"Soi" năng lực của "ông trùm" Minh Quân - công ty thu gom rác nợ lương nhân viên 6 tháng
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (tiền thân là Công ty Minh Quân) được thành lập vào tháng 5/2007. Thế nhưng chỉ trong 13 năm (2007-2020), công ty này đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khoảng 20 lần.
- 27-06-2021Tp.Thủ Đức vận động miễn giảm tiền thuê phòng trọ cho công nhân, người lao động
- 26-06-2021Công trình nhà 22 tỷ của Thuỷ Tiên vẫn đang xây dựng giữa dịch phức tạp, xuất hiện loạt công nhân không đeo khẩu trang
- 26-06-2021Nước mắt những công nhân thu gom rác bị nợ lương ở Hà Nội: Con nhỏ nghỉ học vì xấu hổ, người bị cụt chân mò mẫm trong rác
Những ngày gần đây, thông tin về việc hơn 200 công nhân môi trường thuộc Công ty Minh Quân bị nợ lương, nhiều người phải đi nhặt ve chai kiếm sống gây xôn xao dư luận.
Trước nỗ lực đòi lương của người lao động và sức ép từ nhiều phía, ngày 19/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (đổi tên từ Công ty Minh Quân), mới trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại sẽ thanh toán trước ngày 10/7.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin hơn 200 lao động lĩnh vực vệ sinh môi trường bị nợ lương.
Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân vệ sinh môi trường, báo cáo thành phố trước ngày 30/6/2021.
Chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê ở Thái Bình) là một trong những công nhân bị công ty Minh Quân nợ lương. Ngoài giờ làm việc, chị Uyên còn nhặt thêm vỏ chai, giấy... để bán, kiếm thêm thu nhập.
Ông Đăng bị tai nạn nghề nghiệp, mất 1 chân đã hơn 20 năm nay, ông kiếm được từ 50 - 70 nghìn đồng từ công việc dọn rác kiếm sống. Thế nhưng đến đầu năm 2020, công ty Minh Quân trả lương chậm rồi sau đó nợ lương ông 7 tháng.
Từng trao đổi với báo Người Lao động, đại diện CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội cho biết, so với thời điểm đấu thầu ban đầu, khối lượng rác mà doanh nghiệp (DN) vận chuyển đã phát sinh rất nhiều.
Nguyên nhân của việc nợ lương một phần là do khối lượng rác đã được nghiệm thu cũng như khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng mà công ty thực hiện chưa được thanh toán kịp thời, gây nhiều khó khăn cho DN. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm vẫn chưa chi trả hết số tiền còn lại cho DN.
Trong khi đó, đại diện quận Nam Từ Liêm cho rằng dù lý do gì đi nữa thì CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội vẫn không thể thoái thác việc trả lương cho công nhân. Liên đoàn lao động TP Hà Nội đã chỉ đạo liên đoàn lao động các quận liên quan phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận yêu cầu DN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với công nhân.
THƯỜNG XUYÊN "OM" LƯƠNG CÔNG NHÂN
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân trúng gói thầu thu gom rác từ năm 2017 - 2020 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Đến cuối năm 2020, Công ty này đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.
Vì không trúng gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2021 nên cuối năm 2020, CTCP Tập đoàn Nam Hà Nội đã chấm dứt hợp đồng lao động với gần 80 công nhân này.
Dù được coi là một trong những "ông trùm" thu gom rác của Hà Nội, tuy nhiên, quá trình xử lý rác thải, Công ty Minh Quân nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội đã từng để lại nhiều tai tiếng.
Trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2020, Công ty Minh Quân đã trúng gần 30 gói thầu trên địa bàn Hà Nội với tổng trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tại 9 quận, huyện nơi Công ty Minh Quân nhận thầu vệ sinh môi trường thường xuyên xảy ra chậm lương dẫn đến việc công nhân đình công, rác rải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường dân cư liên tục lặp lại.
