MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Soi" khối nợ xấu hơn 50.000 tỷ đồng tại 3 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank, BIDV

01-11-2021 - 10:29 AM | Tài chính - ngân hàng

"Soi" khối nợ xấu hơn 50.000 tỷ đồng tại 3 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank, BIDV

Sau nhiều nỗ lực và đã đưa nợ xấu về mức thấp kỷ lục hồi đầu năm, nợ xấu tại Vietcombank và Vietinbank có xu hướng tăng mạnh trở lại trong quý III/2021. Trong khi đó, nợ xấu tại BIDV lại có diễn biến khả quan hơn.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tổng nợ xấu nội bảng của 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV là hơn 50.400 tỷ đồng, tăng 14.300 tỷ đống so với hồi đầu năm, tương đương tăng 40%. Diễn biến nợ xấu tại từng ngân hàng có sự khác biệt.

Soi khối nợ xấu hơn 50.000 tỷ đồng tại 3 ông lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV - Ảnh 1.

Tại Vietcombank, cuối tháng 9/2021, nợ xấu đã lên mức 10.884 tỷ đồng, tăng 108% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đột ngột tăng mạnh, cụ thể, nhóm nợ này cuối tháng 9 là 3.122 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần chỉ trong quý 3 và so với đầu năm đã tăng tới 14 lần. Đồng thời, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của Vietcombank cũng tăng 122% trong 9 tháng đầu năm lên 1.483 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 45% lên 6.279 tỷ đồng và chiếm 58% trong cơ cấu nợ xấu của Vietcombank.

Sau thời gian dài duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, chỉ loanh quanh 0,6-0,8%; đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank đã lên 1,16%.

Soi khối nợ xấu hơn 50.000 tỷ đồng tại 3 ông lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV - Ảnh 2.

VietinBank cũng có diễn biến tương tự ở nợ nhóm 3. Cụ thể, cuối tháng 9, nợ nghi ngờ của nhà băng này đã lên 11.630 tỷ đồng, gấp 7 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 4 cũng tăng mạnh 57% lên 2.923 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại có diễn biến tích cực. Nhóm nợ này cuối tháng 9 là 3.543 tỷ đồng, bất ngờ giảm mạnh hơn 8.700 tỷ đồng trong quý III, tương đương giảm tới 71%.

Theo đó, nợ xấu của VietinBank cuối quý III là 18.097 tỷ đồng, tăng 90% so với đầu năm. Hiện nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 20% trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của VietinBank tăng từ 0,94% hồi đầu năm lên 1,67% cuối tháng 9/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 118%.

Soi khối nợ xấu hơn 50.000 tỷ đồng tại 3 ông lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV - Ảnh 3.

Nợ xấu tại BIDV lại có diễn biến khả quan hơn so với với 2 ngân hàng trên khi duy trì đi ngang so với đầu năm, cuối tháng 9 ở mức 21.433 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 85%, nợ nhóm 4 tăng 28%, nợ nhóm 5 lại giảm 16% xuống 13.881 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,76% xuống 1,61%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 140%.

Soi khối nợ xấu hơn 50.000 tỷ đồng tại 3 ông lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV - Ảnh 4.

Trước việc nợ xấu đang tăng mạnh và lo ngại tác động của dịch Covid-19, cả 3 ngân hàng đều đã tăng mạnh chi phí dự phòng trong năm nay.

Vietcombank đã tăng chi phí dự phòng lên 8.012 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tại thời điểm cuối tháng 9, ngân hàng đang có hơn 26.432 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 243%.

Tương tự, chi phí dự phòng của VietinBank và BIDV lần lượt tăng 22% lên 14.004 tỷ đồng, tăng 44% lên 23.194 tỷ đồng.

Việc xử lý nợ xấu của những nhà băng này cũng được đẩy mạnh khi tích cực rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo, khoản nợ để thu hồi nợ. Như BIDV, chỉ trong tháng 9, ngân hàng có tới cả trăm lần thông báo đấu giá tài sản, trong đó nhiều tài sản đã rao bán đến cả chục lần, thậm chí cá biệt có tài sản đấu giá tới lần thứ 42. Giá bán cũng được giảm mạnh, thậm chí với một số khoản nợ, BIDV chỉ đưa ra giá khởi điểm bằng với dư nợ gốc.


Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên