MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soi kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp có cổ phiếu tăng sốc - giảm sâu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng sốc - giảm sâu của các cổ phiếu giao dịch trên sàn. Một trong những nguyên nhân đó là ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến hiện tượng hàng loạt mã cổ phiếu tăng sốc, hoặc giảm sâu, hoặc thậm chí cả tăng sốc và giảm sâu trong một thời gian ngắn như QCG của Quốc Cường Gia Lai, NVT của Ninh Vân Bay, QBS của XNK Quảng Bình, DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam, DPG của Đạt Phương, HSG của Tập đoàn Hoa Sen.... Nguyên nhân diễn biến này liệu có phải từ kết quả kinh doanh? Hãy cùng “soi” kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp này.

Một trong những “hiện tượng” khiến không ít nhà đầu tư hao tâm tổn trí là cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai. Thời điểm đầu năm nay – và cả một thời gian dài trước đó nữa, giá mỗi cổ phiếu QCG chưa đủ mua bó rau, chỉ xấp xỉ 3 đến 4 ngàn đồng.

Hành trình của QCG bắt đầu từ giữa thăng 3 với những chuỗi tăng – giảm, đánh dấu bằng một chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp, và suýt phá đỉnh đạt được năm 2010 vào cuối tháng 6 vừa qua, ở mức giá xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tăng sốc, lại giảm sâu, sau khi lên đỉnh của 7 năm, cổ phiếu QCG bất ngờ giảm mạnh, hiện về quanh vùng giá 17.100 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu QCG tăng sốc giai đoạn đầu vào cuối quý 1 đầu quý 2 không đến từ kết quả kinh doanh. Quý 1/2017 Quốc Cường Gia Lai lãi chưa đến 2,5 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến cổ phiếu QCG tăng sốc là thông tin đến từ việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển.

Một điều đáng chú ý, quý 2/2017, khi Quốc Cường Gia Lai báo lãi kỷ lục hơn 200 tỷ đồng thì giá cổ phiếu QCG vẫn tiếp tục giảm sâu, từ mức giá gần 23.000 đồng hồi đầu tháng 8 nay còn hơn 17.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 25%.

Nếu xét từ đầu năm đến nay, cổ phiếu NVT của Ninh vân Bay, đã tăng gấp đôi, từ vùng giá 1.700 đồng/cp lên đến hơn 3.440 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Tuy nhiên, trước đó, giai đoạn giữa tháng 5, cổ phiếu NVT đã có lúc tăng vọt lên, chạm ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu NVT trong 6 tháng gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu NVT trong 6 tháng gần đây.

Việc cổ phiếu NVT giảm sâu thời gian gần đây có thể lý giải do kết quả kinh doanh không khả quan quý 2 vừa qua với khoản lỗ ròng bất ngờ lên tới gần 300 tỷ đồng – là khoản lỗ kỷ lục từ trước đến nay mà công ty từng ghi nhận. Nguyên nhân khoản lỗ đậm, cũng bởi Ninh Vân Bay phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi đối với khoản thu liên quan đến Du lịch Tân Phú gần 306 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã thổi bay kết quả quý 1, làm công ty còn ghi âm 295 tỷ đồng LNST lũy kế 6 tháng đàu năm 2017.

Trước đó, quý 1 Ninh Vân Bay lãi sau thuế hơn 14,4 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu này có 12 phiên tăng trần liên tiếp chạm ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu, bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 11/5/2017. Tuy nhiên, khi cổ phiếu tăng, hàng loạt lãnh đạo, cổ đông lớn đồng loạt bán ra đã khiến cổ phiếu NVT trải qua những phiên điều chỉnh mạnh do áp lực bán chốt lãi.

Đồ thị biến động giá cổ phiếu QBS của XNK Quảng Bình cũng khiến nhà đầu tư quan tâm. Công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ ICD Quảng Bình – Đình Vũ từ giữa năm 2017. Kết quả kinh doanh quý 2 công ty báo lãi đột biến gần 35,6 tỷ đồng, nâng tổng lãi tính từ đầu năm lên hơn 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 22,4 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu QBS trong 6 tháng gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu QBS trong 6 tháng gần đây.

Tuy nhiên cổ phiếu QBS đã bắt đầu tăng từ nửa cuối tháng 5/2017, khi thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 chưa được công bố. Thời điểm đó dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn, nhưng những cổ phiếu Bluechips lại không còn sức hấp dẫn do đã tăng quá mạnh, do vậy, việc chọn những cổ phiếu penny có tính ổn định là cơ hội tốt của các nhà đầu tư.

Dù kết quả kinh doanh năm 2016 không như kỳ vọng, nhưng năm 2017 QBS đặt mục tiêu đạt 3.900 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 85 tỷ đồng, và đặc biệt, lên kế hoạch thoái vốn tại DAP Vinachem để tập trung phát triển hoạt động kinh doanh. Trên BCTC hợp nhất quý 4/2016 của công ty, giá trị khoản đầu tư vào DDV đến cuối năm trên 295 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính lên đến 94,5 tỷ đồng.

