MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sôi động như thị trường buôn bán quốc tịch

10-10-2017 - 09:31 AM | Tài chính quốc tế

Toàn cầu hóa đã biến quyền công dân thành 1 loại hàng hóa để mua đi bán lại. Phóng viên Matthew Valencia của tạp chí The Economist đã có 1 cuộc khảo sát nhỏ trên thị trường này và tìm thấy những “món hời”.

Jalal là sếp của 1 doanh nghiệp viễn thông ở Iraq, thông thạo tiếng Anh và có bằng Harvard. Vợ của anh là bác sĩ phẫu thuật. Thuộc nhóm những người giàu có, họ thường xuyên đi du lịch và đặc biệt thích thú với Lake Como, điểm du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng của đất nước Italy. Tuy nhiên, hộ chiếu Iraq thường khiến họ gặp nhiều khó khăn khi xin visa. Bởi vậy, cách đây vài năm, Jalal (không phải tên thật của nhân vật) và vợ đã nộp đơn xin quốc tịch ở Antigua. Sau 10 tháng chờ đợi hoàn tất thủ tục giấy tờ, họ rót vài trăm nghìn USD vào 1 quỹ đầu tư bất động sản ở hòn đảo vùng Caribe này để đổi lấy hai cuốn hộ chiếu cho phép họ đi du lịch ở 130 quốc gia khác nhau (chủ yếu là châu Âu) mà không cần xin cấp thị thực.

Trường hợp của ông trùm sòng bạc Franceso Corallo thì khác. Là 1 doanh nhân người Italy nằm trong danh sách truy nã của Interpol, ông ta tự mua cho mình hộ chiếu ngoại giao từ nước cộng hòa Dominica và cố gắng xin quyền miễn trừ ngoại giao với tư cách là đại diện thường trực của hòn đảo này tại Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc. Hiện Corallo đang bị tạm giam ở St Maarten, 1 vùng lãnh thổ của Hà Lan ở vùng Caribe. Tòa án Italy buộc tội ông này trốn thuế và hối lộ.

Chỉ 1% khách hàng là tội phạm

Có 1 điểm chung giữa người doanh nhân muốn vượt qua những rào cản để thoải mái đi du lịch và 1 kẻ bị cảnh sát quốc tế truy nã: cả hai đều là khách hàng trên thị trường mua bán hộ chiếu rất sôi động. Việc chạy quyền công dân hoặc quyền cư trú cho khách hàng và thu về số tiền không nhỏ thường được báo chí miêu tả với thái độ không mấy thiện cảm vì thường xuyên bị tội phạm lợi dụng. Tuy nhiên, cũng giống như hoạt động tài chính ở hải ngoại (offshore finance), phạm vi của hoạt động này rất đa dạng. Theo ước tính của hiệp hội các tổ chức biên giới Borderpol, chỉ có khoảng 1% khách hàng của ngành này là tội phạm rửa tiền hoặc chạy trốn khỏi án phạt. 99% còn lại là những người đam mê du lịch hoặc chạy trốn khỏi quê nhà đang trong trạng thái bất ổn chính trị, chiến tranh hoặc bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.

Theo Christian Kälin, Chủ tịch hãng tư vấn Henley & Partners, mỗi năm có vài nghìn người bỏ ra tổng cộng khoảng 2 tỷ USD để mua thêm quốc tịch. Nguồn khách hàng lớn nhất đến từ Trung Quốc, Nga và vùng Trung Đông. Và theo Eric Major – người từng làm việc tại HSBC, nhu cầu đang tăng lên rất nhanh, đặc biệt là lượng khách từ các thị trường mới nổi với những khách hàng có tài sản từ 1 đến 100 triệu USD đang tăng trưởng 15 – 20% mỗi năm. Đối với họ, vài trăm nghìn USD là mức giá khá rẻ. Dưới thời Tổng thống Jacob Zuma, ngày càng có nhiều người Nam Phi tìm kiếm quốc tịch thứ hai vì số nước mà họ có thể nhập cảnh không cần visa ngày càng giảm xuống. Trong khi đó công dân của các nước giàu có (đặc biệt là Mỹ) lại muốn có 1 cuốn hộ chiếu khác khi đi du lịch hoặc làm việc ở nước ngoài vì sợ khủng bố.

Nguồn cung nhanh chóng tăng lên để đáp ứng nhu cầu. Khoảng 30-40 nước có chương trình công dân kinh tế và 60 nước khác có quy định về chương trình như vậy trong bộ luật. Một số yêu cầu hiến tặng tiền mặt trực tiếp trong khi một số yêu cầu những khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc mua tài sản. Một số xem xét đến các lợi ích kinh tế mà các công dân mới sẽ mang đến trong dài hạn, do đó sẽ ưu tiên những doanh nhân sẽ thành lập công ty và tạo ra một lượng việc làm tối thiểu. Số tiền đầu tư nằm trong khoảng từ 10.000 USD (cho quốc tịch Thái Lan) đến 10 triệu USD (cho quốc tịch Anh cấp nhanh). Ở một số nước, nhà đầu tư có thể rút lại số vốn ban đầu sau vài năm.

Cứu cánh cho những hòn đảo nhỏ

Các quốc gia ở vùng Caribe là điểm đến phổ biến nhất trên thị trường này. Do nhiều hòn đảo từng là thuộc địa của các nước lớn, công dân ở đây thường được miễn thị thực vào nhiều nước; quy mô nhỏ có nghĩa là các nước giàu có không cảm thấy cần phải hạn chế các công dân từ đây và nền kinh tế nghèo khó khiến họ rất cần tiền mặt.

Quốc đảo St Kitts and Nevis là nơi tiên phong cho ngành kinh doanh quốc tịch từ cách đây hơn 1 thập kỷ. Sau khi bị châu Âu cắt bỏ trợ cấp, ngành đường của nước này lao đao. Kể từ đó đến nay, St Kitts and Nevis đã bán hơn 10.000 hộ chiếu với giá 250.000 USD mỗi giao dịch – một số tiền khá lớn so với quốc đảo có dân số vỏn vẹn 55.000 người và GDP 1 tỷ USD.

Quốc gia bên cạnh đó là Dominica bán khoảng 2.000 hộ chiếu mỗi năm, giá 100.000 USD mỗi lần. Vince Henderson, đại sứ của Dominica tại UN, miêu tả chương trình bán hộ chiếu là “phao cứu sinh” cho hòn đảo này sau khi nó bị tàn phá bởi cơn bão Eirka năm 2015. Năm 2017, khoảng 148 triệu USD trong tổng số 340 triệu USD tổng thu ngân sách của Dominica đến từ chương trình đầu tư đổi quốc tịch.

Thủ tướng của quần đảo Antigua và Barbuda cho biết nhờ chương trình bán hộ chiếu mà nền kinh tế này tránh được nguy cơ vỡ nợ. Các hòn đảo ở Thái Bình Dương cũng sử dụng cách tương tự với hi vọng có thể bù đắp ngân sách bị hao hụt bởi những thiệt hại do bão gây ra. Vanuatu thậm chí cung cấp miễn phí 1 công ty vỏ bọc và tài khoản ngân hàng cho những ai muốn kiếm quốc tịch thứ hai ở đây.

“Cú nhảy vọt” lớn nhất của ngành kinh doanh quốc tịch là sự tham gia của những nước thuộc Liên minh châu Âu trong mấy năm gần đây, đáng chú ý nhất là Malta và đảo Síp. Theo quảng cáo, đảo Síp có thể cho phép khách hàng trở thành công dân EU chỉ trong vài tháng với đầy đủ lợi ích (trong đó có chương trình chăm sóc sức khỏe châu Âu), không yêu cầu thời gian sống trên đảo và không phải trải qua các kỳ thi kiểm tra năng lực ngôn ngữ. Những lợi ích về thuế thì rất hấp dẫn. Tuy nhiên giá cũng khá “chát”: khách hàng phải đầu tư 2 triệu USD vào chứng khoán hoặc bất động sản. Nguồn vốn này chính là nguyên nhân đằng sau làn sóng các biệt thự do người Nga và Trung Quốc sở hữu mọc lên như nấm ở đảo Síp.

Chi phí nhập tịch Malta rẻ hơn: tối thiểu là 650.000 euro, thêm 25.000 euro cho vợ hoặc con. Tuy nhiên quá trình làm thủ tục phải mất tới vài năm và khoảng 1/3 số đơn bị từ chối. Một khoản đóng góp đơn lẻ cũng có thể vượt quá số tiền thuế thu nhập cá nhân mà 1 người Malta phải nộp cả đời.

Ngành này đang bị ảnh hưởng bởi những vụ tai tiếng liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia. Những kẻ vi phạm lệnh cấm vận Iran bị bắt với hộ chiếu St Kitts trong túi; Jho Low, nghi can trong vụ bê bối tham nhũng khổng lồ liên quan đến Chính phủ Malaysia cũng có hộ chiếu St Kitts. OECD nhận định những chương trình đầu tư đổi lấy hộ chiếu có thể trở thành lỗ hổng để trốn thuế.

St Kitts đang cố gắng lấy lại uy tín. Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Chính phủ quốc đảo này đã thu hồi hàng nghìn cuốn hộ chiếu và phát hành những cuốn mới có đầy đủ thông tin chi tiết hơn về chủ nhân của chúng. Động thái này được thôi thúc sau khi Canada quyết định bãi bỏ chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho người đến từ quốc đảo này và cả Antigua. St Kitts cũng thuê 1 công ty quản trị rủi ro quốc tế kiểm toán chương trình của mình.

Không chỉ các quốc đảo thu hút sự chỉ trích. Các nước giàu có cũng có những chương trình tương tự mà điển hình là Mỹ. Mỗi năm chương trình EB-5 của Mỹ cho phép hàng nghìn người nước ngoài tới sống và làm việc nếu như họ đầu tư 1 triệu USD (hoặc 500.000 USD nếu vào cùng có tỷ lệ thất nghiệp cao trong danh sách ưu tiên) và tạo ra ít nhất 10 việc làm. Lùm xùm liên quan đến người nhà của con rể Tổng thống Trump cũng khiến chương trình này bị ảnh hưởng. Một số nghị sĩ Mỹ muốn xóa bỏ nó.

Các nước giàu luôn muốn phân biệt rạch ròi giữa họ và các quần đảo, nhưng rõ ràng ranh giới ấy ngày càng mờ nhạt. Kể từ khủng hoảng tài chính, một nửa số nước trong OECD đã bắt đầu bán hộ chiếu. Ở Anh, nhà đầu tư càng rót nhiều tiền (tối đa là 10 triệu bảng) thì sẽ càng được nhập tịch nhanh chóng.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên