Sở hữu "vàng" mọc đầy đường, Nhật Bản dự kiến thu về 7,7 tỷ USD trong năm 2024 bất chấp nỗi lo lạm phát
Nhật Bản sở hữu một mỏ “vàng quý” ngay trên đường và đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế.
- 18-03-2024Goldman Sachs nhận định BOJ có thể sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm sau 17 năm vào ngày mai: Dự kiến khiến thị trường tài chính ‘rung chuyển’, đồng Yên biến động
- 18-03-2024Nền kinh tế số 2 thế giới công bố báo cáo quan trọng, hàng loạt lĩnh vực tăng trưởng vượt kỳ vọng, hé lộ dữ liệu mới về tình hình BĐS
- 17-03-2024Lạm phát và hoa anh đào: Những tác động khiến việc ngắm quốc hoa của nước Nhật đang thay đổi, người dân “tính nhẩm” từng đồng
Hoa anh đào là loài hoa đặc trưng của Nhật Bản. Phong tục ngắm hoa anh đào (hanami) không chỉ là truyền thống của người Nhật trong nhiều thế kỷ mà còn đang được rất nhiều khách du lịch trên thế giới ưa chuộng. Đây cũng là cơ hội để bạn bè, gia đình tụ tập, trò chuyện và vui chơi - đồng thời thúc đẩy nền kinh tế.
Theo Katsuhiro Miyamoto, giáo sư danh dự tại Đại học Kansai ở tỉnh Osaka, trong năm nay, tác động kinh tế của hanami ước tính vào khoảng 1,14 nghìn tỷ Yên (7,7 tỷ USD), gần gấp đôi so với 616 tỷ Yên của năm ngoái.
Miyamoto cho biết: “Hanami, truyền thống thưởng thức hoa anh đào đã trở thành một sự kiện toàn quốc từ lâu ở Nhật Bản. Hoa anh đào giờ đây đã trở thành tài sản du lịch và thu hút rất nhiều du khách nước ngoài”.
Theo đó, tác động kinh tế nhiều hơn trong năm nay một phần là nhờ các hạn chế như cấm tụ tập, tiệc tùng đã bị dỡ bỏ kể từ khi chính phủ hạ mức độ lây lan của dịch Covid-19 xuống ngang bằng với bệnh cúm theo mùa vào tháng 5/2023. Năm nay, dự kiến số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản để ngắm hoa anh đào sẽ tăng 32%.
Giáo sư Miyamoto cũng chỉ ra các yếu tố khác góp phần thúc đẩy lợi ích kinh tế của hoạt động hanami là giá các sản phẩm tăng cao, bao gồm cả đồ lưu niệm trong khi đồng yên lại giảm giá.
Chi tiêu bình quân đầu người hàng ngày của du khách nước ngoài ước tính là 30.286 yên, tăng so với mức 28.580 yên của năm ngoái, do đồng tiền Nhật Bản yếu hơn.
Dựa trên ước tính của công ty du lịch JTB cho năm 2024, khoảng 3,73 triệu lượt khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ đến thăm Nhật Bản trong mùa hanami - từ cuối tháng 3 ở khu vực phía Nam Kyushu đến đầu tháng 5 ở Hokkaido.
Khi mùa hanami đến gần, các công ty du lịch đã nhận được nhiều lượt đặt chỗ từ du khách mong muốn đến thăm Nhật Bản. All Japan Tours, một công ty có trụ sở tại California và chủ yếu phục vụ khách hàng từ châu Âu và Mỹ, báo cáo lợi nhuận tăng 300% so với mức trước đại dịch.
“Với việc Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại, thủ tục đặt chỗ của chúng tôi đã được sắp xếp hợp lý. Do đó, các tour du lịch theo nhóm của chúng tôi đang có nhu cầu tăng cao, trong khi lượng đặt tour riêng đã full,” ông Kiyoshi Katsume, đại diện của All Japan Tours cho biết.
Tuy nhiên, không phải công ty du lịch nào cũng hoạt động tốt. Hankyu Travel, đơn vị cung cấp các tour du lịch cho du khách nội địa, cho biết lượng khách đã giảm tới 70% so với năm ngoái. Điều này là do du khách chọn đi ra nước ngoài trong thời kỳ hậu đại dịch.
Trong những năm gần đây, một số khách du lịch đã chọn đặt các chuyến tham quan do hướng dẫn viên tổ chức trên các nền tảng như Airbnb và Klook thay vì đặt qua các công ty du lịch vì có nhiều lựa chọn hơn và với mức giá thấp hơn.
Ngoài ra, Akira Harigae, một nhiếp ảnh gia ở Tokyo, người tổ chức các chuyến tham quan chụp ảnh chủ yếu cho du khách nước ngoài, đã nhận thấy sự gia tăng các yêu cầu liên quan đến chụp ảnh chủ đề hoa anh đào.
Mặc dù anh thường chụp ảnh hoa anh đào ở Vườn Quốc gia Shinjuku Gyoen và Công viên Yoyogi, nhưng anh cũng yêu thích những địa điểm khác. “Có một số khu vực nhỏ ở quận Shinjuku, tôi gọi nó là phố Yodobashi, đó là một địa điểm có hoa anh đào đẹp,” Harigae nói.
Tham khảo Japan Times
Nhịp sống thị trường