Tăng trần 6 phiên kể từ ngày chào sàn, cổ phiếu DVN của Tổng Công ty Dược Việt Nam đã “phi” một mạch từ giá tham chiếu 10.400 đồng/cp lên đến đỉnh 32.600 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh), tương ứng tăng hơn gấp 3 lần giá chào sàn chỉ sau 6 phiên.

Cổ phiếu DVN dù mới lên sàn, đã tạo được sóng lớn.
Cổ phiếu DVN dù mới lên sàn, đã tạo được "sóng" lớn.

Điều khiến nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu Dược này là việc hiện Vinapharm đang sở hữu hàng loạt khu “đất vàng” ngay giữa thủ đô Hà Nội. Kể cả phiên IPO Tổng công ty diễn ra vào tháng 6/2016 cũng đã rất thành công, toàn bộ hơn 42,55 triệu cổ phần mang ra chào bán đã được các nhà đầu tư mua sạch.

Khu đất vàng 95 Láng Hạ có diện tích gần 3.280m2 của DVN.

Khu "đất vàng" 95 Láng Hạ có diện tích gần 3.280m2 của DVN.

Tuy nhiên, áp lực chốt lãi sau khi cổ phiếu lên sàn đã làm cổ phiếu DVN giảm mạnh, lượng khớp lệnh mỗi phiên vẫn lớn, nhưng giá cổ phiếu DVN vẫn tiếp tục giảm sâu, hiện về vùng giá 16.700 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), giảm gần một nửa so với vùng đỉnh đạt được đợt lên sàn.

Kết quả kinh doanh quý 2/2017 của Vinapharm không khả quan khi doanh thu đạt 1.570 tỷ đồng, bằng 53% cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế thu về hơn 60,5 tỷ đồng, giảm sút 47% so với quý 2 năm ngoái.

Cổ phiếu VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) tăng mạnh trước thông tin Kido chi ngàn tỷ để nắm quyền kiểm soát. Đến cuối tháng 5, Kido đã chính thức sở hữu 51% vốn điều lệ của Vocarimex sau 3 năm theo đuổi, tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giá cổ phiếu VOC bắt đầu giảm mạnh, từ mức giá xấp xỉ 30.000 đồng hồi đầu tháng 5, nay còn 22.800 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VOC cũng đã tăng nhanh và giảm sốc trong 6 tháng vừa qua.
Cổ phiếu VOC cũng đã tăng nhanh và giảm sốc trong 6 tháng vừa qua.

Đà giảm giá của VOC cũng một phần bởi kết quả kinh doanh không khả quan quý 2, khi Vocarimex không còn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ Dầu ăn Tường An. LNST riêng quý 2/2017 còn 37 tỷ đồng, giảm đến 67% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo lợi nhuận 6 tháng đầu năm còn 131 tỷ đồng, giảm gần 40% so với nửa đầu năm ngoái.

Kế quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của Vocarimex.

Kế quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của Vocarimex.

Một trong những cổ phiếu thường được nhắc đến với EPS hàng năm đều nằm trong TOP đầu các doanh nghiệp giao dịch trên sàn là DPG của Đạt Phương đã giảm sâu trong quý 2 vừa qua. Vừa chào sàn từ tháng 1/2017, cổ phiếu này đã “phi” một mạch lên vùng giá 140.000 đồng/cổ phiếu. Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào cổ phiếu DPG là kết quả kinh doanh. Năm 2016 Đạt Phương đạt tỷ suất lợi nhuận cao, EPS đạt 20.775 đồng.

Cổ phiếu LCG của Licogi 16 cũng tăng gần gấp 3 kể từ đầu năm 2017 đến nay, còn nếu chỉ tính riêng từ đầu quý 2 cũng đạt mức tăng trưởng trên 40%. Nguyên nhân hồi sinh cổ phiếu LCG bắt nguồn từ việc công ty dự kiến thoái vốn tại một số dự án bất động sản, cũng như Quốc Cường Gia Lai khi tính thoái vốn tại dự án Phước Kiển. Ngoài ra, đầu năm 2017 này Licogi 16 cũng trúng thầu được một số dự án BOT mà công ty giữ vai trò thi công chính.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017 cả Licogi 16 cũng rất khả quan với quý 2 lãi 28 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, động thái bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua vào 1 triệu cổ phiếu LCG của Chủ tịch Bùi Dương Hùng và một số lãnh đạo công ty cũng là đòn bẩy giúp giá cổ phiếu LCG tăng mạnh.

Những tăng giảm của các mã cổ phiếu trên thị trường thời gian vừa qua đến từ nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, nếu kể những người may mắn từ những đợt tăng/giảm này phải kể đến Chủ tịch Lê Phước Vũ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG).

Cổ phiếu HSG đã tạo ra nhiều sóng trong 6 tháng gần đây.
Cổ phiếu HSG đã tạo ra nhiều "sóng" trong 6 tháng gần đây.

Đầu tháng 6/2017 cổ phiếu HSG bất ngờ tăng mạnh, chinh phục đỉnh mới xấp xỉ 34.000 đồng/cổ phiếu. Nhanh chóng, ông Lê Phước Vũ bán ra hơn 9,58 triệu cổ phiếu với giá bình quân khoảng 32.000 đồng, thu về khoảng 300 tỷ đồng. Ngay khi ông Lê Phước Vũ bán xong, cổ phiếu HSG bất ngờ giảm sâu, có lúc xuống dưới 27.000 đồng/cổ phiếu và giữ nguyên vùng giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu đến tận hôm nay. À cũng thật may mắn, công ty riêng của ông Lê Phước Vũ lập tức đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu. Chênh lệch giữa giá bán của ông Vũ và giá có thể mua vào của công ty riêng, ông Vũ đã “lãi” một khoản lớn.

Cổ phiếu HSG đã tăng nhẹ 4 phiên giao dịch gần đây khi thông tin giá thép Trung Quốc vượt đỉnh đầu năm. Một trong những tin vui cả Hoa Sen là lượng hàng tồn kho tình đến cuối tháng 6/2017 của công ty trên 5.650 tỷ đồng, chỉ kém Hòa Phát. Trong đó lượng tồn kho nguyên liệu chiếm đến 44% tổng hàng tồn kho. Lượng tồn kho thành phẩm cũng đạt hơn 1.640 tỷ đồng.

Năm tài chính của Hoa sen Group bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Do vậy, tính đến 30/6, Hoa Sen Group đã hoàn thành 3 quý kinh doanh cho năm tài chính 2017. Doanh thu thuần trong quý III/2017 đạt mức 7.231 tỷ đồng, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 333 tỷ đồng, giảm 43,5% và lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 272 tỷ đồng, giảm 39,3% so với cùng kỳ.

Tuy lợi nhuận quý 2 giảm sút, nhưng lũy kế 9 tháng, HSG đạt tổng doanh thu 19.210 tỷ đồng, tăng 49%; lợi nhuận trước thuế 1.386 tỷ đồng, tăng 1,1%; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.127 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Một trong những cổ phiếu đang được quan tâm thời gian gần đây trên sàn chứng khoán là TSC của Nông nghiệp Cần Thơ và HAI của Nông Dược HAI. TSC của Nông nghiệp Cần thơ đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá từ 5.000 đồng lên 7.700 đồng/cổ phiếu rồi bất ngờ giảm sàn 5 phiên liên tiếp, hiện lại quay về giá 5.210 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu TSC trong 6 tháng gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu TSC trong 6 tháng gần đây.

Còn cổ phiếu HAI của Nông dược HAI đã có 22 phiên tăng trần liên tiếp, nâng giá cổ phiếu lên gấp 4 lần, từ 5.200 đồng/cổ phiếu lên đến hơn 24.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng như TSC, cổ phiếu HAI bất ngờ giảm sàn 7 phiên liên tiếp sau đó, và hiện về giá 13.650 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu HAI triong 6 tháng gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu HAI triong 6 tháng gần đây.

Nguyên nhân tăng vọt và giảm sâu của cả 2 cổ phiếu này đều không xuất phát từ kết quả kinh doanh, do kết quả đạt được quý 2 năm nay không có nhiều biến động so với cùng kỳ, thậm chí Nông nghiệp Cần Thơ còn có LNST lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,2 tỷ đồng, giảm sâu so với hơn 32 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Điều khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào 2 cổ phiếu này có lẽ bởi sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. TSC dự kiến không phát hành cổ phiếu tăng vốn, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu nhằm tăng tính chủ động và cải biên lợi nhuận. TSC cũng cho biết dang năm 2017 sẽ không còn kinh doanh mảng thuốc bảo vệ thực vật, tập trung vào FIT Consumer cũng như Westfood.

Nông dược HAI đã có công văn xin hướng dẫn để mở room ngoại lên 100% nhằm thu hút được lượng đầu tư lớn của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, là trợ lực để công ty hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra, tạo cơ hội hớp tác quốc tế lâu dài.

Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tăng sốc - giảm sâu còn phải kể đến TV1 của CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 1; TV2 của Tư vấn xây dựng Điện 2, CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và phát triển đô thị....

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu của một doanh nghiệp tăng sốc hoặc giảm sâu chỉ trong 1 thời gian ngắn. Những nguyên nhân đó có thể đến từ kết quả kinh doanh, từ những thông tin về hoạt động, hay từ những thông tin có liên quan, ảnh hưởng….hay thậm chí, có lúc chỉ vì các nhà đầu tư bất ngờ “yêu thích” hay “ghét bỏ” cổ phiếu đó. Do vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định rót tiền vào bất cứ mã cổ phiếu nào.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên