MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Soi" hoạt động tín dụng của ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống

18-03-2018 - 07:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Từng là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém bị buộc phải tái cơ cấu, TPBank đã nỗ lực xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng, sản phẩm tín dụng để trở thành ngân hàng có nợ xấu ở mức thấp nhất trong hệ thống.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có kế hoạch sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm 2018, có thể là ngay trong quý 2. 

Trên thị trường OTC, cổ phiếu của TPBank đã tăng mạnh từ khi có thông tin lên sàn, hiện đã ở quanh 28.000 – 29.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi so với cách đây chưa đầy một năm.

Còn trong ngành, TPBank từng được biết đến là 1 trong 9 ngân hàng bị buộc phải tái cơ cấu hồi năm 2012 dưới cái tên Tienphongbank. Tuy nhiên kể từ khi được nhóm cổ đông mới là anh em nhà ông Đỗ Minh Phú (chủ tịch tập đoàn DOJI) rót tiền vào, TPBank không chỉ thay tên đổi nhận diện thương hiệu, mà còn "lột xác" đến khó tin. Từ một ngân hàng yếu kém 6 năm trước, TPBank giờ đây lọt vào nhóm ngân hàng lợi nhuận nghìn tỷ và có nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Trong các báo cáo tài chính của ngân hàng từ 2015 tới 2017 cho thấy, TPBank đã tăng trưởng khá nhanh ở các chỉ tiêu chính như tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ tín dụng, nhờ vậy mà lợi nhuận cũng bứt tốc mạnh. Dù vốn điều lệ của ngân hàng chỉ 5.842 tỷ nhưng hoạt động kinh doanh đang nằm trong nhóm tương đương với ngân hàng vốn cỡ chục nghìn tỷ.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2017, tổng giá trị huy động tại thị trường 1 và thị trường 2 của ngân hàng này đạt 112.031 tỷ đồng, chiếm 95,39% tổng nợ phải trả và tăng hơn 17,3% so với năm 2016. Trong đó, tiền gửi của khách hàng đạt 70.298 tỷ đồng, chiếm 59,86% tổng nợ phải trả, tiền gửi & tiền vay tổ chức tín dụng đạt 38.251 tỷ đồng, chiếm 32,57% tổng nợ phải trả.

Về tín dụng, trong giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng dư nợ cho vay của TPBank đã tăng 67,58% - nằm trong nhóm những ngân hàng cho vay tăng trưởng mạnh nhất. Ngân hàng tập trung chủ yếu vào các phân khúc khách hàng cá nhân và SME (chiếm khoảng 90% dư nợ).

Sản phẩm mũi nhọn của TPBank là cho vay ô tô và cho vay mua nhà. Theo lãnh đạo ngân hàng này, TPBank đang dẫn đầu thị trường về cho vay ô tô (vay mua ô tô phục vụ mục đích đi lại, cho vay mua ô tô phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh).

Về kỳ hạn vay, các khoản cho vay trung dài hạn chiếm 70,51% tổng dư nợ của TPBank tại thời điểm 31/12/2017 – tỷ lệ cao hơn hẳn so với mặt bằng chung toàn ngành.

Nhờ kiểm soát được tốt về sản phẩm cũng như đối tượng khách hàng, quản lý tốt rủi ro và áp dụng triệt để các biện pháp xử lý nợ nên nợ xấu của TPBank chỉ ở mức dưới 1% suốt 3 năm qua - là ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Bởi hoạt động tín dụng tích cực mà TPBank đã đẩy nhanh được tốc độ tăng về tổng tài sản, hiện ở mức trên 124.000 tỷ đồng – nằm trong nhóm ngân hàng tầm trung và tương đương tài sản của những nhà băng có vốn trên dưới 10.000 tỷ dù vốn điều lệ của TPBank chỉ ở mức 5.842 tỷ đồng.

Soi hoạt động tín dụng của ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống - Ảnh 1.

Chất lượng tín dụng của TPBank được kiểm soát tốt hàng đầu hệ thống trong 3 năm trở lại đây

Và cũng bởi tín dụng phát triển tốt nên TPBank tiếp tục duy trì tỷ trọng đóng góp của mảng này rất lớn trong tổng doanh thu. Tại thời điểm năm 2017, tổng thu nhập hoạt đồng thuần của ngân hàng đạt 3.609 tỷ đồng trong đó thu nhập lãi thuần chiếm tỷ trọng 88% tương đương với 3.172 tỷ đồng. Thu nhập thuần ngoài lãi đạt 437 tỷ đồng, chiếm 12%. Lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 1.668 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 1.200 tỷ đồng và sau thuế là 963 tỷ, tăng 70% so với năm 2016.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên