MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống chung với nhiễm mặn

17-04-2016 - 08:52 AM | Thị trường

Những ngày này, khi những cánh đồng vốn xanh mướt màu xanh của lúa đã nứt nẻ vì khô hạn, nhiễm mặn, người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu tập sống chung với nhiễm mặn.

Sống thế nào và sản xuất thích nghi ra sao là những câu hỏi không dễ có câu trả lời nếu như không có sự nhập cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính người dân.

Thay đổi thói quen

Theo phân tích của ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chia thành các vùng bao gồm: Vùng phù sa ngọt giữa sông Tiền - sông Hậu là vùng sản xuất 3 vụ lúa chắc ăn suốt năm; vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên cũng là vùng sản xuất lúa 3 vụ nhưng còn tùy thuộc vào nước lũ từ sông Mekong vào Việt Nam; diện tích còn lại là vùng ven biển phần lớn sản xuất 1 và 2 vụ lúa. Riêng về ảnh hưởng xâm nhập mặn hiện chủ yếu phân bổ ở vùng ven Biển Đông và một ít ở vùng Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau... với tổng diện tích khoảng hơn 750.000 ha.

"Khô hạn, xâm nhập mặn dự báo còn kéo dài đến tháng 6 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất đến số diện tích lúa trên. Theo tôi đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất khi không coi nước mặn như kẻ thù mà nhanh chóng có những giải pháp giúp nhà nông thích ứng. Những giải pháp đó bao gồm: Thay đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, chọn giống thích nghi tốt với điều kiện mới, tổ chức lại sản xuất ở những khu vực bị nhiễm mặn hoành hành...", GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho hay.

Thông qua số liệu từ các trạm quan trắc trên hệ thống sông Cửu Long, Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ cho biết vẫn còn lượng nước khoảng 1.500 m3/giây và hiện khu vực An Giang, một phần TP Cần Thơ và Đồng Tháp nước mặn vẫn chưa xâm nhập đến. Tận dụng lợi thế này, ngành chức năng có thể kết nối hệ thống các công trình thủy lợi lớn như Gò Công - Bảo Định, Quản Lộ - Phụng Hiệp và Nam Mang Thít tạo thành các hồ chứa nước tạm thời. Ngoài ra sẽ đắp một số đê ngăn mặn ưu tiên cấp nước cho mục đích sinh hoạt của người dân. Riêng những vùng lúa mà nước mặn chưa xâm nhập, ngay lúc này nhà nông cần áp dụng những biện pháp tưới tiết kiệm nhằm hạn chế hoang phí nguồn nước ngọt.

"Các nhà quản lý phải thay đổi thói quen khi những công trình thủy lợi không chỉ giành cho trồng lúa mà còn để phục vụ những nhu cầu gia tăng lợi ích khác như: nuôi trồng thủy sản, cây màu... Sản xuất nông nghiệp nên hướng đến việc nâng cao giá trị thay vì chỉ chạy theo số lượng như thời gian trước đây và mạnh dạn đầu tư giúp nhà nông, doanh nghiệp áp dụng các kỹ thuật sản xuất hiện đại nâng cao được lợi nhuận", ông Xuân nhấn mạnh.

Mạnh dạn chuyển đổi

Vụ đông xuân năm nay nông dân trong nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã chuyển hơn 1.600 ha đất lúa sang trồng các loại rau màu như hành, hẹ, dưa leo, mướp đắng... Ngay từ đầu vụ, chi cục đã khuyến cáo nông dân về tác hại của hạn, mặn và hướng dẫn nhà nông các kỹ thuật yên tâm chuyển đổi sang cây màu phù hợp, hạn chế được thiệt hại do trồng lúa.

Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, ngay đầu năm 2016 tỉnh đã chỉ đạo bà con nông dân ở những vùng sản xuất lúa thường bị nhiễm mặn phải xuống giống sớm hơn các vụ trước và nếu không xuống giống được do thiếu nước, thì phải có giải pháp chuyển đổi cây trồng khác như chuyển sang trồng rau màu, dừa, cây ăn trái hoặc trồng cỏ nuôi bò.


Nhiều diện tích đất của Cà Mau bị hạn hán và xâm nhập mặn. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Nhiều diện tích đất của Cà Mau bị hạn hán và xâm nhập mặn. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Còn tại huyện Mỹ Xuân (Sóc Trăng) bà con đã biến đất ven biển nhiễm mặn thành vùng đất cho lợi nhuận cao. Cụ thể người dân đã chủ động chuyển từ chuyên trồng lúa sang mô hình lúa - tôm cho lợi ích gấp 4 - 5 lần trồng lúa và đang được bà con ở các huyện ven biển khác trong khu vực ĐBSCL học tập áp dụng. Theo đó bà con chỉ trồng vụ lúa khi mùa mưa bắt đầu. Khi mưa hết thì lúa cũng thu hoạch xong và nông dân sẽ cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, cua...

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng bị mặn xâm nhập trong vụ hè thu, từ trồng lúa sang cây bắp hoặc đậu nành là vấn đề đang được đặt ra. Tại những vùng ven biển đang sản xuất lúa 3 vụ, có khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ chuyển sang những cây trồng cạn tạo ra vùng nguyên liệu lớn. Ngoài chuyển sang cây màu, các địa phương ven biển tỏ ra rất thích hợp với việc nuôi thủy sản, đặc biệt là con tôm và ngành nông nghiệp các địa phương cần có những quy hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền giúp nhà nông yên tâm chuyển đổi.

"Các địa phương cần bố trí thời vụ xuống giống lúa thật hợp lý để né tránh hạn, trong đó vụ hè thu 2016 cần tập trung vào tháng 4, tháng 5 và cương quyết không xuống giống lúa xuân hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm. Về lâu dài, các địa phương nên giảm diện tích trồng lúa ở những nơi có điều kiện bất lợi, chuyển sang cây trồng cạn. Ngành chức năng sẽ xây dựng những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công từ sản xuất đến thương mại, nỗ lực giúp nhà nông yên tâm chuyển đổi trên diện tích lớn...", ông Trung nói thêm.

Theo Lê Nghĩa

Báo tin tức

Trở lên trên