SỔ TAY: Khai thác triệt để nguồn lợi từ nhà, đất
Lần đầu tiên, TP HCM công bố thu ngân sách vượt qua 500.000 tỉ đồng. Con số trên thuyết phục hơn bất cứ dẫn chứng nào khi "định nghĩa" về đầu tàu kinh tế TP HCM.
- 16-12-2024Quận ở Hà Nội thu ngân sách gần 22.000 tỷ đồng/năm sẽ trở thành trung tâm tài chính
- 06-12-2024Quảng Ngãi vượt kế hoạch thu ngân sách
- 06-12-2024Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
Nguồn thu lớn, TP HCM không chỉ thực hiện được các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của riêng mình mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Điều này cũng gián tiếp thúc đẩy kinh tế của các địa phương khác, nhất là các địa phương lân cận khi vận hành kinh tế liên vùng.
Là vùng đất sôi động, mạnh mẽ, thu hút đầu tư cao nên giá trị đất đai tại TP HCM cũng thuộc "đỉnh" của cả nước. Nguồn lực này đã và đang được khai thác hiệu quả nhưng muốn mang lại nguồn lợi lớn hơn buộc phải giám sát lại toàn bộ và khai thác tối đa nguồn nhà đất còn bỏ trống.
Không nói đâu xa, ngay trong cuộc họp HĐND diễn ra tuần qua, vấn đề này đã được đặt ra với số liệu cụ thể: Còn hơn 13.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công cần sắp xếp, hơn 1.000 nhà đất bỏ trống, sử dụng chưa hiệu quả.
Những tồn tại trên là hậu quả của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng trong thời gian qua và sự chồng chéo về mặt quản lý khi nhiều quy định liên quan chưa được hoàn thiện. Chúng cần thời gian sắp xếp, phân loại và có phương án xử lý để mang lại hiệu quả cao nhất cho giai đoạn phát triển mới của thành phố.
Không hẹn mà gặp, vấn đề quản lý tài sản công mà đại biểu đặt ra cũng chính là vấn đề mà lãnh đạo thành phố đang trăn trở và đã lập kế hoạch sử dụng. Con số tài sản trên cũng chỉ chiếm 5% trong tổng số tài sản công mà thành phố đang quản lý hiện nay. Tuy tỉ lệ nhỏ nhưng đã là tài sản công thì phải mang lại lợi ích cho quốc gia chứ không thể để bất cứ cá nhân nào lợi dụng.
Theo kế hoạch của UBND TP HCM, từ 1-1-2025, tổng kiểm kê tài sản công ở địa bàn thành phố trên phần mềm do Bộ Tài chính xây dựng. Kết quả kiểm kê giúp việc đánh giá quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công trên địa bàn thành phố hiệu quả hơn.
Thực ra vấn đề quản lý tài sản công được đặt ra không chỉ riêng cho TP HCM, mà đang được triển khai trên toàn quốc. Đây là chủ trương xuyên suốt và gần đây được trung ương chỉ đạo cụ thể trong các kế hoạch phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Những địa phương có giá trị đất lớn khi sử dụng đất hiệu quả sẽ là mô hình để các địa phương khác thực hiện.
Nhà, đất ở đô thị luôn tăng giá trị theo chỉ số phát triển kinh tế của địa phương. Và ngược lại, nguồn tài sản này là những tiền đề cho các ngành khác phát triển. Những nhà, đất ở trung tâm các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… luôn thu hút các nhà đầu tư mạnh. Chưa quản lý, chưa sử dụng cũng đồng nghĩa với lãng phí dù ở bất kỳ thời điểm nào.
Sau nguồn lực về con người, đất đai là tài sản lớn nhất của quốc gia từ xưa đến nay. Sử dụng tốt nguồn tài sản này chúng ta sẽ có đủ tự tin phác thảo ra những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ để phục vụ người dân.
Người lao động