So kè siêu du thuyền của các tỷ phú: Du thuyền hơn 11 nghìn tỷ đồng của Jeff Bezos dài hơn 120 mét, chiếc của Larry Ellison có thang máy, phòng gym
Du thuyền của tỷ phú giàu thứ hai thế giới Jeff Bezos to đến mức cần tháo dỡ cây cầu lịch sử để đi qua.
- 02-03-2022Mua tặng vợ được hai tháng, Tống Đông Khuê bán Mercedes-Maybach S 450 với giá gần 6 tỷ đồng
- 02-03-2022Sốc: Tàu chở gia tài khổng lồ 4.000 siêu xe Lamborghini, Porsche, Bentley... đã chìm xuống biển sâu
- 28-02-2022Kim Kardashian mua máy bay 95 triệu USD cùng hãng với tỷ phú Jeff Bezos
Theo cây viết của Gentlemen's Journal, những người đàn ông có tiền đều thích vung tiền trên những con tàu vượt biển khổng lồ.
Bên cạnh đó, học giả người Anh Emma Spence đã dành sáu năm để nghiên cứu những con thuyền xa hoa của các tỷ phú. Khác máy bay phản lực tư nhân, siêu du thuyền không phải là phương tiện vận tải hữu ích. Thay vào đó, điều khiến một chiếc du thuyền trở nên đáng mơ ước là nó "cho phép giới siêu giàu thể hiện địa vị giàu có của họ".
Siêu du thuyền được định nghĩa là những chiếc thuyền có thân dài hơn 24 mét ở mực nước và cần có một thủy thủ đoàn chuyên nghiệp để vận hành. Với chi phí bảo trì và vận hành cơ bản hàng năm dự kiến bằng 10% giá mua ban đầu, quyền sở hữu những siêu du thuyền này thường nằm trong tay các triệu phú và tỷ phú.
Siêu du thuyền dài hơn 120 mét của tỷ phú Jeff Bezos
Tỷ phú Jeff Bezos đang chế tạo siêu du thuyền, được coi là du thuyền buồm lớn nhất thế giới khi nó ra mắt vào mùa hè này. Đồng thời nó sẽ giữ danh hiệu siêu du thuyền lớn nhất từng được chế tạo ở Hà Lan, "thủ đô đóng thuyền không chính thức" cho những người rất giàu có.
Siêu du thuyền của Jeff Bezos gây chú ý lần đầu tiên vào năm 2021. Khi đó, nhà báo người Mỹ Brad Stone tiết lộ trong cuốn "Amazon Unbound" rằng tỷ phú Jeff Bezos đã đặt một chiếc du thuyền tùy chỉnh, dài 127 mét từ công ty đóng tàu Oceanco của Hà Lan.
Siêu du thuyền trị giá hơn 11 nghìn tỷ đồng của Jeff Bezos, Y721, vẫn đang được đóng ở Rotterdam, Hà Lan.
Tuy nhiên khi được hoàn thành, Y721 được dự đoán là du thuyền buồm lớn nhất thế giới, đánh bại du thuyền của các tỷ phú khác như đồng sáng lập Google Sergey Brin, đồng sáng lập Oracle - Larry Ellison, ông trùm truyền thông và chủ sở hữu tạp chí People - Barry Diller về quy mô.
Y721 có ba boong, trong đó một boong có bể bơi, và ba cột buồm khổng lồ. Tuy nhiên, Y721 sẽ tiêu tốn khoảng 570 tỷ đồng/năm để hoạt động. Du thuyền có không gian cho 18 khách và yêu cầu phi hành đoàn 40 người. Bên trong, nó được cho là mô phỏng theo du thuyền của Barry Diller.
Du thuyền mới của Jeff Bezos sẽ có nhiều điểm tốt làm hài lòng bạn gái Lauren Sanchez.
Sự cồng kềnh của cánh buồm của du thuyền sẽ khiến cho việc hạ cánh trực thăng lên du thuyền không an toàn, vì vậy Bezos đã điều một chiếc du thuyền hỗ trợ được trang bị sân bay trực thăng để đi cùng. New York Post cho biết điều này làm hài lòng bạn gái Lauren Sanchez vì cô thích lái trực thăng khi đi hẹn hò.
"Nó sẽ đẹp lắm... Nó được làm bởi Oceanco, công ty xây dựng lớn nhất và giỏi nhất ở Hà Lan", nhà môi giới du thuyền Russell Crump cho biết.
Du thuyền dài hơn 120 mét của tỷ phú Jeff Bezos dự kiến hạ thủy vào mùa hè này.
Ngay cả khi không có cột buồm, du thuyền của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos được cho là cao gần 40 mét. Điều này đồng nghĩa với việc Oceanco sẽ phải tạm thời tháo dỡ Cầu Konigshaven (người dân địa phương còn gọi là Cầu De Hef) để cho phép du thuyền đi qua. Con đường duy nhất để Y721 ra biển là qua cảng Rotterdam.
Tuy nhiên, thông tin dỡ cây cầu 140 tuổi De Hef để du thuyền của Jeff Bezos đi qua đã gây nên tranh cãi. Nhiều cư dân Rotterdam tỏ ra tức giận và phản đối việc tháo dỡ. Công ty đóng tàu Oceanco đã thuyết phục thành phố tháo dỡ một phần của cây cầu. Người phát ngôn của thị trưởng Rotterdam cũng xác nhận rằng Jeff Bezos sẽ trả tiền cho việc tháo dỡ và xây dựng lại cây cầu.
Cầu De Hef đã được công nhận là di tích lịch sử.
Siêu du thuyền nhiều tiện nghi của nhà đồng sáng lập Google
Sergey Brin sở hữu du thuyền trị giá hơn 1,8 nghìn tỷ đồng có tên Dragonfly. Nó dài hơn 73 mét và có rạp chiếu phim ngoài trời, bể sục và boong tắm nắng có thể chuyển đổi thành sàn nhảy. Du thuyền có khả năng tiếp đón 14 hành khách cùng phi hành đoàn 16 người.
Dragonfly được đóng tại Úc bởi SilverYachts và được bàn giao vào năm 2009. Được chế tạo từ nhôm, Dragonfly được coi là siêu du thuyền trên mặt nước phong cách và hiệu quả nhất. Du thuyền của Sergey Brin cần gần 160 tỷ đồng một năm để vận hành.
Dragonfly được ca ngợi là siêu du thuyền tầm xa nhanh nhất ở tốc độ 22 hải lý/giờ. Ngoài ra, nó được đánh giá là siêu du thuyền tiết kiệm nhiên liệu nhất với mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ 360 lít/giờ ở tốc độ 18 hải lý/giờ. Trong chuyến hành trình từ Perth đến Dubai ngay sau khi được xây dựng, con thuyền đã lập kỷ lục về tốc độ và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Du thuyền được hoan nghênh vì đóng góp vào nỗ lực cứu trợ thiên tai ở Vanuatu sau cơn bão Pam đã tàn phá hòn đảo vào năm 2015. Theo báo cáo, phi hành đoàn đã chuyển 62 tấn nước ngọt vào bờ, điều trị cho hơn 250 bệnh nhân, hỗ trợ sơ tán y tế 3 lần, xây dựng các khu trú ẩn ở nhiều ngôi làng và dọn dẹp nhiều bãi đáp trực thăng.
Du thuyền Dragonfly thuộc sở hữu của nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin.
Tỷ phú công nghệ Larry Ellison cùng siêu du thuyền phong cách Nhật Bản
Siêu du thuyền Musashi trị giá hơn 3,6 nghìn tỷ đồng của Larry Ellison có độ dài gần 90 mét. Được đặt theo tên một chiến binh samurai huyền thoại, Musashi mang đến sự tổng hợp đầy cảm hứng giữa các yếu tố phong cách trang trí nghệ thuật và thiết kế Nhật Bản.
Du thuyền của tỷ phú Larry Ellison được đóng vào năm 2011. Là siêu du thuyền hạng sang được thiết kế dành cho giới siêu giàu nên không thiếu những tiện nghi nổi bật. Nó có các tiện ích như thang máy, phòng spa, hồ bơi, phòng tập thể dục ngoài trời và rạp chiếu phim.
Ngoài ra, Musashi được trang bị điều hòa không khí trên toàn du thuyền và tích hợp bộ ổn định để giữ siêu du thuyền luôn ổn định và an toàn cho Larry Ellison và những vị khách.
Một tính năng chính là thang máy trung tâm bằng kính được bao bọc bởi thép không gỉ và kính, xuyên qua mọi boong của du thuyền. Các bậc thang được làm từ ba lớp thủy tinh. Bên cạnh đó, vỏ thuyền được làm bằng thép và cấu trúc thượng tầng được làm bằng nhôm, sàn được lát bằng gỗ tếch. Musashi tốn ít nhất 228 tỷ đồng một năm để vận hành.
Nội thất siêu du thuyền của tỷ phú Larry Ellison được thiết kế bởi Sinot Exclusive Yacht Design, công ty chịu trách nhiệm tạo ra nội thất đẹp và độc đáo cho các siêu du thuyền trên toàn cầu.
Musashi có thể chứa tối đa 18-20 khách và 24 thành viên thủy thủ đoàn để đáp ứng nhu cầu của tàu và khách.
Chiếc siêu du thuyền sở hữu cả rạp chiếu phim, đóng vai trò là ngôi nhà nổi thứ cấp trên vùng biển xanh như pha lê của Pháp.
Ông trùm truyền thông Barry Diller và siêu du thuyền đắt đỏ
Barry Diller sở hữu chiếc du thuyền có tên Eos lớn hơn cả 2 mẫu của Sergey Brin và Larry Ellison. Con thuyền dài hơn 92 mét tốn hơn 4,5 nghìn tỷ đồng để làm.
Các cột buồm được xây dựng ở độ cao tối đa có thể theo tiêu chuẩn quốc tế (61 mét) để du thuyền có thể đi qua các cây cầu trên khắp thế giới. Siêu du thuyền có hồ bơi ở boong trên cùng.
Sau khi Eos được hoàn thành, nó đã vượt qua Athena để trở thành du thuyền buồm lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Eos được đóng tại Đức bởi nhà máy Lürssen và mất hơn 3 năm để hoàn thành. Nhà giàn do Rondal/Huisman cung cấp, Bill Langan hoàn thiện thiết kế bên ngoài.
Nội thất Eos được thực hiện bởi nhà thiết kế quá cố François Catroux, người được Vanity Fair gọi là "nhà thiết kế nội thất yêu thích của giới siêu giàu" vào năm 2016. Những hình ảnh về nội thất của Eos cho thấy không gian được bài trí trang nhã và sang trọng.
Kiến trúc hải quân do xưởng đóng tàu hoàn thiện. Đặc biệt, hình đầu của vợ Barry Diller - nhà thiết kế thời trang Diane von Fürstenberg - do nhà điêu khắc Ánh Dương sáng tạo.
Khi Barry Diller và vợ mua nó vào năm 2009, con thuyền là du thuyền buồm tư nhân lớn nhất thế giới. Du thuyền buồm đã tiếp đón nhóm bạn toàn ngôi sao của vợ chồng nhà Diller, bao gồm Andy Cohen, Gayle King, Bradley Cooper, Harry Styles và Karlie Kloss. Eos tốn gần 160 tỷ đồng một năm để vận hành.
Chiếc du thuyền Eos của Chủ tịch IAC Barry Diller.
Theo New York Post