MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soán ngôi Lê Me, một công ty khác vay HAGL trên 1.200 tỷ đồng

30-08-2023 - 21:21 PM | Doanh nghiệp

Soán ngôi Lê Me, một công ty khác vay HAGL trên 1.200 tỷ đồng

Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên có nhiều giao dịch với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong đó vay ngắn hạn hơn 1.200 tỷ đồng, là “con nợ” lớn nhất của HAGL.

Nội dung chính:

  • Khoản HAGL cho công ty liên quan là Nông nghiệp Tây Nguyên vay tăng gấp đôi sau nửa năm.
  • Diện tích đất Lê Me sở hữu gần 3.150 ha tại Campuchia và Lào - thấp hơn tuyên bố trước đây của Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức.
  • Trong hai ngày 23 và 29/5/2023, HAGL đã ký hai hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh với tổng giá trị đặt cọc hơn 1.500 tỷ đồng nhằm phát triển dự án cây ăn trái.

CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HoSE: HAG) vừa công bố báo cáo bán niên hợp nhất soát xét năm 2023.

Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên đã soán ngôi Lê Me để trở thành “con nợ” lớn nhất của HAGL.

Tại thời điểm cuối quý II/2023, Nông nghiệp Tây Nguyên vay ngắn hạn HAGL 1.260 tỷ đồng với lãi suất 10,4%/năm. Số dư nợ vay ngắn hạn này đã tăng gấp hơn gấp đôi sau nửa năm. Trong báo cáo do công ty tự lập trước đó,  HAGL cho Nông nghiệp Tây Nguyên vay 627 tỷ đồng ngắn hạn và 633 tỷ đồng dài hạn. Như vậy kiểm toán báo cáo soát xét đã điều chỉnh thời hạn khoản vay dài hạn của Nông nghiệp Tây Nguyên.

Nông nghiệp Tây Nguyên là công ty liên quan của HAGL. Mối quan hệ giữa HAGL và Nông nghiệp Tây Nguyên không được chỉ rõ trong báo cáo tài chính của công ty.

Từ tháng 10/2020, HAGL và Nông nghiệp Tây Nguyên ký hợp đồng hợp tác đầu tư vào dự án trồng cây ăn trái trong ba năm. Với hợp đồng này, HAGL có khoản phải thu với Nông nghiệp Tây Nguyên trị giá 350 tỷ đồng. Đến 30/6/2023, HAGL cho biết dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ bản và chưa phát sinh doanh thu.

Ngoài cho vay và hợp tác đầu tư, HAGL cũng bán hàng cho Nông nghiệp Tây Nguyên 179 tỷ đồng trong nửa đầu năm - trong đó cho nợ 134 tỷ đồng. HAGL cũng trả trước tiền mua hàng cho Nông nghiệp Tây Nguyên 211 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023.

Tài sản thực tế của Lê Me

Cuối quý II/2023, HAGL đã xóa nợ với Lê Me, một công ty liên quan khác, và chuyển giá trị khoản nợ thành cổ phần. Nói cách khác, Lê Me từ công ty liên quan, đã trở thành công ty con của HAGL. Với nghiệp vụ này, mọi tài sản của Lê Me được hợp nhất vào báo cáo tài chính của HAGL.

Tài sản thực tế của Lê Me được chỉ rõ trong báo cáo soát xét, là gần 3.150 ha đất nông nghiệp tại Campuchia và Lào, trong đó phần lớn là ở Campuchia. Theo tuyên bố trước đây của chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức, Lê Me nắm giữ 5.000 ha đất tại Campuchia trong đó có 3.000 ha đã hoàn tất thủ tục, 2.000 ha đang làm thủ tục. Lê Me cũng dự kiến xin thêm 5.000 ha đất tại Campuchia, nâng quỹ đất lên 10.000 ha. Như vậy đất đang làm thủ tục cũng như dự kiến xin thêm không được ghi nhận trong báo cáo soát xét của công ty.

Lê Me đã từng là “con nợ” lớn nhất của HAGL. Tính đến cuối quý I/2023, HAGL cho Lê Me vay hơn 3.300 tỷ đồng (ngắn và dài hạn).

Hợp tác kinh doanh phát triển gần 4.500 ha cây ăn trái

Hiện đang sở hữu 7.000 ha chuối, 1.000 ha sầu riêng, tham vọng mở rộng diện tích cây ăn trái của HAGL vẫn chưa dừng lại.

Trong hai ngày 23 và 29/5/2023, HAGL đã ký hai hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh với tổng giá trị đặt cọc 1.520 tỷ đồng nhằm phát triển dự án cây ăn trái với tổng diện tích 4.484 ha. Với nghiệp vụ này, HAGL ghi nhận 1.520 tỷ đồng phải thu ngắn hạn - là toàn bộ giá trị đặt cọc.

Diện tích cây ăn trái được đề cập trong hai hợp đồng nói trên thuộc Lào và Gia Lai (Việt Nam).

HAGL cho biết việc hợp tác kinh doanh sẽ tiến hành vào năm 2024 và các dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026. Hợp đồng hợp tác kinh doanh không yêu cầu thành lập pháp nhân mới và lợi nhuận sẽ được phân chia dựa vào kết quả kinh doanh của các dự án.

Nửa đầu năm 2023, HAGL đạt 3.155 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2022. Công ty lãi 385 tỷ đồng sau thuế, giảm 26%.

Kiểm toán tiếp tục đưa ý kiến nhấn mạnh về tình hình hoạt động của HAGL khi khoản lỗ lũy kế của công ty đạt gần 3.000 tỷ đồng vào giữa năm 2023. Đồng thời, nợ ngắn hạn của HAGL vượt tài sản ngắn hạn 2.000 tỷ đồng.

Trong công văn giải trình, HAGL cho biết công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, vay ngân hàng, và dòng tiền từ các dự án đang triển khai.


Minh Thư

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên