Sóc Trăng triển khai việc 'chưa có tiền lệ' cho nhà thầu thi công cao tốc
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, việc giao mỏ cát cho nhà thầu thi công là "chưa có tiền lệ", do đó tỉnh vừa làm vừa nghiên cứu, không bỏ bước, không sai quy định và phối hợp chặt chẽ với nhà thầu đúng chủ trương của Chính phủ.
- 09-12-2023Tình hình kinh tế của tỉnh miền núi phía Bắc vừa được phê duyệt 2 cao tốc hơn 1 tỷ USD: Tăng trưởng GRDP năm 2023 ngang Hà Nội, một chỉ số tăng vọt
- 09-12-2023Danh mục chi tiết 41 dự án TP HCM kêu gọi đầu tư
- 09-12-2023Quảng Ninh giữ đà tăng “2 con số” làm nền tảng cho giai đoạn tới
Sáng 9/12, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát cho nhà thầu thi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 để lập hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù.
Tại buổi lễ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát, tổng diện tích trên 450 ha với trữ lượng khoảng hơn 11 triệu m3 cho các nhà thầu.
Trong đó, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường gói thầu số 11 trên 1,4 triệu m3, được giao mỏ cát diện tích 100 ha (trữ lượng phê duyệt là 3,36 triệu m3, nằm trên địa bàn xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung).
Công ty Cổ phần Hải Đăng có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường gói thầu số 10 gần 1,8 triệu m3, được giao mỏ cát diện tích 73,62 ha (trữ lượng khoảng trên 1,9 triệu m3, nằm trên địa bàn thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề và xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung).
Tổng Công ty Xây dựng số 1- CTCP, có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường của gói thầu số 12 gần 1,5 triệu m3, được giao mỏ cát diện tích 52,9 ha, trữ lượng trên 1,1 triệu m3, nằm trên địa bàn xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách và mỏ cát diện tích 167,93 ha, trữ lượng hơn 2,5 triệu m3, nằm trên địa bàn xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung.
Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5-CTCP có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường gói thầu số 09 gần 1,9 triệu m3, được giao mỏ cát diện tích 57,3ha, trữ lượng gần 2 triệu m3, nằm trên địa bàn xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung.
Các mỏ cát này nằm trên sông Hậu thuộc địa bàn các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Trần Đề (của tỉnh Sóc Trăng) giáp với tỉnh Trà Vinh.
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, việc giao mỏ cát cho nhà thầu thi công là "chưa có tiền lệ", do đó tỉnh vừa làm vừa nghiên cứu, không bỏ bước, không sai quy định và phối hợp chặt chẽ với nhà thầu đúng chủ trương của Chính phủ.
"Tôi đề nghị nhà thầu tuyệt đối đảm bảo chủ trương của Nhà nước. Trong quá trình khai thác đảm bảo an toàn, đúng chỉ định, đúng vị trí, vận chuyển, sử dụng đúng mục đích phục vụ cho từng gói thầu thuộc Dự án thành phần 4 - Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Địa phương mong muốn công trình sớm hoàn thành, đảm bảo chất lượng”, ông Lâu nhấn mạnh.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, quy mô hoàn thiện 6 làn xe, quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư, gồm dự án thành phần 1 dài hơn 57 km (tỉnh An Giang); dự án thành phần 2 dài hơn 37 km (TP. Cần Thơ); dự án thành phần 3 dài gần 37km ( tỉnh Hậu Giang); dự án thành phần 4 dài gần 57 km (tỉnh Sóc Trăng).
Ông Thạch Minh Hoài - Giám đốc Ban quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng - cho biết, đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm, áp giá với 1.811 hộ và tổ chức; phê duyệt phương án đền bù 1.806 hộ (đạt 99%); chi trả cho 1.786 hộ (đạt 99%) bị ảnh hưởng toàn dự án. Tổng diện tích đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng là 320,4/331ha diện tích thu hồi đất (đạt 97%).
Theo Ban quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, Dự án thành phần 4 - Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài 58,3 km, nhu cầu sử dụng tổng cộng khoảng 7 triệu m3, đây là khối lượng rất lớn phải huy động trong 3 năm (2023 - 2025).
Tiền Phong