Sôi động cổ phiếu ESOP
Có ít nhất 30-40 công ty niêm yết dự định phát hành cổ phiếu ESOP.
- 29-06-2017Dù chào bán chưa bằng nửa thị giá, C32 vẫn không phân phối hết lượng cổ phiếu ESOP cho CBCNV
- 27-06-2017Cường Thuận Indico (CTI) dự kiến phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP
- 27-06-2017Ô tô Hàng Xanh thưởng lượng cổ phiếu ESOP trị giá triệu đô: Chỉ vỏn vẹn 7 sếp được nhận
Gần kết thúc mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 cũng là lúc bức tranh phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (ESOP) trở nên sinh động hơn.
Ai phát hành cổ phiếu ESOP?
Từ trong nội dung nghị quyết đại hội cổ đông của các doanh nghiệp, có thể ước tính ít nhất 30-40 công ty niêm yết dự định phát hành cổ phiếu ESOP như Vinamilk (VNM), Thế Giới Di Động (MWG), Coteccons (CTD), FPT, Đường Quảng Ngãi (QNS), Thiên Long (TLG), Masan Consumer (MSC), Đầu tư xây dựng 3-2 (C32), Dược Hậu Giang (DHG)...
Điểm chung của phần lớn các doanh nghiệp triển khai ESOP là kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, năm 2016, Thiên Long đạt doanh thu hơn 2.100 tỉ đồng, tăng 15%, còn lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỉ đồng, tăng 28%. Đối với Thế Giới Di Động, 2016 là năm thắng lớn trong mọi mặt, từ khẳng định vị thế dẫn đầu mảng bán lẻ công nghệ, điện máy cho đến đẩy mạnh phát triển các mảng (siêu thị thực phẩm Bách Hóa Xanh, xây dựng trang thương mại điện tử B2C vuivui.com) và đạt kinh doanh ấn tượng (doanh thu khoảng 2 tỉ USD, lợi nhuận sau thuế tăng 47%). Năm 2016, Coteccons cũng chứng kiến doanh thu tăng 52%, trong khi lợi nhuận tăng gần gấp đôi.
Với kết quả kinh doanh lạc quan, theo ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Coteccons, doanh nghiệp thực hiện ESOP là để khích lệ tinh thần và tạo động lực cho nhân viên. Trong một bài viết của mình, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán - Kiểm toán AFA Research & Education, từng cho rằng: “Phát hành ESOP được các công ty nước ngoài áp dụng khá lâu, trở thành công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân người tài”.
Các công ty lớn như FPT, Thế Giới Di động, Vinamilk, Coteccons... ưa thích ESOP còn vì đây là cách thưởng không tốn tiền. Dòng tiền và kinh doanh của doanh nghiệp nhờ đó không chịu tác động tiêu cực. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp đã chọn cách phát hành ESOP trong cả giai đoạn chứ không phải chỉ theo từng năm. Chẳng hạn, chương trình ESOP của Coteccons kéo dài 5 năm (2016-2020). Nhưng để việc phát hành ESOP không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư, Coteccons đã điều chỉnh lại phương án. Từ chỗ kế hoạch ban đầu là thưởng khích lệ ban điều hành và cán bộ chủ chốt theo hình thức phát hành ESOP, Coteccons hiện dự tính chỉ phát hành ESOP một nửa, còn lại một nửa giá trị thưởng là khuyến khích bằng tiền.
Đối với Thế Giới Di Động, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài chia sẻ với cổ đông, năm 2017, Công ty vẫn tiếp tục áp dụng chính sách thưởng cổ phiếu ESOP cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt nhưng sẽ dựa vào kết quả kinh doanh 2017. Nếu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trên 10%, phần trăm ESOP sẽ tính trên phần trăm tăng trưởng lợi nhuận này x 0,1 và khống chế tối đa ở mức 3% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nếu lợi nhuận tăng trưởng dưới 10%, Công ty không phát hành ESOP. Bên cạnh đó, Thế Giới Di Động cũng sẽ điều chỉnh giảm tỉ lệ ESOP xuống còn 80% mức ESOP dự kiến phát hành nếu đà tăng giá cổ phiếu MWG không cao hơn 10% so với đà tăng của VN-Index. Kế hoạch ESOP này rõ ràng khác biệt so với năm ngoái, khi Công ty phát hành ESOP theo số lượng cổ phiếu cụ thể (7,33 triệu cổ phiếu) và chỉ bị hạn chế chuyển nhượng hoàn toàn trong 1 năm (nay là không được chuyển nhượng trong 4 năm).
Các doanh nghiệp cũng rất dè dặt trong việc tính toán tỉ lệ ESOP. Mức ESOP tối đa mà các công ty đưa ra là 3% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Còn lại đa số chỉ trong khoảng 1-2%. Có doanh nghiệp như Dược Hậu Giang chỉ phát hành ESOP ở mức khiêm tốn.
Dung hòa quyền lợi
Thông thường, chỉ một số cá nhân quan trọng, thuộc cấp lãnh đạo hoặc quản lý cấp cao, cấp trung và gắn bó lâu năm mới được hưởng quyền lợi ESOP. Giá bán cổ phiếu theo hình thức ESOP, đúng như tên gọi, rất ưu đãi, thường bằng mệnh giá (10.000 đồng) hoặc chỉ bằng 1/2-1/3 giá trị sổ sách. Nếu tính trên thị giá, chênh lệch càng lớn. Bởi thế, nhiều thành viên chủ chốt ở những công ty như FPT, Thế Giới Di động, Vinamilk, Masan... đã giàu lên nhờ vào số lượng cổ phiếu được mua bán ưu đãi qua các kỳ ESOP. Các cá nhân được tham gia mua cổ phiếu theo chương trình ESOP cũng rất hoan hỉ, vì hình thức thưởng này còn giúp họ đỡ được chi phí thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, chính vì ban điều hành và cán bộ chủ chốt nhận được ưu đãi lớn từ các chương trình ESOP mà trong một số trường hợp, cổ đông cảm thấy không công bằng và tìm cách phản bác. Năm 2013, trong Đại hội đồng cổ đông, cổ đông lớn của Vinamilk là SCIC đã phủ quyết tờ trình liên quan đến nội dung phát hành cổ phiếu ESOP. Phải 3 năm sau, Vinamilk mới lại đưa vấn đề này ra giữa đại hội và được thông qua.
Cũng từ câu chuyện này, các doanh nghiệp đã ít nhiều rút kinh nghiệm trong việc hài hòa quyền lợi các bên. Để nhận được sự đồng thuận từ cổ đông, vài năm trở lại đây, các chương trình ESOP thường được doanh nghiệp thực hiện song song với kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng hoặc chi trả cổ tức với tỉ lệ hấp dẫn cho cổ đông. Bằng chứng là bên cạnh trình ra trước cổ đông phương án phát hành ESOP, Hội đồng Quản trị Thiên Long cũng đã song song thực hiện chính sách trả cổ tức với tỉ lệ 50% vốn điều lệ, vừa bằng tiền (20%) vừa bằng cổ phiếu (30%).
Đặc biệt, để tránh các tác động ngay tức thì đến giá cổ phiếu, gây ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, các công ty sẽ định ra cột mốc hạn chế việc chuyển nhượng cổ phiếu. Tùy cân nhắc lựa chọn mà doanh nghiệp sẽ ước định thời gian có thể từ 1-5 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dùng các con số kinh doanh vượt trội để thuyết phục cổ đông ủng hộ ESOP. Thực tế, kinh doanh tăng trưởng đã giúp diễn biến giá cổ phiếu VNM, MWG... sớm lấy lại phong độ và tăng mạnh. Nhờ đó, nhà đầu tư không lo ngại nhiều về hiện tượng pha loãng cổ phiếu từ các đợt ESOP. Kết quả là năm nay, dù nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì chương trình ESOP lớn nhưng các tranh cãi nảy lửa đã không diễn ra.
Nhịp cầu đầu tư