MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sợ” xử lý ngân hàng yếu kém, không ít cán bộ xin thôi việc

15-05-2017 - 07:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng...

Có không ít cán bộ đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Đây là thông tin được Chính phủ nêu tại tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Hồ sơ dự án luật này đã được gửi tới Quốc hội, chuẩn bị cho việc xem xét tại kỳ họp thứ ba sẽ khai mạc sáng 22/5 tới.

Hết sức khó khăn

Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ khẳng định một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập.

Chính phủ nhìn nhận, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của tổ chức tín dụng yếu kém.

Những yếu kém căn bản chưa được giải quyết hiệu quả đối với các ngân hàng thương mại yếu kém đã được mua bắt buộc, như quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này hiện rất lớn. Việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể.

Theo Chính phủ, việc khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, các nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc) khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Và trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý.

Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Để xử lý các vướng mắc, gồm cả các vấn đề nêu trên thì việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém là cần thiết.

Ngăn sở hữu chéo, tăng vốn ảo

Chính phủ cho biết, dự thảo luật gồm 5 điều, sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành tại Luật các tổ chức tín dụng về nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa nợ xấu mới, tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh.

Chẳng hạn, sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 điều 29 về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo đó bổ sung trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Trường hợp này, bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 6 điều 126 về các trường hợp không được cấp tín dụng, nêu rõ ”tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho khách hàng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng”.

Các quy định này được cho là nhằm minh bạch nguồn vốn góp của cổ đông, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo.

Lần sửa này cũng đã bổ sung điểm h vào khoản 1 điều 33 về trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ. Theo đó, người đã bị áp dụng biện pháp không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Ngoài ra, quy định về kiểm soát đặc biệt cũng được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm các quy định về nguồn thông tin để phát hiện tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Đồng thời bổ sung thêm một số trường hợp có thể xem xét đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt như trường hợp mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng thanh toán do mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, vi phạm pháp luật của người quản lý, người điều hành; trường hợp có kiến nghị của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc theo đề nghị của tổ chức tín dụng.

Dự thảo luật sửa đổi cũng quy định Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Thủ tướng quyết định chủ trương phục hồi, xử lý pháp nhân ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính; mức cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát, theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, trừ phương án phá sản.

Đáng chú ý là nhằm đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo luật quy định: cán bộ, công chức, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và được chuyên gia quốc tế do ADB hỗ trợ xây dựng dự thảo luật đánh giá cao, Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên