MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu ít nhất 75% vốn điều lệ mới là doanh nghiệp Nhà nước?

16-11-2019 - 11:44 AM | Doanh nghiệp

Chính phủ muốn thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, nhưng cả Uỷ ban Kinh tế và nhiều đại biểu Quốc hội chưa "thông"...

Ngày 14/11 các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Một trong những đề xuất sửa đổi đáng chú ý là quy định về doanh nghiệp nhà nước.

Lý do được Chính phủ nêu tại tờ trình dự án luật là "nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước".

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành thì "doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ".

Dự thảo luật sửa đổi quy định: doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điều 87a Luật này.

Thấp nhất là 75%

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước như quy định tại dự thảo luật là một vấn đề lớn, quan trọng.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này tới hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước theo quy định của dự thảo luật này, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp.

Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước tại dự thảo luật (trên 50%) chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng, chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Bao gồm việc thông qua nghị quyết của hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (tỷ lệ thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

"Tôi băn khoăn lắm"

"Quy định về doanh nghiệp Nhà nước ở điều 87a tôi băn khoăn lắm", đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ.

Đại biểu phân tích, doanh nghiệp nhà nước phải là 100% vốn Nhà nước, giờ bảo nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gọi là doanh nghiệp nhà nước thì chưa thuyết phục.

Công ty cổ phần phải là công ty cổ phần vì liên quan đến các cổ đông, họ chịu trách nhiệm trước pháp luật, đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Cho biết tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp từ khoá 13 (khi còn làm chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - PV), Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nói, ý kiến của ông khi đó doanh nghiệp nhà nước dứt khoát phải 100% vốn Nhà nước, còn dưới đó gọi là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, nội dung này đã luật hóa vào Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Quan điểm này khi đó cũng được lãnh đạo cao nhất của Chính phủ ủng hộ, vị này nói 100% vốn nhà nước mới gọi là doanh nghiệp Nhà nước, còn sở hữu có người khác vào thì phải chia sở hữu ra chứ sao gọi là doanh nghiệp Nhà nước, chỉ là có vốn nhà nước, ông Giàu cho biết thêm.

Điều 87a. Doanh nghiệp nhà nước

1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 điều này.

2. Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữa 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Nguồn: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên