MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SoftBank đằng sau những con số hào nhoáng và tầm nhìn 300 năm của nhà sáng lập: Nợ nần chồng chất, cấu trúc lắt léo, thậm chí có thể đổ vỡ

09-11-2019 - 13:01 PM | Tài chính quốc tế

Sau sự thất bại ở WeWork, đế chế của Masayoshi Son cần phải suy nghĩ lại thật kỹ về tương lai của mình.

Các công ty và các định chế tài chính lâm vào rắc rối thường có chung một số đặc điểm: mức nợ cao, sổ sách kế toán lắt léo mà người ngoài khó lòng hiểu được, những tài sản mơ hồ khó định giá và các nhà quản lý có một thời gian đầy khó khăn khi đối mặt với hiện thực phũ phàng. Những ngày này, miêu tả trên thật đúng với SoftBank, tập đoàn viễn thông và công nghệ khổng lồ của Nhật Bản được thành lập và điều hành bởi tỷ phú Masayoshi Son. Hôm 6/11, SoftBank báo cáo khoản lỗ 6 tỷ USD sau khi tung ra chiếc phao cứu sinh cho WeWork.

Phát biểu tại Tokyo, Son vẫn tỏ ra khá tự tin và khẳng định rằng SoftBank có 1 danh mục các tài sản công nghệ đang bị mọi người bên ngoài đánh giá quá thấp. Nhưng thực tế là giống như nhiều doanh nghiệp đang loạng choạng khác, SoftBank sẽ sớm phải đối mặt với điểm yếu cơ bản của mình: thiếu dòng tiền để tạo nền tảng vững chắc cho tất cả những sự hào hứng ban đầu và cả những lời nói phóng đại. Theo Economist, không loại trừ khả năng xấu nhất là SoftBank sẽ phải co hẹp đáng kể, thậm chí là vỡ vụn.

Tỷ phú Masayoshi Son vẫn được biết đến là một người lập dị với những dự đoán đầy kịch tính về câu chuyện công nghệ sẽ khiến thế giới thay đổi như nào. Ông luôn khẳng định công ty của mình sẽ tồn tại được trong khoảng thời gian lên tới 300 năm. Nhưng SoftBank chẳng phải là "của hiếm" để có thể trở thành điều đặc biệt. Sau khi mở rộng như vũ bão, hiện SoftBank là công ty phi tài chính nợ nhiều thứ 5 trên thế giới, với tổng nợ lên tới 166 tỷ USD (sau khi khấu trừ tiền mặt thì con số nợ ròng là 129 tỷ USD). Chủ nợ của SoftBank là các ngân hàng, các nhà đầu tư trên khắp thế giới và cả các hộ gia đình Nhật Bản.

SoftBank kiểm soát nhiều công ty quan trọng, trong đó có nhà mạng Sprint của Mỹ và cả nhà sản xuất chip Arm của Anh. Saudi Arabia đã đầu tư rất nhiều tiền vào Vision Fund – quỹ đầu tư 100 tỷ USD giúp Son thực hiện tham vọng biến đổi thế giới bằng cách thâu tóm cổ phần tại một loạt các kỳ lân công nghệ như WeWork và Uber.

Rất khó để hiểu tường tận về SoftBank bởi vì tập đoàn này quá phức tạp và những lời giải thích của Son về mục tiêu của SoftBank luôn luôn thay đổi. Khi được thành lập năm 1981, SoftBank là 1 công ty phân phối phần mềm. Năm 2000, Son đầu tư vào Alibaba và hiện vẫn sở hữu 24% cổ phần tại đây. Từ năm 2006 đến 2015, SoftBank chuyển mình thành 1 công ty viễn thông, đầu tiên là mua chi nhánh của Vodafone ở Nhật Bản và sau đó là Sprint.

Trong giai đoạn gần đây nhất bắt đầu từ 2016, khi Son chuyển hướng một lần nữa, SoftBank tập trung đầu tư vào các startup công nghệ thời thượng và tạo ra Vision Fund – quỹ đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ. Vision Fund huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài nhưng được điều hành bởi SoftBank và có rất nhiều giao dịch với tập đoàn.

Cấu trúc này có thể là một sai lầm chết người. SoftBank là 1 tập đoàn hay là 1 công ty đầu tư mạo hiểm? Son hành động dựa trên lợi ích của các cổ đông SoftBank hay các nhà đầu tư của Vision Fund? Các chuyên gia phân tích thường không thể tìm được một lối suy nghĩ nhất quán khi đánh giá SoftBank dù những người lạc quan nhất ví nó như là Berkshire Hathaway của giới công nghệ.

