MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

So kè dịch vụ giao đồ ăn của Now, GoFood và GrabFood

02-08-2019 - 18:03 PM | Doanh nghiệp

Trong khi giá cước của GrabFood và GoFood khá ổn định ở các khu vực thì giá cước của Now thay đổi linh hoạt tùy theo khu vực và thời điểm gọi món.

Thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam cũng như trong khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ. Một nghiên cứu mới đây của GCOMM tại Việt Nam cho thấy, tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao với 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng. Đáng chú ý, có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng khá thường xuyên 2-3 lần/tuần. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này tại Việt Nam.

Không chỉ sôi động hơn, thị trường giao nhận đồ ăn tại Việt Nam hầu như đang rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại và là cuộc cạnh tranh khốc liệt của 3 cái tên đầu bảng là Now, GoFood và GrabFood.

So giá cước Now, GoFood, GrabFood

So kè dịch vụ giao đồ ăn của Now, GoFood và GrabFood - Ảnh 1.

So sánh giá cước các dịch vụ giao nhận đồ ăn từ cùng một địa điểm.

Ngoại trừ Now chỉ phát triển riêng trong lĩnh vực gọi món trực tuyến và giao nhận đồ ăn, cả GoFood, GrabFood đều là các dịch vụ được tích hợp trên nền tảng ứng dụng gọi xe. Một so sánh cho thấy mức giá cước cho các chuyến GoFood và GrabFood khá ổn định trong khi giá cước của Now thay đổi.

Cụ thể, dịch vụ GrabFood có giá 15.000 đồng/2km đầu tiên và 5.000 đồng/km tiếp theo. Nếu thay đổi lộ trình, khách hàng sẽ phải thêm phụ phí 5.000 đồng/km. Mức phí này tính chung cho tất cả các khu vực tại Hà Nội hoặc TP.HCM.

So kè dịch vụ giao đồ ăn của Now, GoFood và GrabFood - Ảnh 2.
Đối với dịch vụ giao nhận đồ ăn GoFood, ứng dụng GoViet tính giá trung bình 20.000 đồng/2km đầu tiên (trong đó có 10.000 phụ thu). Từ km thứ 3 trở đi mức giá cước là 3.000 đồng/km.


So kè dịch vụ giao đồ ăn của Now, GoFood và GrabFood - Ảnh 3.

Trong khi đó, Now chỉ đặt ra mức cước tối thiểu cho một đơn hàng là 15.000 đồng đối và mức giá thay đổi linh hoạt tùy theo khung giờ, địa điểm. Do đó, mức giá đắt/rẻ phụ thuộc vào từng thời điểm và khu vực giao/nhận đồ ăn của khách hàng.


Với cách tính này, giá cước khi đặt đồ ăn qua ứng dụng Now ở các khu vực trung tâm hoặc vào giờ cao điểm có giá cước cao hơn hẳn so với Grab hay GoViet. Bù lại, các khách hàng sử dụng dịch vụ này lại liên tục được nhận những mã khuyến mại giảm giá cước giao đồ ăn.

Ứng dụng gọi đồ ăn cạnh tranh bằng gì?


Giá cước không phải là vấn đề lớn đối với dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến. Nghiên cứu công bố đầu năm nay của GCOMM cũng chỉ ra 5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).


Với ưu thế về lượng đối tác tài xế đông đảo, chỉ sau hơn 1 năm ra mắt tại Việt Nam, GrabFood phát triển mạnh mẽ. Theo một công bố mới đây của Grab, mảng dịch vụ GrabFood tăng trưởng gấp 250 lần sau một năm ra mắt và trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Tốc độ này cũng đưa Grab vượt qua Now, dẫn đầu thị trường đồ ăn dù "sinh sau đẻ muộn".


Dù vậy, Now - ứng dụng được xem là đi tiên phong khai phá thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam cũng có những ưu thế riêng. Now có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2016 và có một hệ sinh thái khá hoàn chỉnh về lĩnh vực giao nhận và đặt món trực tuyến. Ứng dụng này đã phát triển được hệ thống đối tác nhà hàng khá dày đặc và liên tục mang đến những chiến dịch khuyến mại cho khách hàng.


Theo D.V

ICT News

Trở lên trên