‘Soi’ năng lực tài chính của Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam
Dù được lựa chọn để thực hiện đấu giá biển đẹp nhưng Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam có tài sản chỉ vài tỷ đồng, hoạt động kinh doanh liên tục báo lỗ.
Theo thông tin đã được đăng ký, Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam hoạt động từ đầu năm 2019. Người đại diện pháp luật là bà Lâm Thị Mai Anh.
Trụ sở chính của doanh nghiệp này có địa chỉ tại BT5-16(03), khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, TP Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ đăng ký quản lý thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên các hoạt động về giám sát đấu giá của Công ty đấu giá hợp danh lại được giới thiệu ở L4-05 Tầng 4 Toà nhà N02 - TNL PLAZA GOLDSEASON 47 phố Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Công ty này từng có chi nhánh tại Hải Phòng. Số lượng đấu giá viên của công ty là 5 người.
Về năng lực tài chính, doanh nghiệp này được cho là không có nhiều nổi bật, thậm chí nhiều giai đoạn thể hiện hoạt động kinh doanh “bết bát”.
Các dữ liệu tài chính thể hiện, năm 2019, là năm đầu tiên hoạt động. Công ty có quy mô tài sản ở mức hơn 6 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2022 vừa qua, khối tài sản đã hao hụt về mức hơn 5 tỷ đồng.
Năm 2019, dù đánh dấu năm đầu tiên hoạt động, công ty chỉ có mức doanh thu vỏn vẹn hơn 140 triệu đồng. Năm thứ 2 khoản doanh thu này tăng vọt lên hơn 450 triệu. Tuy nhiên, sau đó một năm, giá trị doanh thu sụt giảm về mức 69 triệu đồng và đến năm 2022 gần như không ghi nhận mức lợi nhuận nào.
Các khoản lợi nhuận của công ty cũng liên tiếp bị báo lỗ. Mức lỗ năm 2019 là gần 60 triệu và tăng lên lỗ hơn 200 triệu vào năm 2022.
Trước đó, Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam được lựa chọn là đơn vị đứng ra thực hiện công tác đấu giá biển số đẹp. Theo lý giải của cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp này được lựa chọn là vì trang thông tin đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam có sẵn chức năng tích hợp với hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an.
Trên trang thông tin đấu giá trực tuyến của đơn vị này cũng có sẵn cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đảm bảo an ninh an toàn, chức năng tích hợp với Hệ thống đăng ký, quản lý xe và Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Cục Cảnh sát giao thông.
Tuy nhiên, theo ghi nhận từ phiên đấu giá đầu tiên, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho phiên đấu giá “biển đẹp” của Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam chưa đáp ứng được tình hình. Hàng trăm người dân, khách hàng theo dõi phiên đấu giá đã bày tỏ sự thất vọng, lo lắng.
Tại buổi thông tin với báo chí ngày 22/8, bà Lâm Thị Mai Anh, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam gửi lời xin lỗi khách hàng vì buổi đấu giá biển số ô tô đã bị "thất bại".
Cụ thể, bà Lâm Thị Mai Anh, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, theo thông báo số 04/2023 TB-VPA ngày 18/8/2023 của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá trực tuyến 11 biển số ô tô của 10 tỉnh, thành phố.
Để chuẩn bị cho phiên đấu giá thứ nhất, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã triển khai chu đáo, tổ chức nhiều phiên đấu giá thử nghiệm cho cá nhân, tổ chức tham gia trải nghiệm.
Đến ngày 21/8, hệ thống đấu giá biển số ô tô đã cơ bản vận hành một cách thông suốt. Tuy nhiên sau đó, theo bà Mai Anh, từ 8h ngày 22/8, do lượng truy cập vào trang đấu giá trực tuyến (https:// dgbs.vpa.com.vn) đã tăng cao đột biến, dẫn đến hệ thống kỹ thuật gặp sự cố, khách hàng không truy cập được vào phòng đấu giá biển số. Lý giải về sự cố, đại diện công ty cho biết hiện đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Thời gian tổ chức lại cuộc đấu giá sẽ được Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam thông báo tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Đối với những khách hàng đã nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước và tham gia đấu giá 11 biển số ô tô ngày 22/8, sẽ được đảm bảo giữ nguyên quyền lợi khi tham gia đấu giá cuộc đấu giá tiếp theo đúng Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô và quy chế đấu giá đã ban hành.
vtc.vn