Trong 5 năm qua, tổng cộng SoftBank đã "đốt" 2 tỷ USD tiền mặt dù có mức lợi nhuận vượt trội 43 tỷ USD.

Cách đơn giản nhất để nhìn nhận SoftBank là hình ảnh 1 công ty holding ngập trong nợ đang sở hữu một rổ tài sản với chất lượng khác nhau và cũng đang nợ nần. Đó là Arm và cổ phần ở Alibaba, quỹ Vision Fund, Sprint và 1 công ty viễn thông Nhật Bản.

Son lập luận rằng công ty holding này có tình hình tài chính hoàn toàn khỏe mạnh. Về pháp lý, SoftBank chỉ chịu trách nhiệm cho 41 tỷ USD nợ, số còn lại thuộc về các công ty con mà về quy tắc thì chúng có thể phá sản mà không khiến cả "ngôi nhà" đổ sụp. Bên cạnh đó, giá trị của số cổ phần mà công ty holding nắm giữ là 247 tỷ USD, lớn gấp nhiều lần so với số nợ. Một nửa con số đến từ Alibaba. Nói cách khác, nếu cần phải trả nợ thì SoftBank hoàn toàn có thể thực hiện nghĩa vụ một cách dễ dàng.

Đó là lời giải thích nghe qua thì rất thuyết phục nhưng xem xét kỹ thì chứa đầy lỗ hổng. Trước tiên, để trả lãi thì SoftBank vẫn cần phải nhận đủ thu nhập dưới dạng cổ tức từ các công ty và quỹ mà họ đã đầu tư vào. Và theo cách này thì sai số khi tính toán là khá lớn. Điều đó dẫn đến lỗ hổng thứ hai, là hiệu suất của các công ty mà SoftBank đầu tư vào quá yếu, khiến giá trị của chúng có thể sụt giảm nhanh chóng. WeWork chính là ví dụ điển hình và không cần bàn cãi. Nhưng hãy xem đến Arm, công ty được coi là viên ngọc sáng giá nhất mà SoftBank mua lại với giá 31 tỷ USD năm 2016. Trong báo cáo quý mới nhất, doanh thu của Arm sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và công ty đã bị lỗ.

Điều lo lắng thứ 3 là các công ty mà SoftBank đầu tư có quá nhiều nợ. Vision Fund đang nắm giữ 40 tỷ USD chứng khoán nợ với mức chiết khấu khá cao. Kể cả nếu như về luật SoftBank không phải chịu trách nhiệm, tự bản thân công ty sẽ cảm thấy cần phải giải cứu những khoản đầu tư mà mình đang tài trợ. Đây chính là trường hợp của WeWork, với quyết định bơm thêm 6,5 tỷ USD vào đây.

Nỗi lo về nợ càng tăng lên khi có nhiều báo cáo cho thấy SoftBank và Son đã sử dụng cấu trúc nợ bất thường, ví dụ như SoftBank vay tiền của nhân viên để đầu tư vào Vision Fund hay Son sử dụng 22% cổ phần ở SoftBank làm tài sản đảm bảo cho khoản vay cá nhân. Những doanh nghiệp có nợ được cấu trúc thành tầng tầng lớp lớp sẽ đặc biệt mong manh dễ vỡ. Khi có quá nhiều áp lực đè nén thì kết cục thường rất xấu và khó dự đoán.

Son đang có tham vọng mở rộng bằng cách triển khai 1 Vision Fund thứ hai với quy mô thậm chí còn lớn hơn quỹ đầu tiên. Nhưng sự cố WeWork làm dấy lên rất nhiều hoài nghi về những dự định của ông cũng như quá trình định giá doanh nghiệp của SoftBank.

Trong tình cảnh hiện nay, con đường đúng đắn nhất dành cho SoftBank là thắt lưng buộc bụng. Điều đó có nghĩa là bán bớt tài sản, giảm thua lỗ tại các công ty công nghệ mà Vision Fund đang nắm cổ phần và Son có thể sẽ phải nhượng lại quyền kiểm soát tại nhiều công ty.

Tầm nhìn của Son về SoftBank là 1 người đàn ông chịu phần lớn trách nhiệm về hàng trăm tỷ USD sẽ không khuất phục trước bất kỳ trở ngại nào. Nếu bạn vẫn hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách tiếp cận đó, có lẽ bạn cần phải tỏ ra ngu ngốc một chút, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên