MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Soi" biến động giá những cổ phiếu có thị giá "đắt đỏ" nhất sàn chứng khoán

"Soi" biến động giá những cổ phiếu có thị giá "đắt đỏ" nhất sàn chứng khoán

Sàn chứng khoán đã "kết nạp" thêm ngày càng nhiều mã chứng khoán có thị giá "3 chữ số", tương ứng với mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu.

Sàn chứng khoán đã "kết nạp" thêm ngày càng nhiều mã chứng khoán có thị giá "3 chữ số", tương ứng với mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Trong số đó, có những cái tên mãi ở trên TOP thời gian dài, có những cái tên khá nhiều biến động trong năm qua.

Nhưng nhìn chung, ở bất cứ phương diện nào, những cổ phiếu có thị giá "đắt đỏ" nhất thị trường luôn để lại nhiều ấn tượng cho các nhà đầu tư.

NTC của Nam Tân Uyên – cổ phiếu giữ vị trí quán quân về giá

Cổ phiếu ngành khu công nghiệp – NTC của Nam Tân Uyên hiện đang giữ vị trí quán quân về thị giá các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp ngành khu công nghiệp này có vốn điều lệ gần 240 tỷ đồng nhưng vốn hóa thị trường đã xấp xỉ 6.900 tỷ đồng.

Nam Tân Uyên đưa 16 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 12/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.300 đồng/cổ phiếu và mãi đến cuối năm 2020 vừa qua công ty mới phát hành thêm gần 8 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ thêm 50% - cùng với đó thị giá cũng điều chỉnh theo.

Hiên trên thị trường NTC tiếp tục tăng mạnh, đang giao dịch quanh mức 287.000 đồng/cổ phiếu – nếu so với giá thời điểm đầu năm 2020 (giá đã điều chỉnh), NTC tăng hơn gấp 4 lần, từ vùng giá 68.200 đồng/cổ phiếu.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu NTC trong 1 năm gần đây.

Nam Tân Uyên cũng được nhắc đến thường xuyên như là một doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức tỷ lệ cao, là doanh nghiệp đạt EPS thuộc TOP đầu trên thị trường. Năm 2020, Nam Tân Uyên đạt xấp xỉ 281 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 20% so với năm trước. So với kế hoạch lãi 177 tỷ đồng được ĐHCĐ thông qua, Nam Tân Uyên đã hoàn thành vượt 59% chỉ tiêu năm 2020.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Thêm 1 cổ phiếu ngành khu công nghiệp được nhắc tới

Nhắc đến cổ phiếu ngành khu công nghiệp, cũng không thể không nhắc đến SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG. Dù từng là thành viên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nhưng Đầu tư Sài Gòn VRG lại được biết đến là doanh nghiệp chuyên đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, khu dân cư...

Công ty cũng mới chỉ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 6/2019 với hơn 69 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.200 đồng/cổ phiếu. SIP chưa tạo ấn tượng gì trong những phiên đầu lên sàn, với 5 phiên giữ nguyên giá tham chiếu, thanh khoản bằng 0.

SIP bứt phá từ phiên thứ 6 trên sàn, cổ phiếu SIP có chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp, đưa cổ phiếu lên hơn gấp 4 lần, và SIP nhanh chóng vượt lên, đạt mức giá 3 chữ số (giá đã điều chỉnh) chỉ chưa đến 2 tháng sau đó, vào ngày đầu tháng 8/2019. SIP cũng được xem là một trong những cổ phiếu để lại ấn tượng trong năm 2019 khi sau giai đoạn tăng mạnh, đã điều chỉnh giá, giảm về vùng 81.300 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019.

Bước sang năm 2020, SIP gây ấn tượng về kết quả kinh doanh nhưng lại chưa gây nhiều ấn tượng nhiều về biến động giá cổ phiếu. Đầu tư Sài Gòn VRG báo lãi 676 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng trên 62% so với cùng kỳ và vượt đến 181% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm, trong đó quý 1 lãi chưa đến 50 tỷ đồng nhưng quý 2 lãi 370 tỷ đồng và quý 3 lãi trên 250 tỷ đồng.

