Số phận tiền điện tử ra sao khi chủ nhân qua đời?
Mười năm trước, Bitcoin trị giá vài trăm USD nhưng vào mùa thu năm ngoái, nó đã đạt mức cao kỷ lục 68.000 USD. Với giá trị tăng đột biến như vậy, nhiều người sở hữu tài sản số, tiền điện tử đang tìm cách giúp người thân có thể nhận lại khối tài sản sau khi mình chẳng may qua đời.
- 02-04-2022Top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số
- 02-04-2022Chính phủ đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025
- 02-04-2022Chủ tịch MK Group và hành trình kỳ diệu của 60 triệu căn cước công dân mang ‘trái tim Việt Nam’
Sau khi rời vị trí phó chủ tịch Amazon Web Service, bà Sandy Carter bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào thị trường tiền mã hóa. Bà bị thu hút bởi các loại tiền số và NFT khác nhau. Carter thậm chí chi hàng nghìn USD để sở hữu bộ sưu tập NFT Lazy Lion. Tuy nhiên, bà luôn quan tâm đến việc liệu khối tài sản tiền mã hóa sẽ đi về đâu khi bà chết.
Chia sẻ với Vox, bà Carter nói: "Làm sao tôi có thể định trước kế hoạch tương lai, khi khối tài sản ấy chỉ là những con số trên chuỗi blockchain và hoàn toàn bất biến".
Bà Carter không phải người duy nhất lo lắng về vấn đề thừa kế tiền mã hóa. Theo Vox, khoảng 16% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã từng đầu tư vào tiền điện tử. Các quảng cáo về tài sản số dường như có mặt ở khắp mọi nơi, từ chiến dịch quảng cáo của Super Bowl đến những lời kêu gọi đầu tư của người nổi tiếng trên Instagram.
Tiền điện tử được xem là một thứ gì đó rất mới và thú vị. Vì vậy, mọi người muốn tham gia sớm, đón đầu xu hướng, làn sóng đầu tư tiếp theo. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như chưa thực sự suy nghĩ về những gì có thể xảy ra với tài sản kỹ thuật số trong trường hợp họ qua đời.
Đây là một tin xấu đối với nhiều người vì hiện tại không có cách nào để có thể chuyển đổi tài sản số cho những người thân. Nếu không có kế hoạch, các nhà đầu tư tiền điện tử có thể qua đời và khiến những người thừa kế không có cách nào lấy lại được.
Bản chất của tiền điện tử khiến việc chuyển giao trở nên phức tạp. Tiền điện tử thường được lưu trữ trên blockchain, một sổ cái kỹ thuật số được hình thành bởi một mạng lưới máy tính trên khắp thế giới ghi lại các giao dịch, bao gồm cả việc trao đổi tiền điện tử.
Mọi người thường thực hiện các giao dịch này bằng cách sử dụng khóa công khai và riêng tư. Khóa công khai hoạt động giống như số tài khoản ngân hàng và đóng vai trò như một địa chỉ mà bạn có thể sử dụng để gửi tiền điện tử cho người khác.
Khóa cá nhân hoạt động giống như mật khẩu và được tạo từ các chuỗi ký tự cực dài, độc đáo để mở khóa tiền điện tử của bạn. Tuy nhiên, không giống như các loại mật khẩu khác, không thể khôi phục các khóa mật mã riêng tư sau khi chúng bị mất hoặc bị quên. Điều đó có nghĩa là nếu không có những chìa khóa đó, những người được quyền thừa kế tiền điện tử của người thân yêu của họ sẽ không thể lấy được.
Bởi vì không có cách chính thức để chuyển giao tiền điện tử, các nhà đầu tư đang nghĩ ra các giao thức đôi khi kỳ lạ để đảm bảo rằng những người thừa kế của họ sẽ nhận được tài sản kỹ thuật số của họ.
Điều gì xảy ra với tiền điện tử sau khi bạn chết?
Về mặt kỹ thuật, sẽ chẳng có gì xảy ra với tài sản của bạn nếu bạn chẳng may qua đời. Tiền điện tử được lưu trữ trên blockchain, do đó, loại hình tài sản này được tồn tại bất biến dù chủ sở hữu còn sống hay đã chết.
Để những người thân, người được thừa kế tiếp nhận tài sản này, con cháu của họ phải biết cách truy cập. Nhiều nhà đầu tư quyết định dùng cách truyền thống, viết mã khóa vào tờ giấy và để ở nơi mà người thân trong gia đình có thể tìm thấy được.
