Sổ hồng chung cư 50-70 năm: Kiến nghị không sửa Luật
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định về sổ hồng chung cư áp niên hạn 50-70 năm. Tuy nhiên đều có chính sách đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân.
Nhiều nước cũng áp niên hạn chung cư
Tại Châu Á đã nhiều nơi áp niên hạn chung cư như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Ví dụ như Singapore, giai đoạn đầu tiên, quốc gia này quy định quyền sở hữu các căn hộ này chỉ từ 30 - 50 năm. Sau đó, khi chất lượng các công trình tốt lên, nhà nước kéo dài thời gian lên 70 năm. Với các khu chung cư xây mới hiện nay, niên hạn chung cư được nâng lên mức 99 năm. Có 15% chung cư thương mại do doanh nghiệp tư nhân đầu tư được sở hữu vĩnh viễn bởi thời hạn theo quy định là 99 năm, song theo quy định, nhà ở thương mại đến một "độ tuổi" nhất định cũng phải dỡ bỏ.
Đến thời điểm dỡ bõ, các công ty phát triển bất động sản sẽ phải thương thảo với người dân để mua lại căn nhà cũ, duy tu sửa chữa hoặc xây dựng mới. Tuy nhiên, việc mua lại chung cư cũ ở Singapore diễn ra đơn giản hơn ở Việt Nam bởi chính phủ có quy định trường hợp chủ đầu tư có thể thương thảo để 80% người dân đồng ý với chính sách giá mua lại thì các hộ dân còn lại cũng phải theo. Không có trường hợp chỉ vì 1 - 2 hộ dân mà hàng trăm, hàng ngàn chung cư cũ vướng mắc cả thập kỷ không thể giải tỏa như tại TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội hiện nay.
Tại Trung Quốc, Hiến pháp nước này cũng khống chế bằng quy định mục đích và thời gian sử dụng đất (quy định 40 - 70 năm). Trung Quốc đang áp dụng chế độ thuê 70 năm và đang soạn thảo luật gia hạn hợp đồng vô điều kiện. Trong khi đó, Hồng Kông tự động gia hạn đối với các bất động sản cũ, trên cơ sở đóng lệ phí hằng năm.
Tại Philippines, Luật Chung cư 1966 của nước này quy định người sở hữu căn hộ có nghĩa vụ đóng góp chi phí để sửa chữa định kỳ cho căn hộ mình sở hữu. Một khi người dân sở hữu hoàn toàn một căn hộ, họ có tư cách giống như một cổ đông và có quyền tham gia ý kiến quyết định về việc nên xử lý chung cư thế nào khi xuống cấp trầm trọng.
Nếu phải phá hủy, giá trị đất của dự án, cùng những tài sản còn sót lại sau khi phá bỏ được chia đều cho các hộ dân.
Ở Mỹ, có 2 loại hình chung cư chính, đó là các căn hộ cao cấp có chủ đầu tư, tương tự như những dự án chung cư ở Việt Nam, và những dư án nhà ở chung cư giành cho tầng lớp có thu nhập thấp.
Về nhà ở chung cư giành cho người có thu nhập thấp, Mỹ chú trọng vào việc dùng ngân sách quốc gia để cải tạo, nâng cấp nhà ở cho người dân.
Ví dụ như 2009, chính quyền Obama đã dùng 4 tỷ đô la để nâng cấp các công trình nhà ở xã hội, giúp cư dân có điều kiện sống tốt hơn.
Mới đây nhất, chính quyền thành phố New York cũng chi 1 tỷ đô la cho việc sửa chữa mái nhà bị hỏng, dột cho nhà ở xã hội.
Nhật Bản cũng đã từng phải đối mặt với thách thức trong việc quản lý chung cư, đặc biệt là trong vấn đề về cải tạo chung cư cũ. Nhật Bản xây dựng riêng một đạo luật nhằm cải tạo khu vực đô thị.
Theo luật này, chính quyền cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, với kinh phí hỗ trợ thông thường là 1/4 hoặc 1/5 tổng chi phí dự án. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đấu thầu chung cư cũ thành nhà ở thương mại.
Người dân Nhật Bản được hỗ trợ bằng cách không phải nộp thuế thu nhập cho đến khi nhận nhà mới, đồng thời giảm thuế bất động sản 50% trong 5 năm. Trường hợp muốn chuyển đến nơi khác, sẽ được hỗ trợ mua nhà ở giá rẻ.
Kiến nghị không sửa Luật
Về đề xuất áp niên hạn chung cư của Bộ Xây dựng, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư vì không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, có thể đã có sự nhầm lẫn về cách hiểu giữa quyền sở hữu nhà chung cư trên đất ở ổn định lâu dài với niên hạn sử dụng công trình. Nhà ở, công trình xây dựng có tuổi thọ mà niên hạn sử dụng được quy định tại QCVN 03:2021/BXD ban hành theo Thông tư 12/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Trong đó, đối với nhà chung cư hết niên hạn sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư này để xử lý theo quy định tại Điều 99 luật Nhà ở 2014, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền sở hữu căn hộ, diện tích xây dựng khác và quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở. Tuy nhiên, không vì lý do nhà ở, công trình xây dựng có niên hạn sử dụng mà lại đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là không phù hợp.
Luật Nhà ở 2014 của nước ta đã quy định các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán thực hiện bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở đó trong một thời hạn nhất định cho bên mua và Nhà nước hoàn toàn có quyền thực hiện chính sách này khi bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người mua trong một thời hạn nhất định. Nhưng trên thực tế hơn 30 năm qua, Nhà nước ta đã thực hiện chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê (bán hóa giá nhà) với phần lớn là căn hộ nhà chung cư, thì Nhà nước đã cho phép người mua nhà có quyền sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài.
Quay trở lại câu chuyện thực tế tại Singapore, ông Châu phân tích: nước này quy định thời hạn sở hữu căn hộ nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) trong 99 năm. Hiệp hội nhận thấy, việc quy định thời hạn sở hữu căn hộ HDB trong 99 năm nhằm giúp cho Chính phủ Singapore dễ dàng thực hiện tái sử dụng đất để chỉnh trang tái thiết, tái phát triển đô thị và chỉ áp dụng cho loại nhà HDB do Nhà nước đầu tư.
Chính vì thế, (HoREA) đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư như Điều 9 dự thảo đề cương luật Nhà ở (sửa đổi) và đề nghị giữ nguyên các quy định về quyền sở hữu nhà ở, sở hữu nhà ở có thời hạn đã được quy định tại Điều 4; Khoản 1 Điều 5; Khoản 2 Điều 9; Điều 99; Khoản 1 Điều 123 luật Nhà ở 2014.
Công thương