Xét về giá cổ phiếu, trong năm 2020 SIP bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 11/2020, từ vùng giá 87.000 đồng/cổ phiếu nhanh chóng lên giá "3 chữ số" chỉ 5 phiên sau đó, và tiếp tục tăng, xác lập đỉnh mới 199.600 đồng/cổ phiếu, và hiện đang giao dịch ở mức 199.000 đồng/cổ phiếu – hơn gấp đôi trong vòng chưa đến 3 tháng.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu SIP trong 1 năm gần đây.

VCF của Vinacafe Biên Hòa – cổ phiếu ngành cafe để lại nhiều ấn tượng

Tính đến thời điểm hiện tại, VCF của Vinacafe Biên Hòa đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1/2021 ở mức 233.000 đồng/cổ phiếu. ở mức giá này, vốn hóa thị trường của Vinacafe Biên Hòa rơi vào khoảng 6.200 tỷ đồng.

Xét về tỷ lệ tăng giá, nhìn xa hơn, tính từ đầu năm 2020 đến nay cổ phiếu VCF đã tăng khoảng 46%, từ vùng giá 160.000 đồng/cổ phiếu lên 233.000 đồng/cổ phiếu. VCF cũng là cổ phiếu duy trì mức giá 3 chữ số trong nhiều năm, thường xuyên dành vị trí quán quân về thị giá của các cổ phiếu trên sàn.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu VCF trong 1 năm gần đây.

Ngoài ra, Vinacafe Biên Hòa cũng thường được nhắc đến là doanh nghiệp gây sốc về tỷ lệ chi trả cổ tức, mà gần đây nhất là chi tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 250%. EPS cũng thuộc TOP cao trên thị trường. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 1.952 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt 467 tỷ đồng, EPS đạt 17.685 đồng.

Tuy vậy tất cả các lý do trên hầu như ảnh hưởng rất ít tới các nhà đầu tư. Nguyên nhân do cơ cấu cổ đông cô đặc của công ty. Có đến 98,49% vốn cổ phần của Vinacafe Biên Hòa hiện do Masan Beverage nắm giữ. Số cổ phần tự do còn lại không nhiều, cũng vì vậy số cổ phiếu VCF giao dịch trên thị trường mỗi phiên chỉ mấy trăm đơn vị.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 5.

"Bé hạt tiêu" WCS của Bến xe Miền Tây: cái tên được nhắc đến trên nhiều "mặt trận"

Cổ phiếu WCS của doanh nghiệp "bé hạt tiêu" hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bến bãi xe ô tô, xe khách – CTCP Bến xe Miền Tây luôn là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư. Có tổng cộng 2,5 triệu cổ phiếu tương ứng số vốn điều lệ 25 tỷ đồng giao dịch trên HNX, Bến xe Miền Tây được nhắc đến trong rất nhiều "mảng".

Thứ nhất, khi nhắc đến TOP những doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức cao, thì không thể thiếu. Mới đây nhất công ty trả cổ tức đợt 2/2019 bằng tiền tỷ lệ 258%, nâng tổng tỷ lệ chi trả cổ tức cho cả năm 2019 lên 516%.

Thứ 2, là doanh nghiệp thuộc TOP các công ty đạt EPS cao nhất thị trường. Dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 không thuận lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng công ty cũng ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 81 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 41,9 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ, và đã hoàn thành khoảng 78% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm. EPS đạt 14.006 đồng.

Thứ 3, tiêu chí về giá cổ phiếu, WCS đã lọt danh sách các cổ phiếu có giá "3 chữ số" từ vài năm nay. Hiện WCS đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1/2021 ở mức 221.000 đồng/cổ phiếu – tăng 68% so với thời điểm đầu năm 2020 và cũng đang xác lập đỉnh mới cho cổ phiếu này.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 6.

Diễn biến giá cổ phiếu WCS trong 1 năm gần đây.

Doanh nghiệp ngành bia: SAB của Sabeco

Khác với nhiều cổ phiếu khác, SAB của Tổng công ty Bia – Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã duy trì mức giá "3 chữ số" từ nhiều năm nay dù có lúc về gần sát vùng giá 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng "ngưỡng" này vẫn chưa bị xuyên thủng.

Năm 2020 cũng được xem là năm khá đặc biệt với cổ phiếu ngành bia rượu nói chung và Sebeco nói riêng khi chịu tác động kép từ Nghị định 100 về quy định uống rượu bia khi lái xe và các lệnh giãn cách, hạn chế tụ tập do dịch bệnh Covid-19.

Đang là một trong số những cổ phiếu có thị giá cao nhất từ đầu năm 2020, ở mức trên 220.000 đồng/cổ phiếu, SAB giảm mạnh về dưới 115.000 đồng/cổ phiếu trước khi quay đầu tăng trở lại. Hiện SAB chưa về lại mức giá hồi đầu năm 2020, nhưng cũng đã lên trên 200.000 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1/2021.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 7.

Diễn biến giá cổ phiếu SAB trong 1 năm gần đây.

Bên cạnh đó, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100, SAB cũng không giảm sút quá sâu với 20.096 tỷ đồng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020, giảm 28,7% còn lợi nhuận sau thuế giảm 20% xuống còn 3.403 tỷ đồng – vượt 4,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Cái tên gây nhiều bất ngờ nhất: GAB đang tiệm cận vùng giá 200.000 đồng/cổ phiếu

Để nói về những cổ phiếu có thị giá cao và gây nhiều bất ngờ nhất năm 2020 phải kể đến GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (Global Asset Business). Năm 2019 công ty lên sàn với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu và có 1 năm 2019 khá êm đềm dù vẫn trải qua chuỗi tăng trần đến 8 phiên cuối cùng của năm. GAB đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 16.250 đồng/cổ phiếu.

Năm 2020 mới bắt đầu với 20 phiên tăng trần trong tổng số 21 phiên giao dịch đầu tiên của năm. Sau đó liên tục là những phiên tăng điểm – GAB nhanh chóng vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu chỉ 2 tháng sau đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2/2020, tương ứng mức tăng khoảng 6 lần.

Đà tăng của GAB vẫn không ngừng, và hiện đã tiệm cận vùng giá 200.000 đồng/cổ phiếu – GAB đang giao dịch quanh mức 195.600 đồng/cổ phiếu – gấp 12 lần thời điểm đầu năm 2020.

GAB được các nhà đầu tư quan tâm khi liên quan đến tỷ phú Trịnh Văn Quyết và FLC Faros. Hiện ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ 51,09% vốn điều lệ GAB. Cùng với đó là thông tin về việc sáp nhập FLC Faros vào GAB.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 8.

Diễn biến giá cổ phiếu GAB trong 1 năm gần đây.

THD của Thaiholdings đạt luôn giải quán quân tăng trưởng về giá cổ phiếu năm 2020

Nửa năm trước, tháng 6/2020 ThaiHoldings đưa 53,9 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn cổ phiếu THD của ThaiHoldings đã tạo dấu ấn với các nhà đầu tư khi tăng trần 17 phiên liên tiếp, và đưa giá lên mức 95.000 đồng/cổ phiếu ở phiên giao dịch thứ 18 trên sàn – gấp 6 lần giá chào sàn chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Ngay sau khi đạt vùng giá cao, thanh khoản cổ phiếu THD đã cải thiện rõ rệt với hàng ngàn, chục ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. THD tăng mạnh nhất lên 115.000 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2020. Đồng thời chỉ nửa tháng 1/2020 THD tiếp tục tăng mạnh, đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/1/2021 ở mức 137.500 đồng/cổ phiếu.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 9.

Diễn biến giá cổ phiếu THD từ khi lên sàn.

ThaiHoldings được nhắc đến không chỉ do giá cổ phiếu biến động mạnh trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư còn biết đến ThaiHoldings qua "ông chủ" nổi tiếng với cái tên quen thuộc: Bầu Thụy.

Bên cạnh đó, Thaiholdings còn vừa gây chú ý khi phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên gấp 6,6 lần với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 2.960 tỷ đồng. Với thị giá cao, cùng số cổ phiếu vừa phát hành thêm, hiện vốn hóa thị trường của Thaiholdings rơi vào khoảng 43.750 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 1.155 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 70 tỷ đồng.

RAL của Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Những cổ phiếu thị giá cao có những biến động đáng kể được nhắc đến trong năm 2020 còn phải kể đến RAL của CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Năm 2019 Rạng Đông được nhắc đến với sự cố cháy nhà máy, cùng với đó là kết quả kinh doanh thua lỗ quý 4/2019 với số lỗ 36 tỷ đồng dù ghi nhận khoản đền bù bảo hiểm sau sự cố cháy nổ đến 150 tỷ đồng. Cổ phiếu RAL thời điểm đó rơi mạnh, xuống dưới ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh phục hồi ngay sau đó, công ty đã lãi lớn từ quý 1 với doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 3/060 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hơn 29% lên trên 207 tỷ đồng. EPS đạt 18.058 đồng kết quả này giúp công ty vượt qua cả kế hoạch kinh doanh có lợi nhất trong 2 kịch bản công ty đặt ra hồi đầu năm.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 10.

Dù kết quả kinh doanh phục hồi ngay sau sự cố không lâu, nhưng giá cổ phiếu RAL cũng chỉ bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 8/2020, từ mức giá 77.400 đồng/cổ phiếu lên vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/8/2020. Đà tăng của RAL chưa dừng lại, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2020 ở gần 140.000 đồng/cổ phiếu và hiện nay, đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/1/2021 ở mức 153.300 đồng/cổ phiếu.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 11.

"Họ" nhà Viettel cũng có tên góp mặt

Cổ phiếu VTP của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã có hơn nửa thời gian của năm 2020 giao dịch ở mức giá 3 chữ số. VTP đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 trên 108.000 đồng/cổ phiếu và hiện giảm về quanh vùng giá 107.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất của VTP chưa vượt ngưỡng 120.000 đồng/cổ phiếu.

Giao dịch cổ phiếu VTP đang trở nên càng ngày càng sôi động khi trước đó, giai đoạn cuối tháng 11/2020 đến đầu tháng 12/2021 Tập đoàn Viễn thông Quân Đội mang gần 5 triệu cổ phiếu ra bán đấu giá, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 50,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 60,81%). Giá đấu thành công bình quân gần 106.000 đồng/cổ phiếu.

Tăng mạnh gần gấp 3 lần từ đầu năm 2020, cổ phiếu CTR của Tổng công ty Công trình Viettel đang gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. CTR tăng mạnh và cũng đang tiến dần lên mức giá 3 chữ số. Hiện CTR đang giao dịch ở mức 92.700 đồng cổ phiếu với mức tăng đều đặn.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 12.

Cổ phiếu MWG của Thế giới di động

Ngành bán lẻ kỹ thuật số, cổ phiếu MWG góp mặt trong danh sách những cổ phiếu có thị giá 3 chữ số. Trên thực tế, năm 2019 MWG đã vượt lên, giữ mức giá 3 chữ số một thời gian khá dài cho đến giai đoạn đầu năm 2020. MWG mở cửa phiên giao dịch đầu tiên năm 2020 ở mức trên 112.400 đồng/cổ phiếu.

MWG bắt đầu mất mốc 100.000 đồng từ ngày 9/3/2020 – khi thị trường bị ảnh hưởng nặng nề trước sự bất an khi dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng. Đến cuối tháng 3, MWG đã mất đi 50% giá trị, về dưới ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy MWG nhanh chóng hồi phục, lấy lại thị giá 3 chữ số từ cuối tháng 9/2020 và duy trì được từ đó đến nay. Hiện MWG giao dịch quanh mức 126.000 đồng/cổ phiếu.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 13.

Diễn biến giá cổ phiếu MWG trong 1 năm gần đây.

Cổ phiếu ngành hàng không góp mặt

Đáng chú ý, năm 2020 được xem là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, vẫn có những cổ phiếu ngành hàng không tăng mạnh, điển hình trong số đó là SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC – Saigon Cargo Service). SCS cũng chịu nhịp giảm đầu tiên của năm 2020 từ đầu tháng 3/2020 khi thị trường bị ảnh hưởng chung. Từ vùng giá trên 120.000 đồng/cổ phiếu SCS đã giảm về gần sát ngưỡng 80.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy vậy, ngay sau đó SCS đã tăng trở lại, duy trì mức giá 3 chữ số từ 12/5/2020 đến nay. Hiện SCS đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 128.000 đồng/cổ phiếu và nay đã là 135.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường gần 6.800 tỷ đồng.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 14.

Diễn biến giá cổ phiếu SCS trong 1 năm gần đây.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của SCSC dù giảm nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Doanh thu cả năm đạt 693 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước đó nhưng cũng hoàn thành vượt mức 660 tỷ đồng doanh thu đặt ra hồi đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 499 tỷ đồng, vượt 10,9% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 464 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 15.

Ngành hàng không với thị giá 3 chữ số còn có VJC của Hàng không Vietjet. Hiện VJC giao dịch quanh mức 133.000 đồng/cổ phiếu – và trong năm 2020 vừa qua cũng có một vài thời điểm VJC mất đi mốc 100.000 đồng/cổ phiếu.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 16.

Diễn biến giá cổ phiếu VJC trong 1 năm gần đây.

Điểm tên cổ phiếu ngành ngân hàng - duy nhất Vietcombank

Từ tháng 1/2021 đến nay cổ phiếu VCB của Vietcombank chính thức góp mặt vào danh sách những cổ phiếu có thị giá 3 chữ số. VCB đã duy trì mức giao dịch từ 80.000 đồng đến dưới 100.000 đồng/cổ phiếu từ hơn nửa năm trước đó, và chính thức vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 6/1/2021 ở mức 105.000 đồng/cổ phiếu.

VCB cũng từng mất đi mốc này vào 2 phiên giao dịch ngày 19 và 20/1/2021 nhưng đã nhanh chóng lấy lại vi trí, hiện giao dịch ở mức 103.100 đồng/cổ phiếu. Vietcombank cũng là ngân hàng duy nhất hiện có thị giá cổ phiếu ở mức 3 chữ số.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 17.

Diễn biến giá cổ phiếu VCB trong 1 năm gần đây.

Ngành dược, vật tư y tế

Ngành dược cũng có một vài cái tên có thị giá cổ phiếu ở mức 3 chữ số. Đầu tiên phải kể đến DHG của Dược Hậu Giang – cổ phiếu này đã duy trì mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu được khoảng nửa năm nay, lên cao nhất gần sát 110.000 đồng/cổ phiếu. Hiện DHG đang giao dịch ở mức 104.100 đồng/cổ phiếu sau loạt phiên giảm điểm của tuần này.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 18.

Diễn biến giá cổ phiếu DHG trong 1 năm gần đây.

Trong khi đó VET của CTCP Thuốc thú y Trung Ương Navetco lại vừa gây bất ngờ với 3 phiên tăng trần và 2 phiên tăng điểm gần đây nhất, đưa cổ phiếu chính thức đạt 3 chữ số, hiện giao dịch ở mức 103.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản cải thiện rõ rệt.

Soi biến động giá những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 19.

Diễn biến giá cổ phiếu VET trong 1 năm gần đây.

Vẫn còn loạt cổ phiếu khác có thị giá 3 chữ số

Vẫn còn loạt cổ phiếu khác có thị giá ở mức 3 chữ số như FOC của FPT Online, CAB của Truyền hình cáp Việt Nam, CMF của Thực phẩm Cholimex, HLB của Bia Hà Nội Hạ Long....

Những cổ phiếu có thị giá cao luôn gây chú ý cho các nhà đầu tư. Và dù ít dù nhiều, các doanh nghiệp này cũng góp phần lớn làm cho vốn hóa thị trường chứng khoán tăng nhanh đáng kể.

Thạch Lâm

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên