Sở hữu nhiều vật chất, của cải có khiến con người hạnh phúc hơn?
Sở hữu vật chất không đồng nghĩa với việc cuộc sống của con người trở nên hạnh phúc hơn. Trái lại, nếu biết những sự thật sau đây, rất có thể bạn sẽ phải suy nghĩ lại rất nhiều điều.
- 30-06-2017Khoa học chứng minh: Nếu sếp chỉ bắt "con sen" làm việc 4 giờ/ngày, kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn, nhân viên khỏe và hạnh phúc hơn
- 27-06-2017Khoa học chứng minh: Hạnh phúc hoàn toàn có thể "mua" được bằng cách luyện tập, nếu bạn biết 7 phương pháp này
Vật chất làm chủ hay con người làm chủ?
Chúng ta luôn muốn phấn đấu để có những sở hữu vật chất như: “nhà lầu, xe hơi, đồ đạc tiện nghi...” mà đôi khi, để có được những thứ ấy con người phải đánh đổi bằng rất nhiều nỗ lực. Vô hình chung sẽ dẫn đến tình trạng: đồ vật điều khiển suy nghĩ và mục đích sống của bạn. Hãy nghĩ lại xem việc bạn mua một chiếc xe để phục vụ việc đi lại thuận tiện hơn hay bạn đang phải trải qua chuỗi ngày vất vả chỉ để sở hữu một chiếc xe mơ ước?
Bạn có đang thực sự làm chủ những đồ vật mình sở hữu hay ngược lại?
Càng nhiều vật chất càng ít thời gian
Đây là điều mà những tỷ phú, những doanh nhân thành đạt hiểu rõ nhất. Bạn tài giỏi, bạn sở hữu khối tài sản khổng lồ đồng nghĩa với việc bạn luôn luôn bận rộn và có rất nhiều nỗi niềm phải giải quyết, những mối quan hệ cần duy trì... Chính vì vậy mà thời gian bạn dành để tận hưởng những phút giây thư giãn bên người thân hoặc thậm chí là thời gian cho những sở thích riêng sẽ bị co hẹp lại.
Càng giàu có bạn càng “nghèo” thời gian.
Chưa kể đến việc, sở hữu quá nhiều đồ đạc cũng sẽ khiến bạn tốn thời gian chăm sóc, bảo trì và dọn dẹp chúng so với việc có ít tài sản hơn. Nghĩ mà xem, bạn sẽ có rất nhiều thứ cần quan tâm trong khi thời gian thì có hạn.
Nhiều vật chất không làm chúng ta hạnh phúc hơn
Có một sự thật là: rất nhiều người đã cảm thấy bị “bức tử” bởi khối lượng vật chất khổng lồ mà mình sở hữu. Phụ nữ luôn cảm thấy đau đầu với việc mặc gì ra đường dù họ đã có cả một tủ quần áo và không bỏ sót bất cứ xu hướng nào. Đàn ông luôn không ngừng phấn đấu để đạt hết nấc thang này đến bậc danh vọng khác. Chúng ta luôn sống giữa “số lượng” mà dần quên đi “chất lượng” cùng những điều nhỏ bé nhất.
Ít hơn hay nhiều hơn mới hạnh phúc?
Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa tối giản – minimalist lại có sức ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ những người trẻ hiện đại. Đơn giản bởi họ hiểu được, việc sở hữu vật chất không đồng nghĩa với hạnh phúc, chỉ giữ lại những điều cốt yếu và cần thiết nhất mới là chìa khóa để con người ta biết trân trọng những gì đang có, sống hết mình với hiện tại. Theo tâm lý học hiện đại, những người càng cảm thấy cô đơn và trống rỗng bên trong tâm hồn thì càng có xu hướng khỏa lấp cuộc sống của mình bằng đồ vật.
Không gian sống ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý con người.
Những ngôi nhà nhỏ gọn ít đồ đạc luôn đem lại cảm giác thoải mái, ấm áp hơn những ngôi nhà chật kín đồ đạc. Không gian sống của con người phải nhường chỗ cho sự tồn tại của vật chất. Bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình rộng mở trước những nơi bao la và ngược lại.
Vậy nên, trước khi thực sự mong muốn sở hữu bất kỳ một đồ vật nào, hãy tự hỏi mình rằng “đồ vật ấy có thực sự cần thiết hay không?” “Thứ này có thực sự là thứ mình muốn gắn bó và có trách nhiệm sử dụng hay chỉ để thỏa mãn cảm xúc, ham muốn nhất thời?”. Hạnh phúc đích thực đôi khi lại là những điều vốn đã tồn tại từ rất lâu.
Trí thức trẻ