MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốc với các thủ thuật "tinh quái" của tế bào ung thư: Chuyển trạng thái dễ nuôi và giả vờ biến mất...

13-01-2021 - 11:37 AM | Sống

Sốc với các thủ thuật "tinh quái" của tế bào ung thư: Chuyển trạng thái dễ nuôi và giả vờ biến mất...

Các nhà nghiên cứu từ Canada vừa phát hiện một ‘thủ thuật’ mới của tế bào ung thư, và nghiên cứu này có thể giúp cải thiện việc điều trị ung thư không hiệu quả.

Các tế bào ung thư có thể ngủ đông giống như gấu ngủ đông khi một mối đe dọa như điều trị hóa trị tấn công chúng, theo một nghiên cứu mới. Đây là chiến thuật được một số động vật sử dụng để tồn tại qua những thời kỳ khan hiếm tài nguyên.

Thông tin này được đăng tải trên báo khoa học Science Alert hôm 10.1.

Nghiên cứu tiền lâm sàng trên các tế bào ung thư đại trực tràng ở người cho thấy chúng có khả năng chuyển sang trạng thái "dung nạp thuốc" (viết tắt là DTP, hay còn gọi là quen thuốc) và "dễ nuôi" (đòi hỏi ít sự nuôi dưỡng). Điều này sẽ giúp giải thích một số thất bại trong điều trị ung thư và trong các trường hợp khối u tái phát.

Nhà nghiên cứu và bác sĩ phẫu thuật Catherine O'Brien, từ Trung tâm Ung thư Princess Margaret ở Canada, cho biết: "Khối u hoạt động giống như một cơ quan, có thể chuyển sang trạng thái phân chia chậm, bảo tồn năng lượng để giúp nó tồn tại".

"Có nhiều ví dụ về các loại động vật chuyển sang trạng thái phân chia chậm có thể đảo ngược để chống chọi với môi trường khắc nghiệt. Có vẻ như các tế bào ung thư đã khéo léo lựa chọn trạng thái tương tự vì lợi ích sống sót của chúng", bác sĩ O’Brien nói thêm.

 Sốc với các thủ thuật tinh quái của tế bào ung thư: Chuyển trạng thái dễ nuôi và giả vờ biến mất... - Ảnh 1.

Ảnh minh họa gấu ngủ đông

Khi thu thập các tế bào ung thư đại trực tràng của con người và cho chúng tiếp xúc với hóa trị, các nhà nghiên cứu quan sát thấy các tế bào ung thư đại trực tràng chuyển sang trạng thái ngủ đông giống nhau một cách phối hợp khi các loại thuốc hóa trị xuất hiện. Các tế bào ngừng mở rộng, có nghĩa là chúng cần rất ít chất dinh dưỡng để tiếp tục sinh tồn.

Những quan sát này cũng "phù hợp với một mô hình toán học, trong đó tất cả các tế bào ung thư, chứ không phải một quần thể nhỏ, có khả năng tương đương để trở thành DTP", theo nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu cũng cấy tế bào ung thư đại trực tràng của người vào các nhóm chuột khác nhau. Khi những con chuột phát triển các khối u với kích thước nhất định, các nhà nghiên cứu đã điều trị cho chúng bằng phác đồ hóa trị liệu tiêu chuẩn. Họ quan sát thấy sự phát triển khối u không đáng kể ở những con chuột được điều trị trong thời gian 8 tuần. Khi ngừng điều trị, khối u lại bắt đầu phát triển.

Tế bào ung thư được lấy từ các khối u phát triển trở lại này được ghép vào những con chuột khác nhau và điều trị lại. Các tế bào này vẫn nhạy cảm với các phương pháp điều trị, và sự phát triển của chúng ngừng lại rồi bắt đầu lại theo cùng một kiểu.

Trạng thái DTP gần giống như trạng thái tạm dừng phôi thai ở một số động vật, trong đó có chuột. Trong trạng thái tạm dừng phôi thai, phôi thai chuột rơi vào chế độ sinh tồn khẩn cấp, cho phép chúng tạm dừng quá trình phát triển phôi như thông thường cho đến khi điều kiện môi trường thuận lợi hơn.

Ở đây, các tế bào ung thư đã được phát hiện đang thực hiện một thủ thuật tương tự. Một sự giống nhau nữa giữa trạng thái DTP và tình trạng tạm dừng phôi thai là chúng đều phụ thuộc vào một cơ chế sinh học gọi là autophagy, trong đó các tế bào về cơ bản tự ăn chính chúng để tìm nguồn dinh dưỡng cần thiết. Autophagy xảy ra tự nhiên trong cơ thể như một cách để loại bỏ chất thải, nhưng trong trường hợp này, bệnh ung thư đang sử dụng nó để duy trì sự sống.

 Sốc với các thủ thuật tinh quái của tế bào ung thư: Chuyển trạng thái dễ nuôi và giả vờ biến mất... - Ảnh 2.

Ảnh minh họa tế bào ung thư

Biết chính xác cách ung thư trốn tránh và chống chọi với phương pháp điều trị bằng thuốc là một phần quan trọng trong việc hướng tới đánh bại ung thư. Đó là lý do kết quả nghiên cứu ‘tế bào ung thư ngủ đông’ có thể đóng một vai trò quan trọng trong các nghiên cứu trong tương lai.

Ung thư thường có thể trở lại sau khi không hoạt động hoặc có vẻ như biến mất trong vài năm sau khi điều trị.

Bác sĩ ung thư Aaron Schimmer từ Trung tâm Ung thư Princess Margaret, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ thực sự biết rằng các tế bào ung thư có thể hoạt động giống như những con gấu đang ngủ đông. Nghiên cứu này cũng cho chúng tôi biết làm thế nào để nhắm vào những con gấu đang ngủ này để chúng không ngủ đông rồi thức dậy một cách bất ngờ".

"Tôi nghĩ đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng kháng thuốc, và sẽ giải thích điều mà trước đây chúng ta chưa hiểu rõ", bác sĩ Schimmer nói thêm.

Bằng cách nhắm mục tiêu và ức chế quá trình autophagy, các nhà nghiên cứu có thể phá vỡ trạng thái ngủ đông (hoặc DTP) và tiêu diệt tế bào ung thư một cách tốt đẹp bằng hóa trị. Đây có thể là một cách tiếp cận để giải quyết các khối u ung thư kháng lại các phương pháp điều trị thông thường trong tương lai.

Bác sĩ O'Brien nói: "Nghiên cứu này mang đến cho chúng tôi một cơ hội trị liệu độc đáo. Chúng tôi cần nhắm vào các tế bào ung thư trong khi chúng đang ở trạng thái dễ bị tổn thương, hoạt động chậm, trước khi chúng nhận được các đột biến gen dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Đó là một cách suy nghĩ mới về kháng hóa trị liệu và cách vượt qua nó".

(Nguồn: Science Alert)

Theo Trà My

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên