Sở Y tế Thái Bình đề nghị thanh tra việc mua máy xét nghiệm COVID-19 trị giá 5,8 tỷ đồng
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, máy xét nghiệm Sở này mua mang nhãn hiệu Cobas 4800 (của Thụy Sỹ) và có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh chứ không chỉ riêng COVID-19.
Sáng 27/4, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, Sở đã có báo cáo gửi lên Bộ Y tế về việc mua máy xét nghiệm COVID-19 sau khi Bộ có văn bản yêu cầu các địa phương mua sắm thiết bị phục vụ chiến dịch phòng chống dịch.
Đồng thời, Sở cũng có báo cáo gửi lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh về toàn bộ quá trình tổ chức đấu giá, mua sắm thiết bị.
Ngoài ra, cơ quan công an tỉnh cũng đã đến làm việc và lãnh đạo Sở Y tế đã chủ động cung cấp các tài liệu, hồ sơ liên quan mua sắm hệ thống máy xét nghiệm này.
"Hiện, Sở Y tế đang có đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các Sở, ngành liên quan vào tổ chức thanh tra việc mua sắm trang thiết bị này để có kết luận, trả lời cho dư luận, báo chí", ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, việc tổ chức lựa chọn trang thiết bị được tổ chức công khai, minh bạch, đúng quy định của Luật đấu thầu. Bên cạnh đó, đã đi tham khảo chủng loại trang thiết bị, giá thiết bị đang bán trên thị trường.
Thông tin thêm về máy xét nghiệm được mua, ông Huy cho hay, máy xét nghiệm Sở này mua là máy móc hiện đại nhất nhãn hiệu Cobas 4800 (của Thụy Sỹ) và có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh chứ không chỉ xét nghiệm riêng COVID-19.
"Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 chỉ là một tính năng tác dụng của máy này. Ngoài ra, hệ thống máy này có thể xét nghiệm khẳng định HIV, chẩn đoán ung thư sớm, virus viêm gan B...
Bên cạnh đó, máy có thể xét nghiệm 200 mẫu/ngày chứ không và thực hiện hoàn toàn tự động, kể cả với mẫu xét nghiệm HIV", ông Huy cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, trong hợp đồng ban đầu được ký, giá hệ thống máy xét nghiệm này là hơn 6,4 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (Hà Nội).
Đến ngày 15/4, sau nửa tháng đưa vào sử dụng, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các nhà thầu xem xét giảm giá nhằm ủng hộ ngành trong công tác phòng chống dịch.
Từ cơ sở đề nghị của Sở, đơn vị trúng thầu sau đó đã đàm phán với nhà sản xuất, chủ động đề xuất phương án ủng hộ trực tiếp vào việc giảm giá thành thiết bị.
"Cụ thể, đơn vị này đề xuất giảm 10% giá thành và còn hơn 5,8 tỷ đồng. Ngoài ra, họ còn hỗ trợ cho 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng và bảo hành của hãng chỉ 1 năm nhưng họ tăng thời gian bảo hành lên 5 năm.
Việc này là do nhà thầu đã chủ động trên cơ sở đề nghị ủng hộ công tác phòng chống dịch của Sở và đã thực hiện từ trước chứ không phải sau khi ầm ĩ liên quan CDC Hà Nội lên mới làm", ông Huy nêu rõ.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh, số tiền 5,8 tỷ đồng này cũng chưa được tỉnh thanh toán cho nhà thầu.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra việc lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình
Trước thông tin về việc một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình mua máy xét nghiệm giá thấp hơn rất nhiều, ông Huy cho rằng, việc so sánh như vậy khá khập khiễng và quan trọng nhất cần phải xem xét ở đây là về tính năng, tác dụng của hệ thống và hãng máy.
"Nếu máy y sì như nhau mà giá chênh lệch nhau quá nhiều thì rõ ràng có vấn đề. Còn ở đây, phải xem tính năng, tác dụng của máy, hệ thống phần mềm, kết nối ra sao.
Ngoài ra, phải xem hệ thống xét nghiệm của máy có tự động hay không, đồng thời, một ngày làm được bao nhiêu mẫu. Nếu một vài vài chục mẫu so với vài trăm mẫu/ngày có thể chênh nhau rất nhiều tiền...
Còn nếu để nắm giá chính xác nhất của thiết bị thì phải hỏi cơ quan Hải quan", ông Huy nói thêm.
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cũng tái khẳng định việc mua máy được Hội đồng thẩm định giá của tỉnh làm rất chặt chẽ, công khai và minh bạch.
Tổ Quốc