MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số lượng ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu tăng kỷ lục gần 300.000 trong 24 giờ qua

02-08-2020 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Theo CNBC, khoảng hơn nửa trong tổng số 292.527 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày thứ Năm đến từ khu vực Nam Mỹ, tức tương đương 171.946 ca.

Trong vòng 24 tiếng qua, khoảng gần 300.000 ca nhiễm Covid-19 mới trên khắp toàn cầu được báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là ngày mà số lượng ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh nhất từ khi dịch bắt đầu.

Theo CNBC, khoảng hơn nửa trong tổng số 292.527 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày thứ Năm đến từ khu vực Nam Mỹ, tức tương đương 171.946 ca, theo số liệu từ WHO. Số lượng ca nhiễm mới Covid-19 tại Đông Nam Á cao thứ 2, tổng số ca nhiễm mới là 60.113 ca. Sau đó đến châu Âu với 25.241 ca, theo tính toán của WHO.

Tính chung trên toàn cầu, virus Covid-19 đã lây lan ra khoảng 17 triệu người và cướp đi sinh mạng của ít nhất 668.910 người tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu 7 tháng trước đây.

Nước Mỹ có tình trạng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất thế giới, Mỹ hiện có hơn 4 triệu ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 152.075 ca tử vong, theo số liệu của đại học John Hopkins. Vào ngày thứ Năm tuần vừa rồi, số lượng các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng hơn 67.000, đáng nói điều này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi số lượng ca nhiễm Covid-19 mới trong 1 ngày tại Mỹ vượt mức 70.000 lần đầu tiên trong 1 tuần.

Trong tuần trước, quan chức WHO cảnh báo rằng sẽ không thể trở lại trạng thái bình thường cũ khi mà đại dịch Covid-19 lây lan ngày một mạnh hơn tại Mỹ cũng như tại nhiều nước nghèo hơn.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói: "Thực ra cũng hoàn toàn dễ hiểu khi mà ai cũng muốn tiếp tục cuộc sống, tuy nhiên chúng ta sẽ không trở lại trạng thái bình thường cũ". Dù rằng số lượng ca nhiễm tại Mỹ và nhiều khu vực khác trên thế giới tăng, vẫn còn cơ hội kiểm soát được virus, tổng giám đốc WHO khẳng định.

WHO khuyến cáo người dân đeo khẩu trang như cách để chặn sự lây lan của virus Covid-19. Nhiều nhà khoa học cho rằng virus có thể lây lan qua các giọt bắn khí thở khi một người có chứa virus ho hoặc hắt xì hơi. Theo nhiều nghiên cứu, khẩu trang có thể coi như cách hiệu quả để ngăn tình trạng lây nhiễm Covid-19 lan mạnh.

WHO khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách với người khác và tránh đến nơi đông người. Nếu ai đó bị ho, sốt và khó thở, người đó cần đến trợ giúp y tế, tuy nhiên trước đó cần phải gọi điện thoại đến nhà chức trách và làm theo hướng dẫn của giới chức y tế địa phương.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh lây nhiễm của Mỹ, ông Anthony Fauci, nói rằng virus lây lan mạnh đến nỗi nó sẽ khó mà sớm biến mất.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Bệnh lây nhiễm và dị ứng Mỹ, ông Fauci, khẳng định: "Tôi không tin virus sẽ biến mất bởi nó là loại virus có khả năng lây nhiễm cao". Tuy nhiên trước đây chính ông cũng từng nói rằng cũng có thể các nhà hoạch định chính sách và giới chức y tế có thể đưa bệnh dịch này vào tầm kiểm soát.

Theo bài đăng mới đây của báo Nikkei, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ vẫn cao trong những tháng tới khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn còn chật vật trong đại dịch.

Covid-19 đang gây ra những tác động nặng nề lên thị trường lao động châu Á – Thái Bình Dương.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore tăng lên mức 2,9% trong tháng 6/2020, cao hơn đáng kể so với con số 2,4% của tháng 3, theo số liệu quý công bố vào ngày thứ Tư.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore đang leo lên ngưỡng cao nhất tính từ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, điều đó phản ánh cho tác động của đại dịch Covid-19 lên khắp khu vực này.

Theo bài đăng mới đây của báo Nikkei, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ vẫn cao trong những tháng tới khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn phải chật vật trong đại dịch.

Bộ Nhân lực Singapore nói trong tuyên bố mới đây: "Tình hình của ngành du lịch và các ngành liên quan vẫn vô cùng khó khăn. Các biện pháp quản lý an toàn ngăn Covid-19 sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành khác. Tuy nhiên, thị trường lao động có thể sẽ vẫn khó khăn kéo dài khi mà tốc độ tuyển dụng chậm lại và áp lực lên các công ty ngày một lớn hơn".

Nhiều nền kinh tế khác trong khu vực cũng công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 6/2020 tăng cao hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hồng Kông tăng lên mức 6,2% từ mức 5,9% của tháng 5/2020, vượt qua ngưỡng 5,5% trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Macao cũng lên ngưỡng 2,5% trong tháng 6/2020, cao hơn so với ngưỡng 2,4% của tháng 5/2020.

Số liệu về thị trường việc làm của Nhật dự kiến sẽ công bố vào sáng ngày thứ Sáu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật tháng 5/2020 duy trì ở mức cao nhất trong 3 năm là 2,9%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật cao nhất trong nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi, thực tế này cho thấy nhóm người lao động trẻ tuổi chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Malaysia bắt đầu tăng từ tháng 2/2020 và lên ngưỡng 5,4% trong tháng 5/2020.

Trong một báo cáo công bố vào đầu tháng này, các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UOB của Singapore cho rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Malaysia tăng chậm hơn trong quá trình phục hồi và rồi cuối cùng sẽ ổn định trong khoảng từ 4% đến 5%, vẫn ở trên ngưỡng trước đại dịch từ 3,2% đến 3,3% khi mà doanh nghiệp chậm thích nghi trong môi trường hậu khủng hoảng.

Một lượng lớn việc làm đang bị cướp đi trên khắp thế giới.

Báo cáo công bố ngày 30/6/2020 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho thấy so với quý cuối năm 2019, số lượng giờ làm việc của người lao động giảm trong quý 2/2020. Tỷ lệ việc làm sụt giảm lên đến 13,5% trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tương đương với khoảng 235 triệu việc làm mất đi.

Cũng theo ILO, kể cả tính từ cuối năm 2020, sẽ còn rất lâu thị trường việc làm mới hồi phục.

Theo Trung Mến

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên