MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng gió nhân sự tại Gỗ Trường Thành

Vào ngày 24/6 tới, Gỗ Trường Thành sẽ tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Câu chuyện nhân sự một lần nữa là điểm nóng trong chương trình nghị sự.

Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới được mở ra từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương như CPTPP, EVFTA… cũng như sức tiêu thụ nội địa ngày càng lớn nhờ các công trình được xây dựng nhiều hơn.

Cùng với tiêu thụ nội địa, xuất khẩu đồ gỗ đã vươn lên kể từ sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. Giá trị xuất khẩu gỗ đã vượt cá tra để trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất mảng nông nghiệp với hơn 9,3 tỷ USD năm 2018. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng tốt cơ hội. Đại gia ngành gỗ Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) sau bê bối hàng tồn kho vẫn đang loay hoay chuyển mình.

Năm tháng huy hoàng vụt tắt

Được thành lập năm 1993 tại Đăk Lăk bởi doanh nhân Võ Trường Thành, Gỗ Trường Thành thâu tóm nhà máy Vinaprimart năm 2000 và đặt đại bản doanh tại Bình Dương, mở ra một thời kỳ huy hoàng của doanh nghiệp này.

Kinh doanh liên tục tăng trưởng giúp tên tuổi Gỗ Trường Thành được nhiều nhà đầu tư quan tâm, công ty đón cổ đông nước ngoài đầu tiên Quỹ Aureos Đông Nam Á (ASEAF) năm 2006. Sau đó là hàng loạt tên tuổi lớn tham gia như VinaCapital, KITMC, Tong Yang…

Sự lớn mạnh của Gỗ Trường Thành càng giúp doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng và đầu tư lớn. Năm 2007, TTF thành lập các công ty trồng rừng tại Đăk Lăk và Phú Yên với chấp thuận chủ trương đến 100.000 ha, năm 2008 thành lập 1 nhà máy tại Phú Yên và 1 nhà máy hiện đại nhất Việt Nam tại Bình Dương, năm 2010 tiếp tục đầu tư nhà máy thứ 8… TTF còn là một trong 30 doanh nghiệp đầu tiên được Chính phủ chọn vào Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Tuy nhiên, việc đầu tư lớn ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế khiến TTF bắt đầu gặp khó khăn, nhất là mặt tài chính. Doanh thu “vua gỗ” một thời này lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2012, báo hiệu những tháng năm tươi đẹp sắp kết thúc.

Sóng gió nhân sự tại Gỗ Trường Thành - Ảnh 1.

Doanh thu TTF lần đầu sụt giảm năm 2012. Nguồn BCTC của TTF.

Lãnh đạo TTF lúc bấy giờ giải thích việc buộc giảm nợ vay ngắn hạn 145 tỷ theo yêu cầu của các ngân hàng làm cho Công ty rơi vào giai đoạn khó khăn nhất về dòng tiền từ khi thành lập. Do đó, TTF không thể hoàn tất đơn hàng và xuất đúng hẹn cho khách, dẫn đến doanh số lần đầu tiên sụt giảm.

Xuất phát từ hàng tồn kho lớn từ năm 2008, cộng với dư nợ vay cao trong bối cảnh lãi suất cho vay quá cao, các công ty trong Tập đoàn đã phải trả lãi rất lớn cho ngân hàng trong nhiều năm qua (trung bình 230 tỷ/năm). Việc này gây áp lực lớn lên dòng tiền, chưa kể một số ngân hàng đã cắt giảm hạn mức trong năm 2012 và đầu năm 2013 càng làm cho nguồn vốn lưu động của công ty thêm khó khăn.

Những nỗ lực tái cấu trúc tài chính dưới bàn tay nhà sáng lập Võ Trường Thành giúp TTF có sự hồi phục sau đó. Hội nghị chủ nợ tháng 9/2013 thành công, ngân hàng giãn nợ và lãi vay đã giúp công ty có vốn hoạt động, tránh nguy cơ ngưng hoạt động.

Gỗ Trường Thành tiếp tục tái cơ cấu nợ tại các ngân hàng, ngoài ra công ty còn được bổ sung thêm vốn từ đợt phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng năm 2014. Do vậy, công ty quay đầu có lãi năm 2014.

Sóng gió nhân sự tại Gỗ Trường Thành - Ảnh 2.

Lợi nhuận TTF giai đoạn 2005-2018.

Tuy nhiên, mọi thứ đổ bể vào năm 2016 khi doanh nghiệp vướng vào bê bối hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng. Thương hiệu gỗ này lao đao khi thua lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, nợ vay lên cao kỷ lục hơn 2.600 tỷ đồng, giá cổ phiếu từ vùng đỉnh trên 40.000 đồng/cp lao xuống dưới 5.000 đồng/cp.

Cũng từ đây, biến cố nhân sự của TTF cũng diễn ra liên tục, nhiều nhóm nhà đầu tư đã tham gia giải cứu nhưng kết quả vẫn còn bỏ ngõ.

Liên tục đổi chủ

Sóng gió nhân sự của Gỗ Trường Thành nổi lên từ năm 2016 khi doanh nghiệp vướng vào các khoản nợ lớn cũng như bê bối gian lận hàng tồn kho.

Vào tháng 5/2016, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) quyết định chi ra 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn Gỗ Trường Thành. Theo đó, vị trí Tổng giám đốc cũng được chuyển giao từ ông Võ Trường Thành sang bà Vũ Tuyết Hằng đảm nhiệm.

Vingroup thậm chí còn có kế hoạch nâng sở hữu tại Gỗ Trường Thành lên tới 69% từ việc nhận mua thêm cổ phiếu để cấn trừ nợ. Tuy nhiên, Tân Liên Phát đã tạm ngưng chuyển đổi khoản nợ khi phát hiện ra một số sai lệch nghiêm trọng về lượng hàng tồn kho tại báo cáo tài chính của TTF.

Đến tháng 8/2016, ông Võ Trường Thành tiếp tục có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và chức danh cao nhất tại Gỗ Trường Thành này tiếp tục giao cho đại diện Vingroup là bà Vũ Tuyết Hằng thay thế.

Nhưng Tân Liên Phát cũng không gắn bó lâu khi liên tục bán ra cổ phiếu TFF từ cuối tháng 11/2016 đến 4/2017 để giảm lượng sở hữu tại đây xuống dưới 5%. Cùng thời gian này, CTCP Xây dựng U&I của đại gia Mai Hữu Tín bắt đầu gom cổ phiếu và Gỗ Trường Thành có chủ mới. Ông Mai Hữu Tín từng nổi tiếng với thương vụ giải cứu thành công Giấy Sài Gòn.

Sóng gió nhân sự tại Gỗ Trường Thành - Ảnh 3.

Doanh nhân Mai Hữu Tín làm CEO Gỗ Trường Thành từ 4/2017.

Khi Tân Liên Phát không còn là cổ đông lớn, bà Vũ Tuyết Hằng cũng nhanh chóng thôi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Gỗ Trường Thành, vị trí Tổng giám đốc công ty được ông Mai Hữu Tín đảm nhiệm, còn vị trí Chủ tịch HĐQT do ông Hồ Anh Dũng thay thế.

Một cái tên khác cũng từng tham gia vào tái cấu trúc Gỗ Trường Thành chính là Công ty cổ phần SAM Holdings khi doanh nghiệp này chi tới 147 tỷ đồng mua vào 20,8 triệu cổ phiếu TFF cuối năm 2017, trở thành cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau U&I. Tuy nhiên, SAM Holdings lại nhanh chóng rút lui khi bán đi lượng lớn cổ phần vào tháng 4/2018.

Trong công cuộc tái cơ cấu đại gia ngành gỗ này, nhóm Đồng Tâm Group là cái tên mới nhất sẽ tham gia vào ban quản trị. Thông qua việc hoán đổi cổ phần Sứ Thiên Thanh, Đồng Tâm hiện sở hữu ít nhất hơn 17% vốn TTF và ông Võ Quốc Lợi (con trai ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Đồng Tâm Group) cũng được đề cử làm thành viên HĐQT mới.

Ngoài ra, tại đại hội sắp tới, ông Mai Hữu Tín sẽ thôi làm Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT để nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT. Nhằm thay thế, Thành viên HĐQT Vũ Xuân Dương đảm nhiệm chức Phó chủ tịch và Thành HĐQT Nguyễn Trọng Hiếu sẽ làm CEO.

Như vậy, từ việc phần lớn cổ phần nằm trong tay cha con ông Võ Trường Thành (nhà sáng lập, đồng thời từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TTF) hiện nay vốn doanh nghiệp đã được chia nhỏ với 2 nhóm cổ đông lớn nhất là công ty U&I và nhóm Đồng Tâm Group.

Sống chung với lỗ

Công cuộc tái cơ cấu của TTF hiện phụ thuộc vào định hướng của 2 nhóm cổ đông lớn U&I và Đồng Tâm Group, sự đồng thuận của 2 nhóm này là có cơ sở khi 2 ông chủ đứng sau là đại gia Mai Hữu Tín cũng như bầu Thắng đều đang làm thành viên HĐQT của Kienlongbank. Sự kỳ vọng vào thay đổi của TTF theo đó cũng lớn hơn.

Sóng gió nhân sự tại Gỗ Trường Thành - Ảnh 4.

Bộ đôi U&I và Đồng Tâm sẽ chèo lái tiếp con thuyền TTF thời gian tới.

Dù vậy, phải nhìn vào thực tế là Gỗ Trường Thành vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Doanh thu ngày càng sụt giảm, chi phí tài chính lớn, và đặc biệt là khoảng lỗ lũy kế lên đến 2.120 tỷ đồng tại ngày 31/3, xấp vốn điều lệ. Tuy nhiên, mối lo hủy niêm yết cổ phiếu do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ đã được giải tỏa khi doanh nghiệp hoàn tất việc nhận sáp nhập Sứ Thiên Thanh cuối tháng 5, tăng vốn lên 3.112 tỷ đồng.

Với con số lỗ trên 2.000 tỷ đồng, nếu không có các thủ thuật tài chính để chuyển lỗ thì cổ đông của TTF buộc phải sống chung với lỗ trong một quãng đường dài. Bởi lẽ, mức lỗ lũy kế này hiện đã cao hơn tổng lợi nhuận của các năm có lãi của TTF kể từ khi công khai báo cáo tài chính.

Không thể mơ mộng TTF có thể thoát lỗ lũy kế nhanh chóng nhưng cổ đông vẫn có quyền kỳ vọng vào những cải tổ mới của doanh nghiệp. Nhưng đây không phải cuộc chơi cho người thiếu nhẫn nại, nói theo cách của ông Mai Hữu Tín là “tôi thích cuộc chơi dài hạn và các thách thức như tại TTF”.

Gỗ Trường Thành bước đầu đã có những điểm tích cực, từ mức nợ vay hơn 2.600 tỷ thời ông Võ Trường Thành, đến nay tổng vay nợ tài chính của TTF chưa đến 500 tỷ đồng. Hiện TTF chỉ còn khúc mắc khoản nợ 123 tỷ tại DongA Bank, khi trả dứt điểm thì công ty ra khỏi danh sách nợ xấu và có thể vay thương mại trở lại.

Gỗ Trường Thành cũng đẩy mạnh việc thoái vốn các đơn vị, thanh lý liên doanh trồng rừng với mục tiêu cuối cùng chỉ là giữ nhà máy chính ở Bình Dương cho mảng gỗ. Dòng tiền kinh doanh của TTF cũng cải thiện trở lại trong 2 năm gần đây.

Sóng gió nhân sự tại Gỗ Trường Thành - Ảnh 5.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TTF.

Một điểm đáng kỳ vọng khác là Gỗ Trường Thành không chỉ muốn xuất khẩu gỗ mà còn tìm cách chuyển mình sang nhà cung cấp nội thất tổng thể hàng đầu trong nước. Việc bổ sung mảng sứ vệ sinh từ Sứ Thiên Thanh là bước đi chuyển mình đầu tiên, cũng là mở đầu cho sự hợp tác với Đồng Tâm Group trong nhiều lĩnh vực khác.

Các sản phẩm chủ lực của Gỗ Trường Thành là đồ gỗ nội thất (bàn, ghế, tủ...), hàng ngoại thất (bàn, ghế, sofa ngoài trời...), ván sàn, cửa gỗ... 80% các sản phẩm xuất xưởng hiện nay đều là thiết kế riêng của Trường Thành.

Hiện 70% sản lượng sản phẩm gỗ của TTF là dành cho xuất khẩu đến các thị trường như Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia… Đối với thị trường quốc tế, khách hàng chính đa số là hệ thống siêu thị hàng đầu trên thế cũng như các chuỗi cửa hàng nhỏ hơn nhưng có thương hiệu mạnh và đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như Walmart, IKEA, Tesco...

Theo Huy Lê

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên