"Soi" năng lực liên danh Vietur vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu 35.000 tỉ sân bay Long Thành
Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với gói thầu 35.000 tỉ đồng sân bay Long Thành.
- 02-08-2023Một liên danh 'rộng cửa' tại gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành
- 01-08-2023Xôn xao thông tin xác định được đơn vị trúng thầu gói 35.000 tỷ đồng xây sân bay Long Thành
- 28-07-2023Hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 sân bay Long Thành.
Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách này có tổng giá trị hơn 35.000 tỉ đồng, là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành.
Theo công bố của ACV, liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật là Vietur. Đứng đầu liên danh Vietur là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas của Thổ Nhĩ Kỳ. ACV cũng mời đại diện của liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4-8 tới đây.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1
Gói thầu 5.10 có tổng giá trị 35.000 tỉ đồng có 2 vòng mở thầu. Vòng đầu tiên là mở hồ sơ về yêu cầu kỹ thuật, vòng thứ 2 là mở hồ sơ về tài chính. Liên danh Vietur là đơn vị duy nhất trong 3 liên danh dự thầu, đã vượt qua vòng đầu tiên và đang đi đến vòng thứ 2.
Tham dự đấu thầu gói thầu 5.10 có 3 liên danh. Ngoài liên danh Vietur còn có liên danh Hoa Lư gồm 7 nhà thầu trong nước và một nhà thầu Thái Lan; một liên danh khác do China Harbour Engineering Company (CHEC) đứng đầu, cùng với một công ty khác cũng đến từ Trung Quốc là Beijing Construction (BCEG).
Liên danh Vietur với đơn vị đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Ic Istas). Đơn vị này được thành lập năm 1969, trực thuộc tập đoàn IC Holding có trụ sở chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tập đoàn Ic Istas có tổng doanh thu hàng năm lên tới 5 tỉ USD, hoạt động ở nhiều lĩnh vực: xây dựng, đầu tư hạ tầng, năng lượng, du lịch, công nghiệp trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài các dự án lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ic Istas đã thi công rất nhiều công trình lớn như cây cầu Bosphorus số ba nối giữa hai châu lục Á – Âu, nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, đường lăn và nhiều công trình phụ trợ nhà ga tại dự án sân bay quốc tế St. Petersburg Pulkovo quy mô 20 triệu hành khách mỗi năm.
Trong liên danh này còn có các nhà thầu thành viên là những đơn vị trong nước nằm trong hệ sinh thái do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như: Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Kết cấu ATAD, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.
Trong khi đó, liên danh do Vinaconex đứng đầu mới hoàn thành gói thầu xây dựng nhà ga hành khách T2- sân bay Phú Bài trị giá gần 2.300 tỉ đồng.
Liên danh này còn có sự tham gia của các nhà thầu tên tuổi trong lĩnh vực đặc thù như Atad - chuyên về thép chất lượng cao; Hawee - chuyên về cơ điện.
Atad thành lập năm 2004 và đã thực hiện hơn 3.500 công trình trên hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Liên danh Vietur đang được đánh giá cao khả năng thực hiện gói thầu số 5.10 của dự án thành phần ba sân bay Long Thành nhằm đảm bảo các tiêu chí về tiến độ thi công, chất lượng kỹ thuật thi công và giá thành xây dựng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Người lao động