Ngoài ra, các chủ sở hữu tiền điện tử khác lại sử dụng các nền tảng giúp người dùng giao dịch tiền số trực tuyến như Binance hay Coinbase. Những sàn giao dịch này sẽ giao lại tài sản của nhà đầu tư cho người thân nếu chứng minh được quyền thừa hưởng theo pháp luật, tương tự như ngân hàng truyền thống.
Tuy nhiên, một số người khác không thích những sàn giao dịch này, họ không thích ý tưởng nhường quyền kiểm soát tiền điện tử của họ cho bên thứ ba. Bởi vì cả hai cách tiếp cận này đều không lý tưởng, một số người thậm chí đã chuyển sang các công ty khởi nghiệp dành riêng cho việc kế thừa tiền điện tử như Safe Haven, Casa.
Những doanh nghiệp này cho phép mọi người dùng nhiều lớp mã khóa khác nhau để khóa tiền điện tử của mình, sau đó có thể phân tán cho một số người khác nhau. Mặc dù việc kế thừa tiền điện tử sẽ trở nên dễ dàng hơn, công nghệ này lại yêu cầu nhiều quy trình phức tạp.
Ông Rudy Steenhoek, một nhà quản lý về thông tin ở Hà Lan, đang sử dụng một cách khác gọi là "công tắc của người chết". Ông Steenhoek đưa cho vợ một chiếc ổ cứng với một loại chìa khóa đặc biệt. Nếu người vợ sử dụng chìa khóa này, ông Steenhoek sẽ nhận được thông báo. Nếu ông không trả lời thông báo đó trong một khoảng thời gian nhất định, công nghệ này sẽ hiểu rằng người sở hữu đã qua đời hoặc mất khả năng lao động và người vợ sẽ có toàn quyền sử dụng số tài sản đó.
Mặc dù có nhiều cách làm và cách tiếp cận khác nhau nhưng tất cả đều cố gắng để bảo vệ tài sản của người qua đời và trao lại cho người thân của họ. Nếu không có nơi lưu trữ, không có mật khẩu, các gia đình phải tự tìm kiếm, có thể sẽ mất đến vài năm hoặc vĩnh viễn không mở được tài sản số
Nhiều gia đình đã để mất khối tài sản khổng lồ vì không tìm được mã khóa người thân để lại. Một người đàn ông tên Michael Moody đã không thể mở khóa ví Bitcoin của người con Matthew Moody mất trong vụ tai nạn máy bay ở California. Trước đó, Matthew Moody là một thợ đào Bitcoin lâu năm. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tiền mã hóa mà anh sở hữu sẽ rất có giá trị ở thời điểm hiện tại.
Câu chuyện tương tự xảy ra với Matthew Mellon, một doanh nhân người Mỹ sở hữu 193 triệu USD đồng XRP. Tuy nhiên, nhóm luật sư của ông không thể truy cập vào khối tài sản này vì mã khóa đã bị thất lạc ở Mỹ lúc Matthew còn sống. Tình cờ nền tảng quản lý XRP lại sẵn lòng mở khóa từng chút một cho Matthew Mellon nên nhóm luật sư sau đó đã lấy lại được khối tài sản này. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể áp dụng với các nền tảng khác như Bitcoin hay Ethereum.
Quyền thừa kế đang thách thức các đặc tính tự do của tiền điện tử
Về mặt lý thuyết, tài sản số, tiền điện tử được sở hữu duy nhất bởi người có mật khẩu. Do vậy, bạn là kiểm soát tài sản của mình, không cần phải dựa vào bất kỳ tổ chức tài chính nào để truy cập tiền của mình. Đó là lý do tại sao một số nhà đầu tư tiền điện tử nói rằng họ là ngân hàng của riêng họ, "tự chủ" về tài sản.
Không có giải pháp hoàn hảo cho việc kế thừa tài sản, bất kỳ ai sở hữu tiền điện tử đều có thể gặp phải vấn đề khi chuyển giao tiền điện tử nếu họ không lập kế hoạch. Đồng thời, việc mọi người tìm cách thừa kế tiền điện tử là một dấu hiệu khác cho thấy tiền điện tử, tài sản số đang dần trở thành một phần quan trọng của ngành tài chính.
Nguồn: Vox