Công ty Minh Quân từng khiến Hà Nội "ngập chìm" trong rác. Ảnh minh họa
Ngoài những yếu kém về năng lực xử lý rác thải, công ty cũng từng vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động. Chỉ riêng tại quận Nam Từ Liêm, công ty còn nợ lương (từ tháng 7 đến 12/2020) của 80 công nhân đã nghỉ việc hơn 1,8 tỷ đồng.
Không chỉ thường xuyên nợ lương người lao động, mà doanh nghiệp này còn nợ cả bảo hiểm xã hội.
Theo công bố của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2019, Minh Quân nợ bảo hiểm xã hội của 656 lao động trong 12 tháng là gần 10 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2019, Minh Quân liên tục bị "bêu tên" do nợ đóng bảo hiểm xã hội 16 tháng của 590 lao động, với số tiền lên tới hơn 13 tỷ đồng.
Tính đến trước tháng 11/2020, hơn 800 công nhân, người lao động của Công ty Minh Quân bị doanh nghiệp này nợ đọng tiền BHXH lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Ngày 10/12/2020, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội thông tin, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân mới khắc phục toàn bộ số tiền nợ BHXH lên tới 20 tỷ 250 triệu đồng, tính đến hết tháng 11/2020.
NĂNG LỰC YẾU KÉM NHƯNG LIÊN TỤC TRÚNG NHỮNG GÓI THẦU "KHỦNG"
Sau khi trúng thầu thu gom rác từ năm 2017 - 2020 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa được bao lâu thì ngay trong tháng 3/2017, công ty này đã liên tục gặp "phốt".
Đỉnh điểm vào ngày 4/3/2017, doanh nghiệp môi trường này đã đổ "trộm" khoảng 80 tấn rác sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm), ngay sau khi tiếp quản địa bàn có vài ngày.
Mặt khác, sau đó không hiếm thời điểm rác thải thường xuyên được tập kết tràn lan tại nhiều khu vực đông dân cư, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông. Thậm chí, rác còn lưu trữ qua đêm, không hề có biện pháp che chắn, nước rỉ rác từ các xe cẩu chảy lênh láng dọc nhiều tuyến đường, bốc mùi hôi thối…
Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, có thời điểm (từ ngày 1/10/2019 - 6/10/2019), khối lượng rác thải mà Công ty Nam Hà Nội thu gom về xử lý bằng 0, trong khi khối lượng mỗi ngày cần thực hiện là hơn 40 tấn.
Được biết, nguyên nhân của thực trạng này là do lực lượng lao động của công ty lúc bấy giờ đình công vì bị nợ lương nhiều ngày.
Theo ghi nhận của Tuổi trẻ vào ngày 13/6/2021, mặc dù là ngày làm việc nhưng trụ sở Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội "không bóng người" Ảnh: Quang Thế.
Trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội rộng khoảng 20m2. Ảnh: Quang Thế.
Tuy nhiên, trái ngược lại với năng lực yếu kém trong xử lý rác thải, tỉ lệ trúng thầu của công ty này tại các dự án ở Hà Nội đạt mức rất cao: 96,55%. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, Tập đoàn Nam Hà Nội đã tham gia 29 gói thầu, trong đó 28 gói trúng và 1 gói chưa có kết quả.
Tháng 3/2017, công ty này chính thức bước chân vào lĩnh vực môi trường khi trúng 6 gói thầu, trị giá hơn 1.150 tỷ đồng; tham gia duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn 9 quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mỹ Đức với cả tư cách độc lập lẫn liên danh.
Để thâu tóm những "địa bàn" này, Công ty Nam Hà Nội đã phải vượt qua hàng loạt các đối thủ "nặng ký", có bề dày kinh nghiệm như: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long...
Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn này, Công ty Nam Hà Nội còn trúng thêm nhiều gói thầu khác, như gói thầu chiếu sáng công cộng, xây lắp trường học, giao thông, công trình văn hóa, chỉnh trang đô thị... tại Hà Nội với tổng số lượng gần 30 gói.
Theo cam kết của Nhà thầu Minh Quân, thời hạn cung cấp dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội là đến ngày 31/12/2020.
Tuy vậy, sau những lùm xùm bị tố thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực khiến rác thải bị tồn đọng từ ngày này sang ngày khác, vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường,... giai đoạn 2021 – 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội đã bị loại ra khỏi rất nhiều bài thầu.
CÔNG TY MINH QUÂN CỦA AI?
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội được thành lập vào tháng 5/2007, có địa chỉ trụ sở chính ở số 28A, TT10, khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội với vốn điều lệ là 59 tỷ đồng, ngành nghề chính theo đăng ký kinh doanh là xây dựng và buôn bán phụ tùng máy.
Thế nhưng chỉ trong 13 năm (2007-2020), Công ty này đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khoảng 20 lần. Điều đáng chú ý là cứ sau mỗi lần trúng thầu lên tới hàng nghìn tỷ, công ty đều liên tục thay đổi Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.
Năm 2016 là ông Phùng Minh Đạt, đến tháng 1/2018 là bà Đinh Thị Dung, đến tháng 8/2018, lại được thay thế bởi ông Phạm Toàn Phước và bước sang năm 2020 là ông Nguyễn Thanh Tùng. Đặc biệt, trong vòng 2 năm từ tháng 8/2018 đến năm 2020 vị trí này tiếp tục được thay đổi 7 lần.
Tới tháng 11/2020, đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Khắc Công sau khi đổi tên từ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.
Trong 13 năm kể từ ngày thành lập, Công ty Minh Quân đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khoảng 20 lần.
Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, đại diện pháp luật của Tập đoàn Nam Hà Nội hiện nay là ông Trần Quang Tuấn (SN 1965). Công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Ngoài Tập đoàn Nam Hà Nội, doanh nhân sinh năm 1965 này cũng là chủ sở hữu Công ty TNHH Tuấn Tú Phú Thọ hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực chuẩn bị mặt bằng sân gôn.
Cơ cấu tài sản cho thấy, công ty phụ thuộc rất nhiều vào các khoản vay nợ. Theo thông tin của Dân Việt, Công ty Nam Hà Nội duy trì nợ phải trả ở mức có 1 đồng đi vay 4 đồng, đây là tỷ lệ đòn bẩy tài chính đáng báo động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kể cả với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể, năm 2016 trong khi vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ đạt 61,8 tỷ đồng thì nợ phải trả đã lên xấp xỉ 214 tỷ đồng, tương đương hệ số 3,5 lần.
Kéo dài sang các năm kế tiếp, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội năm 2017 và 2018 duy trì lần lượt ở mức 3,7 và 3,1 lần. Đặc biệt đến năm 2019, hệ số này tăng vọt lên 4,3 lần.
(Đồ họa: Nhà đầu tư)
Trái ngược với sự phình to của các khoản nợ, doanh thu của Công ty Nam Hà Nội khá èo uột và trồi sụt, xu hướng giảm rõ rệt trong giai đoạn 2017 - 2019.
Tờ VietnamFinance cho biết, với cơ cấu nhân sự 5 thành viên (công ty mẹ), Minh Quân đem về 200 tỷ đồng doanh số vào năm 2016, tăng gấp rưỡi lên gần 300 tỷ đồng năm kế tiếp... tuy nhiên đến năm 2019 bất ngờ sụt mạnh còn 130 tỷ đồng.
Có thể thấy, khả năng sinh lời của Minh Quân những năm qua rất yếu kém, và nếu không có sự bứt phá ra khỏi xu hướng kinh doanh thụt lùi thì không ngoại trừ khả năng doanh nghiệp đã gánh một khoản lỗ vào cuối năm 2020.
Doanh nghiệp và tiếp thị