên được thưởng Tết bình quân 15 triệu đồng, tại ngân hàng B bình quân 20 triệu đồng. Nhưng, mức 20 triệu đồng đó chưa chắc đã là cao hơn. Vì phải so sánh thêm. Như tại ngân hàng A, họ có 2.000 nhân viên tạo ra 1.000 tỷ lợi nhuận, còn tại ngân hàng B chỉ có 1.500 nhân viên nhưng tạo ra được 1.500 tỷ lợi nhuận năm qua thì rõ ràng 20 triệu đồng chỉ nên xem xét là sự xứng đáng chứ không hẳn là cao”, lãnh đạo ngân hàng trên nói.
Ngoài ra, người trong cuộc này cũng lưu ý, việc “số hóa” chuyện lương thưởng ngân hàng những năm qua và hiện nay rất chặt chẽ. Một mặt, ngân hàng phải thực hiện đúng quy định cơ chế phúc lợi và khen thưởng hợp lý; mặt khác, Ngân hàng Nhà nước giám sát rất chặt việc chi trả lương, thưởng và cổ tức hàng năm, để hạn chế tình trạng chi quá tay mà ảnh hưởng đến nguồn lực cần tập trung để xử lý nợ xấu.
VnEconomy